Giá cà phê vắt bên mua, thắt bên bán

Giá trên sàn kỳ hạn đảo chiều tạo hiện tượng vắt giá trong tuần qua. Nhưng các nhà xuất khẩu và nông dân chẳng được lợi gì. Giá tăng bao nhiêu, đầu cơ “chén” sạch. Tồn kho giảm có thể là cái cớ cho đợt vắt giá này. Còn tin sản lượng cà phê tăng lại “cắt phần ăn” của bên bán.

Hiện tượng “vắt” trên giá đóng cửa sàn Robusta Liffe NYSE

Giá kỳ hạn robusta lại “vắt”

Âm ỉ từ mấy tuần nay, giá cà phê robusta trên sàn kỳ hạn Liffe NYSE London thuộc cơ sở giao dịch chính là tháng 1-2013 đã bất ngờ vượt qua khỏi giá tháng 3-2013 để tạo thành hiện tượng “vắt giá” trong tuần qua.

Giá niêm yết vào ngày thứ ba 11-12 đã nhiều lần “hò kéo pháo” và cuối cùng  đóng cửa vượt cao hơn giá tháng 3-2012. Lúc đầu chỉ chừng vài đô la, đến ngày thứ sáu 14-12, có khi giao dịch cách biệt tháng 1-2013 đã đạt mức trên 40 đô la Mỹ/tấn, cao hơn giá tháng 3-2013.

Cách đây chừng ba bốn năm, hiện tượng vắt giá này được xem là bất thường, chỉ họa hoằn xảy ra khi có sương giá hay hạn hán đậm, bấy giờ làm thị trường cuống cuồng mua vào trên cả thị trường kỳ hạn (hàng giấy) lẫn hàng thực. Ở trường hợp đó, áp lực mua mạnh trên tháng giao dịch gần đã đẩy giá tháng ấy lên cao so với những tháng giao dịch xa hơn.

Tuy nhiên, mấy năm đổ lại đây, đầu cơ tài chính và hàng hóa đã bắt tay nhau để hút mạnh cả hàng thực lẫn hàng giấy bằng sức mạnh đồng tiền. Từ bấy đến nay, thị trường hầu như đã quen với dạng vắt giá này. Như vậy, ngày nay ta có khái niệm mới về vắt giá như sau: nó là một hiện tượng đầu cơ dùng một lượng tiền cực lớn để mua mạnh nhiều hợp đồng hàng giấy trên sàn hàng hóa và hàng thực cho tháng giao ngay hay tháng giao hàng gần nhất (spot month).

Ngược lại, một thị trường bình thường là các tháng giao hàng càng xa có giá càng cao hơn tháng gần. Mức chênh lệch cao hơn này được hiểu rằng thị trường cho phép người trữ hàng giao xa được trả với một lượng tiền nhất định để thanh toán các chi phí tài chính, kho bãi, hao hụt hàng hóa chẳng hạn.

Mỗi khi hiện tượng “vắt” giá xảy ra, thường thường giá tháng giao ngay được nâng lên cao rất nhiều so với giá tháng giao xa nhờ lực mua, chủ yếu theo đường “dương”. Nói vậy, giá vắt cũng có thể đi theo đường giảm xuống mức âm. Miễn là giá cách biệt giữa tháng giao ngay và các tháng sau, đặc biệt tháng cận kề, cách xa nhau càng xa càng tốt. Như giá ngày hôm qua thứ sáu, tuy vắt nhưng vẫn không theo đường tăng mà lại giảm mất chừng 20 đô la/tấn cho cả 2 tháng giao dịch gần nhất.

Đầu cơ giàu mà…bẩn

Một điều mới của vắt giá đợt này nữa là đầu cơ chỉ muốn “xơi” một mình mà không muốn chia sẻ những lợi lộc phát sinh từ hiện tượng này. Trước tiên, họ chọn thời điểm khá “độc”: ngay cao điểm thu hái và ra hàng của vụ mùa Việt Nam. Độc hơn là ngay giao điểm của tháng hết quyền chốt giá đối với các hợp đồng giao hàng thực cho tháng 1-2013 để chuyển sang kinh doanh tháng 3-2013.

Một nhà phân tích thị trường tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng do đang bán tín bán nghi vụ mùa 2012-13 của Việt Nam giảm, mấy tay đầu cơ đang cố gắng kích vắt giá để mở rộng đường cho hàng về các kho do Liffe NYSE chỉ định. Mặt khác, họ sẽ siết giá trừ lùi để kiếm lời cho hàng đang có sẵn tại các kho ở châu Âu.

Trong khi đó, chỉ mấy ngày trước đây, do giá tháng 3-2013 cao hơn tháng giao ngay (1-2013), các nước xuất khẩu đã đua nhau bán xa để tranh thủ có giá cao hơn nên qua đợt này, chỉ có các tay đầu cơ tài chính và hàng hóa là người hưởng lợi và chỉ muốn hưởng một mình, không chia cho ai, nhà phân tích giải thích.

Thực vậy, trên nhiều trang thông tin thị trường cá nhân, đã có lời ra tiếng vào rằng các nhà xuất khẩu mua không đúng giá theo tháng 1-2013 mà chỉ mua với giá tăng nhẹ không tương xứng” với vắt giá. Hãy nghe một độc giả lấy tên “tranphong” của trang thông tin ấy nói: “Giá thế giới lên 32 đô la mà sao giá nội địa chỉ lên 100 đồng/kg?”.

Đúng vậy, trong điều kiện bình thường, đáng ra nhà xuất khẩu phải nâng giá lên mức 660 đồng/kg để mua cho tương xứng với mức tăng 32 đô la/tấn nhưng nào “của ấy dễ ăn”?

Hôm qua thứ sáu 14-12 tức rạng sáng hôm nay thứ bảy 15-12, so với 7 ngày trước, đóng cửa giá niêm yết sàn kỳ hạn robusta tháng 1-2013 đạt mức 1908 đô la/tấn, tăng 12 đô la/tấn trong khi đó giá tháng 3-2013 lại giảm đến 32 đô la/tấn. Một tháng tăng, một tháng giảm đã đưa giá tháng 1-2013 cao hơn tháng 3-2013 đến 36 đô la/tấn, sau khi tăng trên 40 đô la. (Biểu đồ 1 cho thấy đường màu xanh biểu thị giá tháng 1 và màu đỏ giá tháng 3-2013. Giá tháng 1-2013 đã xé rào vượt qua tháng 3-2013 vào ngày 11-12).

Do không giao dịch hàng giấy mà hàng thực cũng chẳng có sẵn tại kho của sàn, các nhà xuất khẩu của nhiều nước sản xuất đành đứng ngoài “cửa sổ” nhịn thèm xem đầu cơ “thết” bữa cơm thịnh soạn với nhau trên sàn kỳ hạn.

Chính vì vậy, giá cà phê nội địa không tăng được theo hiện tượng vắt giá lần này mà thậm chí còn bị “thắt”. Giá cà phê xô sáng nay 15-12 tại các tỉnh Tây Nguyên lại xuống 37.800 đồng/kg, giảm 200-300 đồng so với cuối tuần trước là 38.000-38.200 đồng/kg. Giá trong tuần có khi tăng lên nhẹ vì “nhóng” giá vắt nhưng rồi giá niêm yết sàn kỳ hạn tháng 3-2013 quá yếu, không cho phép giá hàng xô tăng cao.

Lý gì để vắt bên mua, thắt bên bán?

Thường hiện tượng vắt giá dễ qua nhanh nếu như có nguồn hàng xuất khẩu mạnh bù đắp. Thế mà, hiện nay, nông dân nước có lượng xuất khẩu robusta số 1 thế giới đang bận rộn với thu hái và phơi phóng, nên hàng cà phê thành phẩm xuất khẩu ít ra thị trường như mong đợi.

Tuy Tổng cục Hải quan nói rằng xuất khẩu cà phê của nước ta trong tháng 11-2012 đạt 122.000 tấn, tăng 19,2% so với tháng 10-2012 và tăng 71,8% so với cùng kỳ cách đây 1 năm. Lượng xuất khẩu mạnh như thế tỏ ra vẫn chưa bảo đảm cho đầu cơ có đủ túc số lượng hàng để làm mưa làm gió sau này.

Trong khi đó, theo báo cáo ra hàng tháng của Liên đoàn Cà phê Châu Âu (European Coffee Federation – ECF), tồn kho các loại cà phê tại châu Âu đến hết tháng 10-2012 giảm 262.655 bao (15.759 tấn) so với cuối tháng 9 trước đó. Tuy nhiên, nếu so với con số của tháng 10-2011, tồn kho này giảm đến 2.078.300 bao, tương đương với 124.698 tấn (xin xem biểu đồ 2).

Báo cáo ra 2 tuần 1 kỳ của sàn robusta London cũng báo tồn kho robusta được Liffe NYSE công nhận chất lượng (certifieds) vừa qua cũng giảm 3.350 tấn, chỉ còn 105.140 tấn vào ngày 10-12-2012. So với cách đây 1 năm, tồn kho robusta Liffe giảm 62%, bấy giờ còn đến 275.350 tấn, tương đương với 4,589 triệu bao (xin xem biểu đồ 3).

Ngược lại, trong báo cáo hàng tháng mới nhất của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), cơ quan này ước sản lượng thế giới niên vụ 2012-13 tăng 8,4%, đạt 146 triệu bao, do Brazil gặp năm được mùa.

Đồng lúc đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng dự đoán sản lượng niên vụ 2012-13 của Indonesia đạt 9,8 triệu bao, tăng 16,86%. Tuy nhiên, tiêu thụ nội địa của nước này tăng đáng nể lên 7,6% đạt mức 2,54 triệu bao chủ yếu cà phê hòa tan và các sản phẩm có cà phê đấu trộn.

Nông dân chưa mặn mà bán ra do bận rộn thu hoạch và chưa mấy đồng tình với mức giá hiện nay, cộng với tồn kho hàng thực giảm tại các nước tiêu thụ, đó có thể là những cái cớ cho đầu cơ tạo đợt vắt giá hiện nay. Tin sản lượng tăng đặc biệt Indonesia đang trỗi dậy lại đã làm cho thị trường các nước xuất khẩu “thắt” giá bán. Đó chính là cái nghịch lý của thị trường cà phê hiện nay, bên hưởng bên thiệt là thế.

Liên quan:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Ngô Phú Hiển

    Tôi lại có cách nhìn khác, theo tôi hiện tượng vắt giá theo kiểu tháng giao gần cao hơn tháng giao xa cho thấy hàng bị khan hiếm trong ngắn hạn. Nguyên nhân có thể nhà rang xay kiên quyết không chịu mua giá cao, trong khi nông dân Việt Nam lại kiên quyết không chịu bán giá thấp, thương nhân không tìm được lợi nhuận nên cũng không mua hàng. Bởi vậy tuy hàng Việt Nam hiện rất dồi dào nhưng tồn kho liên tục giảm, đến kỳ hạn nhà rang xay không chờ được nữa nên buộc phải chấp nhận mua giá cao. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nhà rang xay không đủ kiên nhẫn chờ đợi nữa thì kỳ hạn giao xa cũng sẽ tăng theo. Vài thiển ý xin cùng chia sẻ với mọi người.

    Phiên cuối tuần 14/12/2012 giá Robusta các kỳ hạn đều quay đầu giảm mạnh, nguyên nhân có lẽ xin chờ đợi sự giải thích từ các ý kiến chuyên gia, còn dưới góc nhìn kỹ thuật đây đơn thuần chỉ là hiện tượng chốt lời ngắn hạn cho các vị thế mua trước đó, thị trường đang đi sóng (b) mà sóng (b) thường có sự giằng co rất lớn do tâm lý chung chưa ổn định (hàng khan hiếm thật rồi nhưng nhiều người vẫn chưa dám tin tưởng vào điều này), cú giảm này là bước sóng e, bước sóng cuối cùng của sóng (b) theo mô hình tam giác. Sau đó sẽ đi sóng (c) là con sóng khá mạnh mẽ, rất có thể phiên đầu tuần giá sẽ quay đầu tăng mạnh, trừ khi giá Robusta kỳ hạn tháng 3/2013 xuống dưới 1849 thì mô hình này bị phá vỡ cảnh báo tín hiệu xấu.

  2. ngọc bảo lộc

    Theo thiển kiến của tôi thì các đầu cơ phải có dự báo khá chắc chắn về thời điểm lượng hàng thật(physical) sẽ được bán ra?

  3. tuen

    Mộc mạc một tí, mánh khóe trong kinh doanh là càng thắt, càng bóp càng nhiều càng tốt phái không các huynh? Kĩ hơn một tí, kỳ hạn tháng 01 chưa đến, tự động nhảy vọt lên kỳ hạn tháng 03. Bó tay.

  4. Giang

    Mấy bác chuyên gia giải thích thế nào đây khi thị trường nội địa quay lại mua tháng 1 vì hôm nay giá âm? riết rồi em thấy chã tin bác nào được cả.

Tin đã đăng