Giá cà phê thế giới tiếp tục suy giảm chủ yếu do nguồn cung đồi dào trong khi nhà đầu tư tiếp tục đứng bên ngoài thị trường trước những biến động khó lường.
Đầu tuần, giá cà phê thế giới tiếp tục suy yếu. Trên sàn Liffe NYSE London, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 1/2013 mất 22 USD, tức giảm 1,17%, xuống 1.874 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3/2013 cũng mất 24 USD, tức giảm 1,28%, còn 1.880 USD/tấn.
Trên sàn ICE New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 3/2013 giảm 6,85 cent, tương đương 4,45%, xuống 147 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5/2013 cũng giảm 6,8 cent, tương đương 4,34%, còn 149,9 cent/lb.
Giữa tuần, hai thị trường cà phê thế giới biến động trái chiều. Tại thị trường London, giá cà phê Robusta bật tăng 3 phiên liên tiếp. Kỳ hạn giao tháng 1/2013 tăng tất cả 55 USD, tương đương 2,93%, lên mức 1.929 USD/tấn trong khi kỳ hạn giao tháng 3/2013 tăng tất cả chỉ 12 USD, tương đương 0,64%, lên 1.892 USD/tấn. Đây là mức giá cà phê Robusta cao nhất tuần. Cấu trúc giá đảo bắt đầu xuất hiện tạo nên cảm giác London đang rất cần hàng.
Trái lại, thị trường New York tiếp nối bằng 1 phiên tăng điểm đáng kể. Kỳ hạn giao tháng 3/2013 tăng 2,5 cent lên 149,5 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5/2013 tăng 3 cent lên 152,4 cent/lb. Đây cũng là mức giá cà phê Arabica cao nhất tuần. Sau đó giá cà phê Arabica quay đầu sụt giảm, kỳ hạn giao tháng 3/2013 mất 5,9 cent, tương đương 3,95%, xuống 143,6 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5/2013 mất 6 cent, tương đương 3,94%, còn 146,55 cent/lb.
Cuối tuần, giá cà phê thế giới quay trở lại xu hướng suy yếu. Tại London, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 1/2013 giảm 21 USD, tức giảm 1,1%, xuống 1.908 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3/2013 giảm 20 USD, tức giảm 1,07%, còn 1.872 USD/tấn. Đây là mức giá cà phê Robusta thấp nhất tuần.
Tại New York, giá cà phê Arabica tiếp tục sụt giảm sâu xuống mức thấp mới. Kỳ hạn giao tháng 3/2013 giảm 0,45 cent, tương đương 0,31%, xuống 143,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5/2013 cũng giảm 0,45 cent còn 146,1 cent/lb. Đây là mức giá cà phê Arabica thấp nhất tuần và cũng là mức thấp nhất kể từ ngày 13 tháng 6 năm 2010.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm xuống còn 37.800-38.000 đồng/kg, ngang bằng mức giá 4 tuần trước.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta tại London tăng 12 USD ở kỳ hạn giao tháng 1/2013 nhưng lại giảm 32 USD ở kỳ hạn giao tháng 3/2013, giá cà phê nhân xô nội địa giảm 200 đồng. Còn cà phê Arabica tại New York giảm 10,7 cent, tương đương 6,95%, mức giảm cao nhất trong vòng một tuần kể từ ngày 27 tháng bảy.
Sức ép nguồn cung cà phê thế giới hiện không hề giảm, với Arabica là sản lượng vụ mùa 2012/2013 của Brazil và các nước sản xuất chủ chốt “dồi dào chưa từng có”. Còn với Robusta là Việt Nam, quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới, đang thu hoạch vụ mùa, tuy sản lượng sụt giảm nhiều hơn mức đã dự báo.
Bên cạnh sự suy giảm kinh tế, thế giới còn gặp hai lực cản lớn là khủng hoảng nợ công châu Âu và “vách đá tài khóa” Mỹ nên mọi nổ lực của các nhà lãnh đạo khắp các châu lục dường như chưa phát huy hiệu quả.
Những qui định mới của sàn ICE làm nhà đầu tư ngần ngại, tạm rời xa thị trường New York khiến hàng vốn đã nhiều càng tiêu thụ chậm. Cấu trúc giá đảo của sàn Liffe và báo cáo tồn kho thấp tạo ra cảm giác nguồn cung Robusta vẫn không đủ hàng trong khi giá nội địa ở mức thấp nên nông dân các nước sản xuất không muốn bán hàng ra… làm nhà đầu tư càng đắn đo thêm. Bức tranh cà phê thế giới gần đây vì thế, càng nhuốm thêm nhiều màu sắc phong phú hơn.
Theo báo cáo thống kê của ngành Hải Quan, xuất khẩu cà phê tháng 11 đạt 121.961 tấn với giá trị kim ngạch 261,93 triệu USD. Lũy kế 11 tháng đầu năm đã xuất khẩu 1,56 triệu tấn cà phê với giá trị kim ngạch 3,34 tỷ USD, tăng 72,77% về lượng và tăng 75,81% về giá so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân xuất khẩu tháng 11 đạt 2.148 USD/tấn, giảm 3,46% so với giá bình quân xuất khẩu của tháng trước.
Anh Văn (giacaphe.com)
Đảo giá, vắt giá gì cũng mặc xác, dưới 45k là tôi chắc chắn không bán !
Bà con trồng cà phê hãy kiên quyết thể hiện lập trường của mình nhé !
Ý bác @Cư Né cũng như ý em, nhất quyết ko bán dưới giá 45k.
Năm nay mùa màng thất bát quá, tôi đồng ý không thể bán dưới giá đó được.
tui cũng muốn như các bác nhưng khổ nỗi đại lý đang đòi tiền phân bón (1). ngân hàng đang hối thúc thanh toán tiền lời (2). công cán, chi phí mùa màng cũng đến lúc cần quyết toán (3). =» 1 + 2 + 3 =… ?. giải giúp tui bài toán này với các bác.
Các bạn có điều kiện thì nói vậy thôi chứ những người trăm thứ chi chỉ nhìn vào hạt cà phê thì mặc dù biết giá bán hiện nay thấp quá, không có lãi nhưng cũng buộc phải bán để trang trải các khoản nợ phải trả khác như nợ phân bón, tiền công thu hái, chăm sóc vụ này…. Có ai thấu hiểu hết nỗi khổ của những người nông dân nghèo để có chính sách hỗ trợ hữu hiệu đâu. Gọi là có một số chính sách đó (vay tạm trữ là một ví dụ) nhưng những nông dân thật sự nghèo vẫn ít được thụ hưởng.
Cà phê già cỗi, sản lượng thấp, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất, dân tôi chuyển đổi trồng cây trồng khác rồi.
Đúng rồi đó , các bạn cố đừng bán dưới giá đó , nhưng biết đợi đến khi nào giá mới lên đến giá mà mình mong đợi . Giá cà phê nó có như mình mong đợi đâu , nếu nó như mình mong muốn thì đã không có bao nhiêu anh hùng bị sa cơ thất thế . Ai cũng mong có lời chút ít thôi mà nghe chừng khó khăn quá , gặp bạn bè trong nghề ai cũng kêu than hết , buồn làm sao !!!
Chú”còi” quả là thấu hiểu nỗi lòng của người làm ra hạt cafe. Chính sách vay tạm trữ gì gì đó cháu vẫn chưa hề nghe thấy thì lấy đâu ra để được hưởng chính sách đó chứ, hỏi hàng xóm xung quanh có biết gì về thông tin đó không thì chỉ nhận được… cái lắc đầu ngao ngán thôi chú ạ.
xin lỗi bà con, tôi nhầm. Chính sách “vay mua tạm trữ”.
Các bác nói thế cũng đúng. Nhưng nhiều trường hợp ép vào thế ko có tiền thì cũng phải bán… ! Đâu phải ai cũng có điều kiện để chịu được.