Mới đây, trong một hội nghị chuyên đề bàn về vấn đề tái canh cây cà phê Việt Nam do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức, Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, đến năm 2020, cả tỉnh có gần 60.000 ha cà phê trên 20 năm tuổi cần được cải tạo bằng các giống mới có chất lượng và năng suất cao để tạo vùng nguyên liệu thật bền vững.
So với các địa phương khác trong vùng nguyên liệu cà phê trọng điểm Tây Nguyên thì Lâm Đồng là tỉnh có diện tích cà phê cần cải tạo lớn thứ nhì sau Đắc Lắc: Đến năm 2020, trong 200.000 ha cà phê của các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước cần cải tạo thì Đắc Lắc chiếm 85.100 ha và sau đó là Lâm Đồng với gần 60.000 ha (còn lại là các tỉnh Gia Lai 27.335 ha, Đắc Nông 24.658 ha, Kon Tum 2.000 ha và Bình Phước 1.726 ha).
Kết quả bước đầu
Theo số liệu của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, cả tỉnh có trên 144.000 ha cà phê, cho sản lượng hàng năm trên 347.000 tấn. Về diện tích và sản lượng, Lâm Đồng là tỉnh đứng thứ hai sau Đắc Lắc. Và. Lâm Đồng và Đắc Lắc được xem là hai “tiểu vùng” cà phê chủ yếu của vùng cà phê trọng điểm Tây Nguyên như Chính phủ đã xác định trong chương trình phát triển Tây Nguyên.
Ông Lê Văn Minh – GĐ Sở NN-PTNT Lâm Đồng – cho biết: “Trong thực tế, việc cải tạo vườn cà phê già cỗi ở Lâm Đồng đã được đặt ra và thực hiện từ năm 2007 chứ không phải đợi đến mãi gần đây. Chương trình này cũng đã vạch ra những lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn ngắn như từ 2007-2010, từ 2010-2015 và từ 2015-2020”. Cụ thể, từ 2007 đến nay, Lâm Đồng đã ghép cải tạo được 18.000ha; nhiệm vụ từ nay đến 2015 tiếp tục cải tạo thêm 33.000 ha; và gần 1.000 ha còn lại sẽ được thực hiện trong giai đoạn từ 2016 đến 2020.
GĐ Sở NN-PTNT Lâm Đồng, ông Lê Văn Minh, nhấn mạnh: “Việc cải tạo này trong thời gian qua đã góp phần đáng kể trong việc đưa năng suất cà phê Lâm Đồng đạt bình quân từ 2,25 tấn/ha năm 2007 lên 2,48 tấn/ha năm 2011 vừa qua; đồng thời, sản lượng cà phê nhân vụ gần đây nhất cũng đã tăng lên gần 30% so với 5 năm trước”. Trong chương trình cải tạo giống cà phê mấy năm qua, tại một hội nghị chuyên đề ở phạm vi của tỉnh, Sở NN-PTNT Lâm Đồng chỉ ra rằng huyện Bảo Lâm là địa phương đi đầu trong công cuộc cải tạo vườn cà phê của tỉnh. Cụ thể, trong tổng diện tích 18.000ha cà phê của cả tỉnh Lâm Đồng đã cải tạo từ 2007 đến nay thì chỉ riêng huyện Bảo Lâm đã chiếm đến một nửa – 9.000 ha. Đặc biệt, nếu bình quân năng suất cà phê của toàn tỉnh hiện là 2,48 tấn/ha thì tại Bảo Lâm, con số này đã lên trên 3 tấn/ha; trong đó, riêng cà phê đã cải tạo (9.000 ha) đạt bình quân 4 tấn/ha; cá biệt có những hộ đạt đến 7-8 tấn/ha.
Đạt con số cải tạo 60.000ha năm 2020 dễ hay khó?
Tại hội nghị bàn về tái canh cây cà phê nói trên, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng nêu quyết tâm: Lâm Đồng cần khẳng định thương hiệu cà phê (thương hiệu cà phê Di Linh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận) và phải tạo cho bằng được vùng nguyên liệu cà phê theo xu thế phát triển bền vững. Với khả năng tạo được các giống cà phê đầu dòng ngay tại vườn ươm như TR4, TR9, TR11, TS1… với số lượng cây giống khá lớn nên về lý thuyết mà nói thì Lâm Đồng có đủ điều kiện để tái canh cây cà phê theo chương trình của Bộ.
Trong chương trình tác canh cây cà phê, Lâm Đồng chọn Bảo Lâm làm điểm: Bảo Lâm có 27.000 ha cà phê, chiếm gần 1/4 diện tích cà phê toàn tỉnh. Ngoài 9.000 ha đã cải tạo, huyện này cũng đã đề ra kế hoạch là đến năm 2015 sẽ có thêm 6.000 ha cà phê được tiếp tục chuyển đổi bằng các giống đầu dòng, đưa tổng diện tích cà phê được chuyển đổi của huyện lên 15.000 ha. “Ở phạm vi toàn tỉnh, để chuyển đổi khoảng 50.000 ha cà phê già cỗi (trong đó có 18.000ha đã chuyển đổi từ 2007 đến nay) sang trồng các giống đầu dòng, Lâm Đồng cần khoảng trên 310 tỷ đồng. Và, giai đoạn tiếp theo, cả tỉnh cần thêm hơn 100 tỷ đồng để tiếp tục chuyển đổi khoảng 10.000ha” – ông Lê Văn Minh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc chuyển đổi vườn cà phê già cỗi sang trồng mới hoặc ghép các giống cà phê mới đầu dòng sẽ ngày một khó khăn thực hiện hơn. “Đến lúc này, diện tích cà phê cần cải tạo thuộc nhà nước quản lý hoặc diện tích đã giao khoán cho hộ nông dân thì hầu như đã được thực hiện hết rồi. Trong 33.000 ha cần cải tạo từ nay đến năm 2015 và gần 10.000 ha cần tiếp tục thay giống từ 2016-2020 hầu như là diện tích của dân. “Không phải người dân nào cũng đủ khả năng để cùng lúc bỏ ra vài chục triệu đồng để thay giống mới cho một hecta cà phê của mình” – một cán bộ của Sở NN-PTNT Lâm Đồng nói.