Giá dưa hấu hiện nay rớt thảm hại chỉ còn 800 – 1.000 đồng/kg khiến người nông dân bất đắc dĩ phải đưa ra tận quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) thi nhau chào mời nhưng vẫn không có mấy khách qua đường mua.
Hàng tấn dưa đã thu hoạch nhưng vẫn chưa bán được. Suốt chặng đường dài trên quốc lộ 14, từng đống dưa vứt ngổn ngang, nhiều quả bị thối úng, mùi hôi bốc lên nồng nặc cả vùng. Một người dân cho biết dưa bị ném bỏ ra đường khiến một số người tham gia giao thông cán phải và bị ngã xe gây chấn thương.
Cảnh tượng thật khác với vụ dưa hấu năm 2011, khi từng đoàn xe tải ra tận ruộng dưa của bà con nông dân xã Diên Bình, huyện Đăk Tô (Kon Tum) để thu mua dưa hấu. Nhiều tư thương thầu mua cả bãi dưa với giá 8.000 đồng/kg, nhưng năm nay không hề thấy mặt họ nữa.
Anh Trương Công Trình (ngụ tại thôn 4, xã Diên Bình) suốt một tuần lễ qua “ăn sương nằm gió” bên vệ đường thuộc quốc lộ 14 để canh dưa. Ban ngày cả gia đình ra đứng đường để chào mời, hễ thấy có xe nào chạy qua lại ra sức vẫy chào mời mua dưa, nhưng lâu lâu mới có một vài người ghé mua. “Hơn ba tháng rưỡi cả gia đình nằm trong rừng để trồng, chăm sóc thì nay lại phải ra đường để bán dưa mà không có mấy người mua”, anh Trình buồn bã nói.
Theo nông dân Hoàng Long (ngụ tại thôn 4, xã Diên Bình), năm trước toàn xã chỉ trồng khoảng 50ha, thì năm nay diện tích tăng lên tới 150ha. Lý do diện tích tăng vọt là cùng thời gian này năm trước, các tư thương đến rất đông để thu mua, họ ra tận ruộng rồi bao tiêu cả vùng, có bao nhiêu họ thu mua bấy nhiêu, không kể quả lớn nhỏ… Toàn bộ số dưa này đều được bán qua Trung Quốc. Nhưng năm nay không thấy tư thương nào đến mua, họ bảo phía Trung Quốc ngưng “ăn” dưa rồi. Vì vậy, dù đến thời kỳ thu hoạch, nông dân trúng mùa đạt được 50-70 tấn/ha với những quả dưa da sáng bóng nặng 12-15kg, họ cũng đành mang dưa ra quốc lộ bán giá bèo để gỡ gạc lại vốn.
Hầu hết các hộ gia đình trồng dưa đều đi vay nợ ngân hàng để đầu tư, mỗi hecta phải đầu tư 150 triệu đồng, tiền phân bón, bơm nước, thuê nhân công… Anh Trình cho biết gia đình anh trồng 2ha, phải thuê 5 lao động (mỗi tháng trả 4 triệu tiền công) thuê bơm nước tưới 7 triệu đồng/ha, chưa tính tiền phân bón… Toàn bộ số tiền này đều vay ngân hàng.
“Mỗi hộ bây giờ mắc nợ hàng trăm triệu đồng vẫn chưa trả xong. Nông dân chúng tôi rơi vào cảnh thua lỗ nặng nề và không biết lấy gì trả nợ”, ông Hoàng Long chua xót nói.
Rồi một khi nào đó cà phê sẽ lâm vào tình trạng như dưa hấu mất thôi. Vì theo bản thân tôi nhận thấy bất cứ nơi nào trên Tây nguyên từ rừng sâu núi thẳm… đâu đâu cũng thấy toàn cà phê, độc cà phê. Sợ cung vượt cầu mất thôi. Sẽ khó khăn đây. Làm nông dân cũng chưa yên…
Trung quốc “phản pháo” và nông dân mình – chiếm 70% dân số, là nạn nhân đầu tiên lãnh đủ. Hết tôm hùm, khoai lang, dừa v.v… là mục tiêu đánh phá của họ.
Mình thì “hàng TQ toàn chất độc”, gà đẻ loại thải độc, áo ngực chị em độc…trái cây độc.
Ôi kinh tế, kinh thế!
Giá dưa hấu hay giá nông sản hiện tại được coi là rẻ. Nhưng mình lại cho rằng chính giá cả các loại hàng khác, nhất là các mặt hàng hàng công nghiệp được bán quá đắt. Hãy lấy lương tháng của người làm công ăn lương ra làm mặt bằng cân đối chi tiêu trong cuộc sống để xét thì sẽ thấy.
Trung quốc chợi độc chiêu ghê, ban đầu thu mua đắt để dân ta đổ xô nhau trồng, rồi họ bỏ một cách đánh phá nền kinh tế thật thâm hiểm, đúng là Trung quốc, chủ nghĩa dân tộc cực đoan muốn thống trị toàn thế giới. Chúng ta phải cảnh giác khi làm ăn với các doanh nghiệp Trung quốc.
Chưa hết đâu. Mình nghe đồn bên Trung Quốc đang thu lá Cafe nữa kìa. 1kg lá giá 1.700 đồng (ko mua lá cafe mit) đúng là bọn tầu… ác thật!