Mức giá cộng của cà phê Indonesia đã tăng lên mức cao nhất 6 tháng do khan hiếm nguồn cung trong khi cà phê Việt Nam lại có mức trừ lùi so với giá kỳ hạn trên sàn giao dịch London.
Mức giá cộng đối với cà phê Robusta của Indonesia trong tuần này tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5, do sự khan hiếm nguồn cung trước khi bước vào vụ mới, đã bắt đầu tác động đến các giao dịch của nhà xuất khẩu, nhưng cà phê Việt Nam lại có mức trừ lùi so với giá kỳ hạn, các đại lý vừa cho biết hôm qua, thứ Sáu 30/12.
Vụ mùa đã kết thúc ở Indonesia vào tháng 10, và các đại lý chờ đợi vụ thu hoạch phụ sẽ bắt đầu vào tháng 12 hoặc tháng 1. Vụ thu hoạch chính bắt đầu vào tháng 4 hoặc tháng 5.
Cà phê Sumatra loại 4, 80 hạt lỗi được định giá với mức cộng 150 – 170 USD so với giá hợp đồng tháng 1 trên sàn London, cao hơn mức 100 USD trong tuần trước, và không có báo cáo nào về việc giao dịch. Cà phê Việt Nam giao dịch trong tuần này với mức trừ lùi 30 USD so với giá trên sàn London.
“Những người vẫn còn cà phê 80 hạt lỗi hiện đang găm hàng lại. Tôi nghĩ mức giá cộng ít nhất cũng phải 150 USD,” một đại lý ở Singapore cho biết.
“Mức giá ở Indonesia thật điên rồ. Hầu hết các nhà kinh doanh đều đang ở vị thế bán, và họ cũng đã bán quá mức. Tôi tin là vấn đề này sẽ kéo dài đến tháng 2,” đại lý này cho biết khi đề cập thêm đến việc các nhà xuất khẩu đang nỗ lực để thực hiện hợp đồng.
Gần đây Indonesia sản xuất nhiều cà phê hạt lớn nhờ thời tiết thuận lợi hỗ trợ mùa vụ, nhưng hầu hết các nhà rang xay và nhà sản xuất thực phẩm đã chế biến vẫn đang theo mua loại cà phê 80 hạt lỗi đang được giao dịch rất phổ biến.
Sản lượng cà phê của Indonesia có thể tăng gần 13% trong năm nay cho đến tháng 9 năm 2013, do thời tiết tốt, trong khi nhu cầu nhiều hơn từ các nhà rang xay và tiêu dùng trong nước có khả năng thúc đẩy lượng cà phê nhập khẩu gia tăng, một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy.
“Giá cà phê đang chờ được bán ra sẽ tăng lên do nguồn cung bị hạn chế. Nhưng chỉ những ai liều lĩnh mới có thể mua cà phê với mức giá cộng hiện hành,” một đại lý khác ở Singapore cho biết.
“Loại cà phê tương đương ở Việt Nam có mức trừ lùi. Ở đó có rất nhiều cà phê. Hôm qua chúng tôi mua cà phê Việt Nam với mức trừ lùi 30 USD theo giá trên sàn London. Nhu cầu từ các nhà rang xay châu Âu hiện vẫn còn nhiều. Giá cả ở đó rất cạnh tranh so với giá cà phê Indonesia.”
Cà phê Việt Nam loại 2, 5% đen vỡ, được chào bán với mức trừ lùi 30 – 70 USD theo giá hợp đồng tháng 1 trên sàn London vào tuần trước. Việt Nam đã thu hoạch mùa vụ kỉ lục khoảng 1,6 triệu tấn trong niên vụ 2011/12 do năng suất cao và các khu vực trồng mới cho sản lượng tốt.
Việt Nam và Indonesia chiếm khoảng 23% sản lượng cà phê toàn cầu. Cà phê Robusta dùng để phối trộn với cà phê Arabica để cho ra một loại cà phê pha có giá rẻ hơn, hoặc để chế biến thành cà phê hòa tan.
TUẦN TỚI
Cà phê Indonesia trong tuần tới có thể vẫn giữ mức giá cộng hiện nay do nguồn cung bị hạn chế, điều này có thể khiến một số người tiêu dùng chuyển hướng sang cà phê Việt Nam.
“Mọi người không thể mua cà phê Indonesia với mức giá cộng hiện tại. Họ muốn chờ đợi hơn. Nếu họ có thể thay thế bằng hạt cà phê Robusta Việt Nam, vậy thì tại sao không,” đại lý hàng đầu ở Singapore cho biết.
Hôm qua thứ Sáu ngày 30/11, trên sàn London, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 1 đã giảm 24 USD, tương đương 1,25%, và chốt phiên ở mức 1.914 USD/tấn, trong khi trên sàn New York giá cà phê Arabica cũng đang sụt giảm.
Cho đến thời điểm này của năm 2012, cà phê Arabica kỳ hạn có biểu hiện yếu nhất trên chỉ số CRB của Thomson Reuters – Jefferies, và đã giảm khoảng 35% kể từ cuối năm 2011.