Phương thức bón cho sắn

cay-sanỞ VN, sản lượng sắn (khoai mì) đã tăng rất mạnh, từ 1,99 triệu tấn năm 2000 tăng lên 7,71 triệu tấn năm 2006, do diện tích tăng gấp đôi cùng năng suất tăng cao trong thời gian này.

Khủng hoảng kinh tế làm cho giá sắn hiện nay suy giảm và hiệu quả cây sắn không còn được cao như những năm trước, nhưng sắn vẫn là cây có giá trị đối với các hộ nghèo ở những vùng đất trung du và miền núi. Hơn nữa, nhu cầu về sắn được dự báo vẫn rất cao do VN đang thực hiện mục tiêu sản xuất 100 – 150 triệu lít ethanol/năm và còn phải cung cấp cho sản xuất thức ăn chăn nuôi với số lượng lớn.

Những giống sắn có năng suất cao hiện nay, đang được khuyến cáo trồng ở phía Nam gồm KM 60, KM 95, SM 037-26, KM – 1, KM 98-5, KM 140, KM94 và các giống có năng suất trung bình từ 28 – 30 tấn, hàm lượng tinh bột từ 28% – 30%.

Thời vụ trồng sắn được khuyến cáo riêng cho 2 loại đất. Trên đất đỏ sắn được trồng vào mùa mưa (tháng 4 – tháng 5). Trên đất xám nên chia thành hai thời vụ trồng để rải vụ thu hoạch và giảm áp lực về công lao động. Vụ 1, được trồng từ tháng 4 – tháng 5 và thu hoạch vào tháng 1 đến tháng 3 năm sau. Vụ 2, trồng vào tháng 10 – tháng 11; thu hoạch vào tháng 9 – 10 năm sau.

Về mật độ trồng, đối với đất tốt và trung bình, sắn được trồng với khoảng cách 1,0 x 1,0m, tương đương với 10.000 cây/ha. Trên đất xấu trồng với khoảng cách 1,0 x 0,8m và 0,8 x 0,8m, tương đương với 12.500 cây/ha và 16.000 cây/ha.

Về phân bón, cây sắn được gọi là cây phàm ăn vì chúng có năng suất cao, hút nhiều dinh dưỡng từ đất. Người ta thấy rằng sắn cần nhiều phân ka li nhưng cần lân và đạm ở mức vừa phải. Bón nhiều đạm quá sẽ gây hiện tượng tốt lá nhưng giảm tỷ lệ củ và chất lượng củ. Trên đất xám bạc mầu rất cần chú ý bón thêm các loại phân và chất cải tạo đất có chứa nhiều canxi và các nguyên tố trung lượng khác như magie và lưu huỳnh. Nếu không bón đủ các chất này, việc bón phân NPK sẽ kém hiệu quả. Các loại “phân nền” này có thể là vôi, lân nung chẩy (Văn Điển hoặc Ninh Bình), lân super (Long Thành hoặc Lâm Thao). Nếu dùng lân nung chẩy hoặc bón vôi, cần chú ý sử dụng một lượng phân đạm dưới dạng SA để bổ sung lưu huỳnh cho cây. Ngoài ra việc bón thêm phân hữu cơ hàng năm là rất hiệu quả. Trên nền các loại phân này người ta khuyến cáo bón phân NPK theo tỷ lệ 2:1:2 nếu phân nền là vôi, hay 3:1:3 nếu phân nền là lân nung chẩy hoặc super lân sẽ cho kết quả tốt.

Lượng phân sử dụng cho 1ha như sau: – Phân hữu cơ (phân chuồng, phân xanh): Bón 5 – 7 tấn/ha/vụ, hoặc phân hữu cơ chế biến từ than bùn bón 500kg/ha. Nếu là đất xám bạc mầu nên bón thêm 150-200kg vôi hoặc lân nung chẩy/ha để cải thiện nền dinh dưỡng đất.

– Phân hóa học: Bón khoảng 80kg N + 40kg P2O5 + 80kg K2O/ha, tương đương với 170kg urea + 250 super lân + 135kg clorua kali.

Toàn bộ phân hữu cơ và lân, vôi nên dùng bón lót. Khi cây được từ 25 – 30 ngày sau trồng, bón thúc lần 1 với 1/2 lượng phâm đạm + 1/2 lượng phân kali. Khi cây được từ 50 – 60 ngày sau trồng bón 1/2 phân đạm và 1/2 lượng kali còn lại.

Để tiện lợi cho việc sử dụng, Xí nghiệp phân bón Chánh Hưng – thuộc Công ty phân bón Miền Nam, hiệu “CON Ó” đã sản xuất loại phân chuyên dùng cho cây sắn, trong đó ngoài các thành phần chính NPK còn có 3% các nguyên tố trung lượng. Với loại phân này xí nghiệp khuyến cáo bón với liều lượng 400 – 600 kg/ha, chia 2 lần bón như đã nói ở trên. Nếu dùng loại phân chuyên dùng này, bà con chỉ cần kết hợp với 1 lần bón lót phân hữu cơ là tương đối đáp ứng được nhu cầu phân bón cho mỗi vụ trồng.

Nguyễn Thịnh
Theo Báo Nông Nghiệp

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng