Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đưa ra dự thảo nghị định mới trình Chính phủ về xử phạt trong sản xuất kinh doanh phân bón, trong đó có điều khoản: nông dân sẽ bị xử phạt nếu dùng phân bón giả, kém chất lượng.
Điều khoản này đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối, bởi nếu như vậy, một trong những đối tượng thường xuyên sử dụng phân bón là nông dân sẽ bị xử oan nếu không may sử dụng phân bón giả.
Theo dự thảo mới này, mức xử phạt hành chính cao nhất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng có thể lên tới 100 triệu đồng, thay vì 13-15 triệu đồng như trước đây. Dự thảo nghị định cũng đã đưa ra khung xử lý mạnh nhất là đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi kinh doanh phân bón giả có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định người sử dụng phân bón không có tên trong danh mục và gây ô nhiễm môi trường có thể bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng.
Chế tài xử phạt thật khó hiểu
Theo quan điểm của TS. Trương Hợp Tác,Trưởng phòng Sử dụng đất và Phân bón (Cục Trồng trọt ), nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón còn đang trong quá trình soạn thảo, được đưa ra để các cơ quan chức năng đóng góp ý kiến, chưa phải là chính thức, chưa chốt lại điều gì cả.
Một số thông tin cho rằng Nghị định này đang nhằm vào xử phạt nông dân là không đúng, không chính xác. Đây là chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm trong việc sử dụng phân bón, không ám chỉ, không nhằm vào bất cứ ai.
Trong dự thảo này, điều khoản nhận được nhiều sự ủng hộ chính là nâng mức xử phạt hành chính cao nhất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán phân bón giả, kém chất lượng có thể lên tới 100 triệu đồng, nhưng xử phạt đối với người sử dụng phân bón giả (chủ yếu là nông dân) thì quả thật là điều khó hiểu.
Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, những người soạn thảo chẳng bao giờ vì người nông dân và chưa đặt mình vào vị trí của người nông dân. Khi nhận được thông tin này, hàng chục triệu nông dân cũng đang rất bức xúc. Lẽ ra họ phải là người được che chở, bảo vệ trước nạn phân bón giả, kém chất lượng thì không hiểu vì lý do gì những người làm luật, chẳng biết do vô tình hay hữu ý lại bắt họ… nộp phạt.
Trên thực tế, trình độ của người nông dân trong việc nhận biết thật – giả của các loại sản phẩm phân bón còn nhiều hạn chế. Đã có ai trang bị cho họ kỹ năng kiểm định chất lượng phân bón đâu. Chẳng có nông dân nào lại cố ý đi mua phân bón giả về dùng. Theo một nông dân trồng cam Canh ở thôn Hoà Bình, xã Yên Nghĩa, quận Hà Đông: “Chăm sóc vườn cam cần nhiều phân bón. Mua phải phân bón giả đã khiến vườn cam điêu đứng cả năm ngoái mà vẫn chưa biết kêu ai, bây giờ nếu lại phải chịu phạt, quả là oan uổng”.
Một số ý kiến khác lại cho rằng, số tiền 5 – 10 triệu đồng mà nông dân phải chịu phạt cao hơn rất nhiều so với một mùa lúa mà họ chăm bón. Nông dân không có kiến thức để phân biệt phân bón giả – thật. Nếu dự thảo này được áp dụng thì chắc chắn tất cả nông dân đều bị phạt. Một điều dễ nhận thấy, nếu chẳng may họ nhỡ mua và sử dụng phải phân bón giả, chắc sẽ không ai dại gì chịu nộp phạt. Dự thảo Nghị định này lại làm khó cho chính cơ quan chức năng vì khó vạch ra được các loại tội phạm làm hại nông dân.
Nghị định còn nhiều điều khó khả thi
Tuy nhiên theo ông Trương Hợp Tác, chế tài này cũng là một cách để nông dân phải có ý thức hơn về hành vi của mình, phải biết kiểm soát nguồn gốc phân bón, từ đó có thể hạn chế được tình trạng phân bón giả. Khi nông dân mua phải phân bón giả, thiệt hại về kinh tế, sản xuất, ảnh hưởng đến môi trường và nhiều hệ luỵ khác. Bản thân nông dân phải chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng phân bón. Từ đó họ sẽ có ý thức khi mua phân bón, có ý thức tố cáo những doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, buôn bán phân bón giả…
Giải thích thêm về dự thảo này, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Phan Huy Thông cho biết, Nghị định ra đời với mục đích siết chặt kiểm soát hơn việc sử dụng phân bón trước nạn phân bón giả đang hoành hành. Quan điểm của Cục là xử phạt những hành vi không đúng như xử phạt người sử dụng phân bón gây ô nhiễm môi trường, phân bón bị cấm, phạt những người tiếp tay cho doanh nghiệp, các cơ sở phân bón giả… Không nhằm mục đích đánh vào người sử dụng, Nghị định mới chỉ có tính chất răn đe, nhắc nhở để nông dân cảnh giác hơn khi mua và sử dụng phân bón.
Cục Trồng trọt khuyến cáo người nông dân khi mua và sử dụng phân bón cần biết rõ nguồn gốc, không nên mua phân bón của các doanh nghiệp sản xuất không có địa chỉ rõ ràng, không có các thông tin cần thiết theo quy định; cần tới các địa chỉ tin cậy để mua phân bón hoặc có sự tư vấn của các cơ quan nhà nước như phòng nông nghiệp huyện, phòng trồng trọt hay nông nghiệp của các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ về chất lượng, cần phải báo ngay cho chính quyền và các cơ quan chức năng biết để sớm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời. Khi mua và sử dụng phân bón cần phải có hoá đơn và giữ lại bao bì, hoá đơn để sau này có bằng chứng. Nếu có sự sai sót hoặc vi phạm để có cơ sở nhận biết và khiếu nại đền bù. Đây là phương pháp mà người nông dân tự bảo vệ mình tốt nhất.
Thế nhưng, theo ý kiến của những nhà sản xuất, kinh doanh phân bón, điều khoản xử phạt người sử dụng phân bón giả còn nhiều bất ổn và khó thực thi. Ngay cả cán bộ có chuyên môn kỹ thuật, có trình độ, đôi khi còn lúng túng trong việc phân biệt thật giả, nói gì đến người nông dân. Vì sao nhiệm vụ kiểm soát nguồn sản phẩm phân bón thật – giả, lại “trút” lên đầu nông dân, trong khi chính họ là nạn nhân?
Câu hỏi này cần được các cơ quan chức năng trả lời.