Sau rất nhiều thông tin đồn thổi và cả những tuyên bố, tháng 12 tới, cái tên nổi tiếng nhất trong thị trường cà phê – Starbucks Coffee sẽ chính thức có mặt tại Việt Nam.
Xem thêm:
– “Người khổng lồ” Starbucks sắp vào Việt Nam?
– Trung Nguyên và câu chuyện “Tấm ngân phiếu một triệu Bảng”
Đã dọn quang đường
Những ồn ào chung quanh vụ thương hiệu thức ăn nhanh Burger King “lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam” chưa lắng xuống, báo chí rồi sẽ tốn nhiều giấy mực cho sự có mặt của thương hiệu cà phê hàng đầu thế giới Starbucks (có trụ sở chính ở Mỹ) tại Tp.HCM.
Đây quả thực là thông tin không vui cho những đối thủ trong cùng ngành nhưng lại xóa được những nghi ngờ, chờ đợi của những ai quan tâm đến thương hiệu này, bởi vào năm 2011, Giám đốc điều hành Starbucks là Howard Schultz nói với BBC rằng, họ sẽ cố gắng xâm nhập vào thị trường Việt Nam trước năm 2013.
Trên thực tế, những nhân viên của Starbucks đã đến tìm hiểu thị trường Việt Nam khá lâu. Kể từ khi thương hiệu cà phê nổi tiếng của Úc Gloria Jeans Coffee mở cửa hàng đầu tiên vào tháng 1/2007 thì “dân làm thương hiệu” đã đưa ra dự đoán về sự xuất hiện của những tên tuổi khác, trong đó có Starbucks. Năm 2008, đã có những khẳng định về việc The Coffee Bean & Tea Leaf sẽ đến Việt Nam và đến năm 2009, người ta râm ran chuyện Starbucks đã “cài người” vào thị trường Việt Nam.
Theo những tiết lộ từ Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam (C&W), đơn vị phụ trách việc tìm kiếm mặt bằng cho Starbuck tại Việt Nam thì cửa hàng đầu tiên của Starbuck sẽ nằm ở vị trí không xa khách sạn New World (quận 1) là mấy.
Thông tin này chỉ được chia sẻ khi C&W hoàn tất các thỏa thuận về mặt bằng cho Starbucks, nhằm tránh những “điều không hay” có thể ảnh hưởng đến việc mở cửa hàng đầu tiên.
Chris Brown, Tổng giám đốc C&W Việt Nam, cho biết, trong năm 2012, Starbucks sẽ mở duy nhất một cửa hàng nhưng trong năm sau, họ có kế hoạch mở thêm từ 3 – 5 cửa hàng tại khu vực trung tâm (CBD) Tp.HCM. Chris bày tỏ quan điểm, sở dĩ đến thời điểm này Starbucks mới mở cửa hàng cà phê đầu tiên tại Việt Nam là do họ phải tìm kiếm các đối tác tại địa phương và mặt bằng phù hợp.
Định lại chuẩn về cà phê
Hầu hết các thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới đều đến Việt Nam thông qua con đường nhượng quyền thương mại (franchise). Điển hình như Gloria Jeans Coffee được Công ty Cổ phần Phong Cách sống Việt đưa về, còn Công ty TNHH Thương mại Việt Cà Phê đưa The Coffee Bean & Tea Leaf về.
Trước sự xuất hiện của Starbucks, nhiều người sẽ đặt dấu chấm hỏi: “Ai là người mang Starbucks vào thị trường Việt Nam?”. “Nếu bạn là người quan tâm đến lễ cưới rình rang của diễn viên Tăng Thanh Hà trong thời gian gần đây thì chắc chắn sẽ đoán ra chủ nhân. Đối với Jonathan Hạnh Nguyễn, việc đưa Starbucks vào không phải là chuyện quá khó khăn”, một chuyên gia tư vấn cho nhiều thương hiệu trong ngành cà phê tại Việt Nam cho biết.
Theo chuyên gia này, xu hướng thưởng thức cà phê của người tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu thay đổi, đặc biệt là giới trẻ, họ thích đến các cửa hàng theo phong cách Tây như Gloria Jeans Coffee hay Starbucks hơn là các cửa hàng truyền thống.
Ngoài ra, người tiêu dùng ngày nay đã quan tâm nhiều đến sức khỏe nên có sự dịch chuyển từ cà phê rang sang cà phê sạch, đồng thời, nữ giới cũng bắt đầu thích các loại thức uống được các cửa hàng cà phê hiện đại này tạo ra.
Dù nhu cầu tăng nhưng phải thừa nhận rằng, tốc độ tăng trưởng của các thương hiệu cà phê nổi tiếng này vẫn còn chậm, biểu hiện qua số lượng cửa hàng mà các “ông lớn” phát triển vẫn còn ít (Gloria Jeans Coffee hiện phát triển 6 cửa hàng; The Coffee Bean & Tea Leaf phát triển chuỗi 8 cửa hàng tại TP.HCM và Hà Nội).
Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên gia, việc mở rộng hay thu hẹp cửa hàng của các thương hiệu lớn này không phải là vấn đề quan trọng vì họ là các thương hiệu đa quốc gia và Việt Nam chỉ là một thị trường nhỏ trong “bản đồ” thị trường toàn cầu của họ; trong khi ở các nước phát triển, thu hút lượng lớn khách du lịch, các thương hiệu này phải “chen chân tìm đất”.
Chẳng hạn, ở Singapore, người ta có thể bắt gặp cái tên “Starbucks Coffee” ở bất kỳ nơi đâu, từ mặt tiền các phố thương mại cho đến tận bên trong các trung tâm thương mại.
Hơn nữa, việc mở rộng hay không cũng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề mặt bằng, nếu xét về mô hình và chất lượng, Gloria Jeans Coffee và Starbucks có những điểm tương đồng. Trong khi The Coffee Bean & Tea Leaf phát triển dọc theo các tòa nhà và trung tâm thương mại tại khu vực CBD thì Gloria Jeans Coffee lại phát triển chuỗi cửa hàng tại các mặt bằng lẻ bên ngoài.
Mà chuyện thuê được mặt bằng ưng ý tại khu vực CBD Tp.HCM hiện không phải là chuyện đơn giản. Nói về chiến lược phát triển hệ thống mặt bằng cho Starbucks tại Việt Nam, đại diện C&W cho rằng, trước mắt, họ sẽ tìm những mặt bằng lẻ, còn việc thâm nhập vào các trung tâm thương mại là chuyện tương lai vì những trung tâm như Vincom Center đã cho thuê từ cách đây hai năm.
Đối với người tiêu thụ cà phê Việt Nam, trong đó có giới trẻ, đã bị “nhiễm” quá nhiều hóa chất trong ly cà phê do nhiều cơ sở rang xay, quán tiệm cà phê nội địa cung cấp. Sự có mặt của các chuỗi cửa hàng mới đây như bài báo nhắc, rồi mai đây, là Starbucks, sẽ là nơi cung cấp ly cà phê “đối chứng”. Chắc chắn sự chiến thắng của một thương hiệu không chỉ là lôi kéo phong cách, chọn chỗ hoành tráng hay “de luxe”, mà chính là chỗ trung thực trong pha chế, vệ sinh an toàn thực phẩm, trọng sinh mạng con người…
Đáng tiếc cho sự lụi tàn dần của các quán cà phê trong nước.
Trong kinh doanh cà phê, cũng vẫn phải tâm niệm câu: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”… Ngày xưa, cụ Nguyễn Du chỉ nói đến “tài” là tài năng, nay mở rộng nghĩa từ này thêm tí nữa mới thấy hết ý nghĩa của nó: tài cũng chính là tiền bạc.
Tôi nghe ông Vũ Trung Nguyên có nhận xét về thương hiệu Starbucks rằng: “Họ không bán cà phê, mà đang bán nước có mùi cà phê pha với đường”.
Vậy thì vào VN bán cho ai uống !
“bán nước có mùi cà phê pha với đường” nghĩa là sao ?
Không lẽ là nước đường + hóa chất tạo mùi hương cà phê ?
Vậy thì nguy cho dân ta quá !
Ông Vũ nói thì nói thế thôi chứ phen này mà Starbucks bước chân vào VN thì Trung Nguyên cũng toát mồ hôi hột.
Phân khúc thị trường cao cấp, trí thức đang tăng nhanh về giá trị. Với các thức nước mà Trung Nguyên đang bán thì chẳng chóng thì chày cũng thua trên sân nhà.
Thà rằng có mùi cà phê pha đường mình vẫn thích hơn cà phê đặc quánh với quá nhiều thứ hóa chất như: chất tạo đắng, chất tạo bọt, chất tạo độ keo, tinh moka…thật kinh khủng với kiểu kinh doanh chụp dựt.
Nhiều khi nói thật là bực mình quá chỉ muốn cho các hãng cà phê ngoại nhảy vào để cãi hóa người tiêu dùng Việt.
Cứ uống cà phê đối chứng, cà phê nguyên chất đi rồi phán nhá. Starbucks sẽ dạy cho các doanh nhân Việt cách tôn trọng khách hàng để tồn tại. Ai đời đi bán cà phê pha hương, pha chất độc lại đi chê cà phê nguyên chất của Starbucks chứ? Quá độc mồm độc miệng!
Chất lượng cà phê Trung Nguyên mấy năm gần đây cũng nhiều tạp chất quá, nhất là G7 uống xong khoảng 5 phút đi thãi là toàn mùi hóa chất G7 luôn, thử hỏi nguyên chất thì sao mà lại thế được. Mình cũng rất muốn các hãng nước ngoài vô để người tiêu dùng được phục vụ dịch vụ tốt, được tôn trọng hơn, Hãy chờ xem mr Vũ sẽ như thế nào nha.