Cuộc họp thường niên của các nhà sản xuất cà phê toàn cầu tập trung chủ yếu vào các biện pháp làm thế nào để giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với cây cà phê từ việc nhiệt độ toàn cầu ngày càng gia tăng.
Mặc dầu còn hơi sớm để đánh giá đầy đủ các tác động của việc biến đổi khí hậu đối với các vùng trồng cà phê, các chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm và có uy tín trong ngành cà phê tham dự cuộc họp tại thủ đô San Jose, Costa Rica vào giữa tuần này đã khuyến cáo, các nhà sản xuất cà phê cần phải nổ lực hơn nữa để làm giảm thiểu các tác động tiêu cực thông qua việc cải tiến quy trình sản xuất và phòng chống sâu bệnh bằng các biện pháp ít gây ô nhiễm môi trường.
Hội nghị khoa học quốc tế lần thứ XXIV về cà phê do Hiệp hội Khoa học và thông tin cà phê tổ chức tại thủ đô San Jose, Costa Rica vào giữa tuần này với hai chủ đề chính xuyên suốt đó là “Biến đổi khí hậu và các lợi ích của cà phê đối với sức khỏe con người”.
Chủ tịch ASIC Andria Illy, trong báo cáo tham luận đã nêu rõ, mặc dầu hiện còn hơi sớm để xác định một tổng thể các hậu quả tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với các đồn điền trồng cà phê, nhưng đã có nhiều dấu hiệu cho thấy đã xuất hiện một số tác động ở khu vực Trung Mỹ và Colombia. Cà phê là loại cây rất dễ bị tổn thương khi thời tiết khắc nghiệt xẩy ra như nắng nóng, hạn hán hoặc mưa nhiều đẫn đến ngập lụt, các hiện tượng này gần đây có liên quan trực tiếp đến việc biến đổi khí hậu và ông không loại trừ kịch bản có thể xảy ra trong tương lai với nhiệt độ toàn cầu ngày càng gia tăng mạnh khiến các nhà sản xuất cà phê buộc phải chuyển vùng canh tác đến các khu vực cao hơn và lạnh hơn.
Nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu và cà phê của ASIC Van de Vocer bình luận về một số thách thức của người sản xuất cà phê, đó là việc làm thế nào để sử dụng một cách hiệu quả nước và việc giảm sử dụng hóa chất ở các nông trại cà phê. Ông giải thích, người trồng cà phê cần xem xét sử dụng nguồn nước mưa để tưới cũng như sử dụng nó trong quy trình công nghiệp chế biến cà phê có thể giảm được đến 10% lượng nước cần thiết thông qua việc sử dụng các loại máy moóc thế hệ mới.
Theo số liệu nghiên cứu của ông, hiện nay cứ 2 kg cà phê được sản xuất trên thế giới trung bình phải cần khoảng 1 m3 nước. Một giải pháp khác cũng được nhà nghiên cứu này đề xuất là là giảm sử dụng các hóa chất nông nghiệp thông qua việc đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu khoa học để tạo ra các giống cà phê có sức đề kháng tự nhiên cao, thích nghi nhanh với việc biến đổi khí hậu và chống chọi tốt hơn với sâu bệnh, như bệnh đốm lá bênh sâu đục thân và rễ cà phê. Ông cho biết thêm, hiện nay, ở các nước Trung Mỹ bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực trong việc làm hạn chế các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu lên cây cà phê, cụ thể là việc kết hợp trồng cà phê xen kẽ với trồng rừng.
Liên quan đến tác động của cà phê đối với người sử dụng, nhà nghiên cứu của ASIC về đề tài sức khỏe, James Coughlin nhận xét rằng, các tin xấu về tác động tiêu cực của cà phê đối với sức khỏe con người trong các năm gần đây đã được đảo ngược nhờ các nghiên cứu khoa học và y học. Ông khẳng định, hiện đã chứng minh được cà phê có các tác dụng tích cực làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, Alzheimer, Parkinson và bệnh tiểu đường. Khoa học hiện thời cũng đã chứng minh chất cà phê in có trong cà phê có tác động tích cực đối với sức khỏe con người. Các nghiên cứu của ASIC cho thấy có bằng chứng khoa học chỉ rõ, uống từ 3-4 tách cà phê mỗi ngày với liều lượng mỗi tách không quá 100 miligam cà phê in rất có lợi cho sức khỏe.
Trần Đình Văn
Nguồn tin từ EFE và báo Mercurio Chile ngày 16/11/2012