Giá robusta trên sàn kỳ hạn Liffe NYSE giảm xuống quá mức tâm lý 2.000 đô la/tấn; giá nội địa mất mốc 40.000 đồng/kg. Nông dân và nhà xuất khẩu đều lo lắng. Có biện pháp nào để hãm đà giảm hay chỉ cần đổ tội cho mất mùa?
Giá dìm sâu, lòng người lo âu
Thị trường cà phê robusta khắp nơi đang bắt đầu sốt ruột. Giá liên tục giảm chưa biết “phanh” ở mức nào. Trong khi đó, mùa mới đang bắt đầu, nhiều nơi đang hái rộ. Chỉ trừ những khi ra vườn, về nhà vào xóm nghe giá rớt hàng ngày, nhiều người đã bắt đầu nao núng.
Giá sàn kỳ hạn cà phê robusta Liffe NYSE tại London cơ sở tháng giao dịch tháng 1-2013, nay là tháng giao dịch chính, đã chính thức mất mốc 2.000 đô la/tấn trong tuần qua. Giá đóng cửa khuya thứ sáu 2-11-2012, tức rạng sáng thứ bảy 3-11 giờ Việt Nam, chỉ ở mức 1.976 đô la/tấn. Như vậy, chỉ nguyên giá trên sàn kỳ hạn tuần qua mất thêm 45 đô la/tấn, so với mức đóng cửa cuối tuần trước là 2.021 đô la. Nếu so với giá ngày đầu vụ, giá kỳ hạn đã mất đứt 212 đô la, tức giá ngày 1-10 bấy giờ ở mức 2.188 đô la/tấn.
Giá cà phê nhân xô trên thị trường nội địa giảm nhanh. Đến sáng hôm nay, có nhiều người muốn chào bán mức 39.000 đồng/kg, chào tạm biệt mốc 40.000 đồng/kg của tuần trước.
“Thấy giá xuống mà xót ruột. Tôi vẫn chưa biết làm sao khi mùa vào, phải bán hàng ra để lấy tiền tái sản xuất và trả nợ, trong khi giá ngày một ngày hai cứ rớt kiểu này…”, một nông dân thuộc Hợp tác xã cà phê Lâm Viên tại huyện Di Linh than thở như thế.
Dù có tin sản lượng giảm, giá vẫn giảm
Giá xuống dài dài đã làm thị trường có phần yên ắng đôi chút. Trong tuần qua, từ cuộc họp Vicofa được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có vị giám đốc một công ty xuất khẩu ước sản lượng niên vụ mới này 2012/13 có thể giảm chừng 15% do thời tiết không thuận trên cơ sở sản lượng niên vụ cũ là 26,5 triệu bao.
Tuy nhiên, thông tin mất mùa ấy vẫn chưa đủ sức thuyết phục để giúp giá tăng lại đôi chút trong ngày cuối tuần, ngược lại sàn kỳ hạn mất thêm 8 đô la/tấn khi đóng cửa.
Thực ra, nhiều cơ quan, công ty, tuy bỏ biết bao công sức và tiền bạc để tìm hiểu về sản lượng robusta Việt Nam trong năm vừa qua, đều đưa ra con số rất sai và rất xa với thực tế. Có khi có những ước lượng kém với mức xuất khẩu đến 6 triệu bao. Con số thực xuất khẩu 26,5 triệu bao nhưng ước báo của họ chỉ 20 triệu bao, nên ước đoán của vị giám đốc kia có nghiêm túc đến mấy đi nữa, thị trường vẫn chưa “chịu khó” tin vào đó.
Do vậy, những ước đoán sản lượng nay khó tạo được ảnh hưởng về giá trên thị trường.
Lấy gì cứu giá?
Giá xuống, có nhiều người cho rằng có thể do áp lực hàng cà phê đang ra vụ của Việt Nam đang đè nặng tâm lý thị trường. Điều này chỉ có thể đúng khi lực lượng bán hàng, tức các nhà xuất khẩu có đủ lực về tài chính để mua vào hòng bán ra số lượng lớn. Tuy nhiên, một đại lý mua hàng nội địa tại tỉnh Gia Lai xác nhận rằng nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam, trong đó có cả các công ty đầu tư có vốn nước ngoài, vẫn đang chờ đợi, chưa muốn mua nhiều vì hàng vụ mới chưa “thấy trước mắt”. Chính vì thế, áp lực bán ra hiện nay xem như không đáng kể. Nhưng nghịch lý vẫn xảy ra, giá vẫn rớt đều đều.
Theo nhận định của một nhà phân tích thị trường tại TP. Hồ Chí Minh, giá thời gian qua xuống chủ yếu do đầu cơ giải phóng các lô mua khống bằng cách bán ra để thoát vị thế mua (long position) của mình. “Nếu như cách đây vài tuần, đầu cơ còn ghim chừng 38.000-40.000 hợp đồng mua khống trên sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE, thì nay họ đã bán ra gần hết. Nếu như họ tiếp tục bán ra để qua nằm tại vị thế “bán” (short position), giá còn có khả năng xuống nữa chứ chưa dừng ở đây”, nhà phân tích giải thích như vậy.
Trên sàn kỳ hạn, nhà đầu tư có quyền bán khống hay mua khống và chính mình phải chịu gánh lấy các rủi ro khi giá đi nghịch với chính vị thế mua hay bán của họ. Lượng mua vào nhiều chừng nào giá kỳ hạn sẽ tăng chừng ấy, bán ra nhiều bao nhiêu, giá sẽ rớt nhiều bấy nhiêu.
Như vậy, có thể nói, động tác bán ra làm giá giảm trong thời gia qua trên sàn kỳ hạn mang tính chất kỹ thuật nhiều hơn là do sức ép bán hàng thực từ các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Giá cà phê nhân xô nội địa đã từng có lúc lên 52.000 đồng/kg nhưng cũng có khi xuống mức 4.000 đồng/kg. “Thiết nghĩ, chỉ lấy thông tin sản lượng nhỏ hay to sẽ không giúp gì cho nông dân để cứu giá và cứu chính cuộc sống của họ khi đứng trước dao động, rủi ro lớn, đặc biệt khi giá xuống”, nhà phân tích thị trường chia xẻ.
Thực ra, chỉ có chính nông dân mới biết sản lượng của vườn cà phê của mình tăng hay giảm và giá thành sản xuất hàng cà phê của mình là bao nhiêu để quyết định bán ra hay giữ lại. Nếu thấy giá chấp nhận được, có lời, đủ để tái sản xuất, nông dân chẳng cần nghe ai mà tự mình “giải quyết” vấn đề.
Thay vì kháo nhau tin này tin nọ để kích động “máu đầu cơ”, nhà phân tích cho rằng nên khuyến khích nông dân sử dụng các công cụ bảo vệ giá cả có trên thị trường hiện nay cho sản phẩm của họ một cách nghiêm túc khi vào mùa xem ra sẽ đưa lại lợi ích thiết thực hơn.
Nói như vị Giám đốc đó thì chỉ có người khá mới cầm cự được còn người nghèo thì toàn phải bán trả phân, vì lãi suất ở cửa hàng bán phân còn cao hơn ngân hàng chính vì vậy sao cầm cự nổi. Trong khi người khá thì ít, người nghèo thì nhiều. Đúng là tội cho dân
Làm sao lại cho rằng mất mùa là nguyên nhân của đà giảm để mà đổ tội cho nó?
Xét theo mô hình kỹ thuật thì khả năng tăng là nhiều hơn khả năng giảm và đích đến là khu 2200.
Xét theo phân tích cơ bản, hiện nay đang vào mùa thu hoạch, hàng ra ngày càng nhiều, áp lực cung đang gia tăng, thương nhân chưa sẵn sàng mua cao vì sợ rủi ro khi giá xuống.
Có lẽ phải “chờ gió đông”, chẳng hạn mưa bão, áp thấp… khiến cho cán cân cung cầu đảo ngược, khi đó giá sẽ đi đúng theo mô hình kỹ thuật, mọi người sẽ cùng vui!
Bác nói thế là sai rồi, tôi kinh doanh ngành cà phê gần 20 năm rồi, thấy nó chả theo nguyên lý nào cả. Đôi khi được mùa giá vẫn tăng cao, lại có lúc mất mùa nông dân thấy thế ôm nhau trữ… thế là chết. Bản thân tôi cũng đã bị nhiều lần và cũng suýt điêu đứng vì cách nghĩ như bác. Đầu cơ là tất cả, mọi chuyện đều nằm trong tay họ.
Làm kinh doanh mà dây vào đầu cơ thì sớm muộn cũng… thua lỗ, phá sản.
Giá này thì nông dân làm cà phê chỉ đủ trang trái tiền phân với tiền công thôi. Buồn ghê các bác ơi.