Kết thúc quý 3/2012, kim ngạch xuất khẩu cà phê đã vượt qua tổng giá trị của cả năm 2011, về đích trước thời gian 3 tháng.
Niên vụ 2011-2012, ngành cà phê Việt Nam thiết lập 3 kỷ lục: sản lượng thu hoạch cao nhất từ trước tới nay với 1,6 triệu tấn; khối lượng xuất khẩu lên đến 1,6 triệu tấn với giá trị trên 3 tỷ USD đều là những con số cao nhất từ trước đến nay.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước xuất khẩu cà phê tháng 9 đạt 96 ngàn tấn, với giá trị 171 triệu USD nâng tổng xuất khẩu cà phê 9 tháng đầu năm ước đạt 1,36 triệu tấn, kim ngạch 2,85 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước tăng 36,8% về lượng và 29,8% về giá trị.
Năm 2011, cà phê đã lần đầu tiên vươn tới ngưỡng 2,7 tỷ USD sau khi xuất khẩu được 1,2 triệu tấn.
Với năm 2012, còn tới 3 tháng nữa mới hết năm, thế nhưng đến thời điểm này cả khối lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê đã bỏ xa kết quả của cả năm ngoái và vượt mục tiêu đề ra cho cả năm nay. Từ đầu quý 3, ngay khi chạm mốc xuất khẩu 1,2 triệu tấn cà phê thì Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Dự báo cả năm 2012 nước ta sẽ xuất khẩu 1,6-1,7 triệu tấn cà phê.
Hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam là Đức (chiếm 12,3% thị phần) và Hoa Kỳ (12,2%) đều tăng trưởng khá cả về lượng và giá trị. Đáng chú ý nhất là thị trường Indonesia tăng trưởng đột biến với mức tăng lần lượt gấp gần 9 lần so với cùng kỳ năm 2011.
Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2012, thị trường Bỉ – thị trường lớn nhất của Việt Nam trong năm 2011 có sự sụt giảm mạnh cả về lượng và giá trị (chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm trước). Cà phê nước ta cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc.
Số liệu của Hiệp hội Cà phê Trung Quốc cho thấy, nước này đã nhập khẩu 137.000 tấn cà phê trong khoảng từ 2007-2011, trị giá 365 triệu USD. Trong đó, 103.900 tấn cà phê được nhập từ Việt Nam trong giai đoạn này. Trong nửa đầu 2012, Trung Quốc nhập 15.000 tấn cà phê từ Việt Nam, kim ngạch đạt 31,88 triệu USD.
Niên vụ cà phê hàng năm được tính từ ngày 1/10 năm trước (thời điểm bắt đầu thu hoạch cà phê vụ mới) đến hết ngày 30/9 năm sau. Niên vụ 2011-2012 vừa kết thúc là niên vụ được mùa nhất từ trước đến nay.
Theo Tổng cục Thống kê, ước niên vụ 2011-2012 cả nước xuất khẩu 1,6 triệu tấn cà phê, kim ngạch đạt kỷ lục 3 tỷ USD, cao hơn 300 triệu USD (tăng 11%) so với niên vụ 2010-2011.
Các chuyên gia tổng kết năm nay cà phê vừa được mùa-được giá, ít khi giá xuống mức 35.000 đồng/kg, chủ yếu quanh mức 40.000-42.000 đồng/kg. Một điều thú vị là giá cà phê nhân xô nội địa sau 12 tháng, đến cuối tháng 9/2012 lại quay về như mức đầu vụ trước, quanh mức 42.500 đồng/kg.
Từ trước tới nay, tổng sản lượng thu hoạch cà phê mỗi năm của nước ta khoảng 1,1-1,2 triệu tấn. Khi kết thúc vụ thu hoạch, Hiệp hội Cà phê đưa ra con số sản lượng thu hoạch là 1,2 triệu tấn. Tất cả các con số ước báo gần nhất của nhiều nơi, cả trong lẫn ngoài nước đều cho quanh mức từ 20 triệu đến 22 triệu bao, rất ít ai dám mạnh dạn đưa ra con số 23 triệu bao (mỗi bao 60kg). Thế nhưng kết thúc niên vụ con số xuất khẩu lên đến 26,7 triệu bao.
Đấy là chưa kể, theo thăm dò của Reuters, lượng cà phê tồn trong dân và doanh nghiệp ở Việt Nam đến thời điểm này vẫn còn khoảng 100-150 ngàn tấn. Như vậy, con số thực về sản lượng thu hoạch cà phê của nước ta trong niên vụ vừa qua thấp nhất phải là 1,6 triệu tấn, có thể lên tới 1,7 triệu tấn.
Vụ thu hoạch cà phê 2012-2013 đã bắt đầu sớm hơn mọi năm sẽ sớm tăng nguồn cung đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu. Ngay từ tháng 9/2012, nhiều nông dân trồng cà phê ở Đồng Nai đã bước vào vụ hái cà phê sớm hơn gần 1 tháng so với mọi năm.
Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê (Vicofa), sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2012-2013 sẽ giảm khoảng 15-20% do sự biến động bất thường của thời tiết, nhất là vào thời gian thu hoạch. Thêm vào đó diện tích vườn cây già cỗi đang ngày càng gia tăng góp phần làm giảm sản lượng chung của cả nước.
Đánh giá về thị trường tiêu thụ cà phê trong niên vụ mới vẫn rất sáng sủa. Hiện tại, giá cà phê Robusta tiếp tục tăng. Trong tuần vừa qua, cà phê kỳ hạn giao tháng 11 tăng 58 USD, tương đương 2,65%, lên mức 2.188 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2013 tăng 57 USD, tương đương 2,59%, lên mức 2.201 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước, giá cà phê nhân xô tăng thêm 700 đồng trong tuần vừa qua, lên mức 42.800-43.000 đồng/kg. Giá cà phê Robusta tươi đang được các lò sấy chào mua với giá 7.800-8.000 đồng/kg. Đây là mức giá cà phê cao nhất tính từ đầu năm đến nay, và là mức giá mà người trồng cà phê luôn mong đợi.
Tuy nhiên, để lường trước những diễn biến bất ngờ của thị trường có thể xảy ra khi bước vào vụ thu hoạch, Câu lạc bộ 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam vừa đưa ra kiến nghị Chính phủ cho tạm trữ ngay 300 ngàn tấn cà phê ngay từ đầu vụ 2012-2013.
Theo đó, Câu lạc bộ kiến nghị chính phủ và ngân hàng hỗ trợ trực tiếp người dân để tạo điều kiện cho người nông dân tạm trữ cà phê khi giá xuống. Từng bước Chính phủ và các bộ, ngành xây dựng quy chế tạm trữ cà phê hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân.
Việc tạm trữ là yêu cầu cần thiết để điều tiết lượng xuất khẩu, giữ cho giá khỏi giảm sâu vào đầu vụ khi nguồn cung gia tăng đột biến. Tạm trữ còn giúp nhà nông tiêu thụ được lượng hàng lớn để trang trải chi phí thu hoạch.
Xuất khẩu cà phê về đích sớm, niên vụ được mùa được giá đây là điều mừng cho ngành cà phê Việt nam.Tuy nhiên chúng ta đang còn nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả của ngành cà phê hơn nữa. Đối với người sản xuất cần nâng cao chất lượng của sản phẩm cà phê, giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng năng suất đi đôi với giảm chi phí đầu tư, canh tác bền vững. Chính quyền và các nhà quản lý cần giám sát và loại bỏ nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả và kém chất lượng để khỏi ảnh hưởng đến mùa vụ và người sản xuất. Các doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh hợp lý nhằm tạo giá trị gia tăng lớn hơn cho mặt hàng cà phê của Việt nam trên thị trường thế giới, tiến tới làm chủ khâu cung ứng để tránh sự áp đặt giá của các nhà đầu cơ nước ngoài như bấy lâu nay. Có như vậy thì kim ngạch của xuất khẩu cà phê sẻ không dừng lại ở con số 3 tỷ USD như hiện nay