Nguyên nhân là do Việt Nam đang nắm giữ tới 40% lượng tiêu xuất khẩu của thế giới.
Chốt phiên giao dịch đầu tuần vừa là phiên đầu tháng 10, giá hạt tiêu kỳ hạn trên sàn giao dịch NCDEX tại Kochi – Ấn Độ tăng tốt nhờ đồng Rupi mạnh lên cộng với nhu cầu cao.
Kỳ hạn giao tháng 10 tăng thêm 40 Rupi lên mức 43.435 Rupi/tạ, tương đương 8.223 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 cũng tăng 85 Rupi lên mức 43.120 Rupi/tạ, tương đương 8.163 USD/tấn ( 1 USD = 52,8216 Rupi )
Giá hạt tiêu giao ngay cũng song song với thị trường kỳ hạn tăng 500 Rupi lên mức 40.100 Rupi/tạ, tương đương 7.592 USD/tấn cho loại tiêu xô và 41.600 Rupi/tạ, tương đương 7.876 USD/tấn cho loại tiêu chọn, tức tăng 450 USD.
Chỉ trong vòng 15 ngày giá tiêu kỳ hạn và tiêu giao ngay Ấn Độ đã tăng xấp xỉ 7 %, mức tăng rất mạnh.
Theo các thương nhân buôn tiêu Ấn Độ, hiện nay giá tiêu xuất khẩu của các nước sản xuất tiêu khác đang có dấu hiệu gia tăng và xu hướng là có thể tăng lên đạt mức 7.500 USD/tấn, cùng lúc đó nếu giá tiêu đặc chủng Ấn Độ cũng giảm xuống còn 7.500 USD/tấn thì giá tiêu trên thị trường thế giới mới có thể có một điểm gặp gỡ bình ổn giá. Nguồn hàng tại các thị trường nước ngoài nay cũng đã hoàn toàn cạn kiệt, vẫn theo lời các thương nhân.
Trong khi đó, giá tiêu kỳ hạn trên sàn Singapore Mercantile Exchange (SMX) sau mấy ngày khởi sắc đã trở lại xu hướng suy yếu, vắng vẻ khách giao dịch. Kỳ hạn giao tháng 10 giảm nhẹ xuống mức 6.502 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 xuống mức 6.469 USD/tấn nhưng không có lượng hàng nào được khớp ở cả 2 kỳ hạn. Có thể khẳng định sàn SMX vẫn chưa tạo ra được sự sức thu hút với các thương nhân giao dịch hạt tiêu ở khu vực Đông Nam Á.
Các nhà quan sát thị trường cho rằng, có vẻ như đầu cơ hạt tiêu quốc tế muốn dùng sàn SMX để điều khiển giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam – thị trường đang nắm giữ hơn 40% lượng hạt tiêu xuất khẩu trên toàn cầu.
Giá tiêu Việt Nam xuất khẩu loại 500 Gr/l-FAQ được chào 6.700 USD/tấn và loại 550 Gr/l chào 6.900 USD/tấn, (FOB), do nhu cầu tiêu nhẹ vẫn còn cao. Tiêu trắng loại 630 Gr/l-FAQ có giá 8.700 USD/tấn, (FOB), xuất tương đối chậm.
Thị trường hạt tiêu nội địa vừa có đợt giao dịch khá sôi động nhờ giá tăng. Tuy nhiên đến nay thị trường trở lại trầm lắng, theo các đại lý thu mua, nhờ lượng hàng bổ sung về kho của các công ty xuất khẩu khá dồi dào.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) và ngành Nông nghiệp cho rằng, do nguồn cung trong nước hạn chế nên xuất khẩu tiêu những tháng cuối năm sẽ giảm đi so với những tháng đầu năm. Trong khi các thương lái cho biết, lượng hàng nhà vườn trồng tiêu còn nắm giữ là không ít. Họ đang chờ giá và chỉ xuất khi giá ở mức khả quan hơn.
Năm 2011, giá tiêu xô nội địa đạt đỉnh ở mức giá 160 ngàn đồng/kg đầu giá vào ngày 23/9 và lặp lại vào ngày 14/10, mức giá đỉnh chỉ đứng trong thời gian khoảng hơn nửa buổi.
Hôm nay thứ Tư 3/10, giá tiêu đen xô tại Bà Rịa – Vũng Tàu đứng ở mức 132-133 ngàn đồng/kg, tại Đồng Nai – Bình Phước 131 ngàn đồng/kg và các tỉnh Tây nguyên 129-130.000 đồng/kg.
Theo ngành NN&PTNT, ước tháng 9 xuất khẩu 6 ngàn tấn tiêu các loại, kim ngạch đạt 44 triệu USD. Ước lượng tiêu xuất khẩu 9 tháng đạt 91 ngàn tấn, kim ngạch đạt 627 triệu USD, so cùng kỳ năm trước giảm 16,7% về lượng và 0,9% về giá trị. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 8 tháng đạt 6.847 USD/tấn, tăng 22% so với năm trước.
Đúng vậy! các nhà nhập khâu tiêu quốc tế muốn dùng sàn SMX bao vây, làm giá tiêu xuất khẩu của VN. Giá tiêu sàn Kochi cao hơn 1.000 USD/tấn so với SMX ? Giá sàn Ấn Độ lâu nay rất nhạy cảm với giá VN, nông dân và doanh nghiệp VN thường lấy đó để tham khảo và men theo giá thị trường này để mua bán
Tháng qua sàn SMX bắt chước giá mua bán tiêu trong nước VN rồi tự đặt ra giá giao dịch ! Doanh nghiệp VN xem ra cũng muốn mua rẻ bán giá , dễ làm ăn hơn mua đắt bán đắt . Nhưng đến nay người nông dân trông tiêu VN phần lớn đã có điều kiện trữ tiêu, chỉ bán khi nào cần tiền tiêu và khi có giá tốt. Lợi nhuận giữa nông dân và doanh nghiệp kinh doanh tiêu được điều tiết hài hòa.
Nhà nhập khẩu dùng sàn SMX có bao vây và làm giá tiêu của các nước ĐNA và nhất là VN hay không? Phần lớn còn lệ thuộc vào bản lãnh của nông dân và doanh nghiệp VN – người đã bao năm trước đây thua thiệt, nay đã khá khôn ngoan trong mua bán xuất khẩu hồ tiêu, không dễ gì bắt chẹt… Khi thị trường thế giới hồ tiêu cung không đủ cầu (Ấn Độ tìm cách cũng không làm tăng được sản lượng) và tồn kho ngày càng han hẹp thì giá hồ tiêu ắt sẽ tăng và giá thuộc về người bán (nông dân và doanh nghiệp VN) chứ không thuộc về kẻ mua – nhà nhập khẩu… Bà con ta cứ bình tĩnh, cảnh giác các chiêu lừa.