Đó là định hướng chính sách đối với nhóm đối tượng người cao tuổi trong bối cảnh Việt Nam đang già hoá dân số và tình trạng người già nông thôn phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Đàm – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Ủy viên thường trực Ủy ban quốc gia về người cao tuổi Việt Nam để làm rõ các chính sách này.
Ông có đánh giá gì về việc việc thực hiện Pháp lệnh Người cao tuổi trong thời gian qua?
– Nhìn chung, việc chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi trong thời gian qua, chúng ta làm khá tốt. Ngoài truyền thống chăm sóc người già trong các gia đình, chúng ta còn có hành lang chính sách tốt, và có nhiều hoạt động nhằm trợ giúp và phát huy sức mạnh của người cao tuổi. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa đủ mạnh. Một bộ phận lớn người cao tuổi vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, văn hóa… thiếu thốn về kinh tế dẫn tới nghèo đói. Nhiều người do hoàn cảnh quá khó khăn mà phải đi làm thuê, thậm chí phải di cư đi tìm việc ở thành phố.
Hiện nay, một bộ phận lớn người già sống ở nông thôn đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, thưa ông?
– Theo số liệu điều tra người cao tuổi Việt Nam, cả nước có 8 triệu người cao tuổi. Trong đó, hơn 70% số người cao tuổi sống ở nông thôn và không được hưởng các chế độ lương, trợ cấp xã hội. Hiện có tới 39% số người cao tuổi vẫn đang làm việc, chủ yếu là người cao tuổi ở nông thôn, miền núi, vùng khó khăn. 17% số người cao tuổi ở nước ta thuộc diện nghèo đói, tỷ lệ người cao tuổi nữ dễ rơi vào nghèo đói hơn người cao tuổi nam. Đây là một thực tế đáng buồn, khiến một bộ phận lớn người cao tuổi chưa được tiếp cận với chính sách y tế, văn hóa và an sinh khác.
Vì hoàn cảnh khó khăn mà một bộ phận người cao tuổi ở nông thôn phải ra thành thị đi làm thuê, ăn xin. Vậy Bộ có chính sách nào với nhóm đối tượng này?
– Thực ra, chính sách thì cũng đã có nhưng chưa đủ mạnh. Ví dụ như lao động ở nông thôn ra thành phố muốn được vay vốn hỗ trợ thêm để tăng thu nhập nhưng không được. Chính vì vậy, nhiều người cao tuổi phải ra thành phố tìm việc làm thêm mong tích cóp được ít tiền nuôi con, nuôi cháu ăn học. Vì là dân di cư, nên việc tiếp cận với các nhu cầu về ăn uống, nhà ở, chăm sóc sức khỏe… đều gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, trong Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020, Chính phủ sẽ có những chính sách chú trọng, ưu tiên giải quyết triệt để vấn đề này.
Cụ thể là chính sách gì, thưa ông?
– Chúng tôi đang xây dựng Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020 và sẽ trình Chính phủ vào cuối năm nay. Chương trình có nhiều nội dung, trong đó nhấn mạnh việc đảm bảo cho người cao tuổi nông thôn tiếp cận được dịch vụ cơ bản như chăm sóc sức khỏe ban đầu, có được môi trường sống về nhà ở, nước sạch… và cả những vấn đề thiếu hụt về thu nhập cho người cao tuổi ở vùng nông thôn, vùng đồng bào khó khăn. Ngoài ra, Nhà nước còn trợ cấp mua một phần BHXH cho nhóm đối tượng này, mức mua sẽ thấp hơn so với các đối tượng lao động khác.
Thời gian tới, chúng ta cần làm gì để trợ giúp cho người cao tuổi?
– Thời gian tới ngoài việc hạ thấp độ tuổi hưởng trợ cấp, còn cần xây dựng, củng cố thêm hệ thống an sinh xã hội, bao gồm: Y tế, văn hóa… và BHXH cho người cao tuổi, tăng cường thêm nhà chăm sóc cộng đồng. Đặc biệt, thời gian tới, Nhà nước sẽ xem xét lại việc sử dụng nguồn kinh phí cho các hoạt động này, nhằm mục đích hỗ trợ, chăm sóc toàn diện nhất cho người cao tuổi.
Xin cảm ơn ông!