Kinh doanh cà phê: Nên lập nhật ký mua bán để chống thất thu thuế

Ngành thuế đã và đang triển khai khá nhiều biện pháp chống thất thu thuế đối với lĩnh vực kinh doanh nông sản, đặc biệt là cà phê. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh, các biện pháp trên vẫn chưa kiểm soát hết tình trạng gian lận, nghĩa là thất thu thuế vẫn còn không nhỏ.

Doanh nghiệp cà phê ở daklak
Một đại lý mua và bán cà phê trên địa bàn huyện Cư Kuin – Daklak (ảnh minh họa)

Chẳng hạn, biện pháp chống thất thu trên khâu lưu thông bằng hình thức cán bộ thuế phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông xử lý các trường hợp vận chuyển hàng hóa không đầy đủ hóa đơn, chứng từ hiện đang gặp khá nhiều trở ngại.

Việc phối hợp này chỉ được thực hiện theo hình thức cán bộ thuế phát hiện phương tiện vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn thì điện báo nhờ lực lượng chức năng dừng phương tiện để kiểm tra; hoặc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành, nếu phát hiện phương tiện vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ thì lực lượng cảnh sát báo cơ quan thuế đến xử lý.

Chính vì lực lượng cảnh sát giao thông không được phép tham gia làm chung với các đoàn kiểm tra của cơ quan thuế nên kết quả mang lại còn hạn chế, nhất là trong điều kiện không ít người kinh doanh chỉ xuất bán hàng vào ban đêm, ngày lễ, nghỉ.

Thực tế đã có những trường hợp 1 tờ hóa đơn được sử dụng cho nhiều chuyến hàng trong ngày; hóa đơn xuất bán hàng hóa không ghi ngày tháng và cầm cả cuốn hóa đơn theo, khi gặp lực lượng kiểm tra mới điền các thông tin vào để đối phó; thậm chí, có trường hợp sau khi xuất bán hàng thì hủy hóa đơn, không kê khai thuế… gây thất thu cho ngân sách rất lớn.

Tương tự, đối với biện pháp chống thất thu thuế thu nhập DN bằng hình thức xây dựng ngưỡng kiểm soát, quản lý rủi ro với mức thu nhập chịu thuế/doanh thu là 0,3% cũng vậy. Cơ quan thuế đặt ra mục tiêu yêu cầu DN, hộ kinh doanh có tỷ lệ thu nhập chịu thuế/doanh thu nhỏ hơn 0,3% giải trình nguyên nhân. Trong trường hợp cần thiết sẽ tiến hành thanh kiểm tra theo quy định.

Thực tế cho thấy, sau gần 2 năm triển khai biện pháp này, số DN, hộ kinh doanh đạt tỷ lệ thu nhập chịu thuế/doanh thu từ 0,3% trở lên đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, vẫn còn không ít DN, hộ kinh doanh lợi dụng việc giá cà phê tăng giảm liên tục, lập sổ sách không đầy đủ hoặc theo kiểu “mua cao, bán thấp” nhằm giấu doanh thu và trốn thuế vẫn còn diễn ra.

Để hạn chế tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, ngành thuế cần nghiên cứu, áp dụng thêm biện pháp lập nhật ký theo dõi tình hình kinh doanh từng ngày của các DN, hộ kinh doanh trong lĩnh vực này nhằm quản lý thuế hiệu quả hơn. Theo đó, cơ quan thuế huyện, thị xã, thành phố lập một loại sổ (tạm gọi là nhật ký mua bán) để giao cho các DN, hộ kinh doanh nông sản.

Nhật ký này thể hiện đầy đủ các thông tin liên quan đến việc mua bán trong ngày, như: khối lượng, chủng loại, giá cả, người bán, người mua… DN, hộ kinh doanh nông sản có trách nhiệm ghi chép đầy đủ hoạt động mua bán trong ngày vào sổ này. Cuối mỗi ngày làm việc hoặc bất kỳ thời gian nào trong ngày, cán bộ thuế sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất và ghi chép lại thông tin từ sổ này vào sổ của cơ quan thuế. Sau mỗi lần kiểm tra, cán bộ thuế và đại diện DN, hộ kinh doanh ký xác nhận vào sổ của nhau để làm cơ sở đối chiếu.

“Cách làm này cũng không thể xử lý tận gốc tình trạng gian lận thuế nhưng ít nhất cơ quan thuế cũng cập nhật khá chính xác diễn biến giá cả, số lượng hàng hóa mua bán mỗi ngày của từng DN, hộ kinh doanh. Điều này không chỉ góp phần hạn chế được tình trạng lợi dụng sự biến động của giá cả để kê khống giá, số lượng, khối lượng mua bán mà còn giúp cơ quan thuế có được những thông tin chính thức phục vụ việc đấu tranh, xử lý các trường hợp gian lận thuế.

Hình thức này cũng đã được một số chi cục thuế áp dụng và bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, nên chăng cục thuế tỉnh cần nghiên cứu, triển khai áp dụng thống nhất trên toàn tỉnh, tránh tình trạng so bì giữa những người nộp thuế với nhau”, đại diện một hộ kinh doanh cho biết.

Mỗi hình thức chống thất thu có những ưu, nhược điểm nhất định. Chính vì thế, việc áp dụng tổng hợp nhiều hình thức sẽ giúp cơ quan thuế quản lý tốt hơn, mang lại sự công bằng cho những người nộp thuế.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông Cà

    Chống thất thu thuế bằng việc chia sẻ lợi ích từ thuế!
    Các hộ sản xuất cà phê là nơi xuất bán đầu tiên.
    Khi bán cà phê, hộ gia đình phải buộc người mua cà phê của mình xuất hóa đơn.
    Sau đó hộ bán cà phê đem nộp hóa đơn đó cho ban thuế đóng tại xã phường nơi mình cư trú để nhận khoản trích thưởng.
    Khoản trích thưởng này đủ động viên hộ gia đình hợp tác với cơ quan thuế.
    Khoản trích thưởng có thể là 1% trên tổng giá trị hóa đơn. (có thể điều chỉnh % cho phù hợp tinh thần động viên)
    ví dụ: tôi bán 1 tấn cà phê được 40 triệu, nhận hóa đơn từ người mua, sau đó nộp lại cơ quan thuế để tôi nhận khoản trích thưởng 1% là 400 ngàn.
    (nếu bán mỗi lần 1 tạ thì có thể gom lại nhiều hóa đơn cho đến khi bán xong rồi nhận một lần, hoặc bán tạ nào nhận trích thưởng tạ đó. Cơ quan thuế phải tích cực trong việc nhận hóa đơn và trích thưởng tại chỗ khi nhận được hóa đơn. Tất cả thủ tục phải đơn giản hóa đến mức tối đa)
    Như vậy thay vì thất thu 5% thuế, cơ quan thuế sẽ thu lại được 4%.
    từ việc hợp tác với cơ quan thuế, hộ bán cà phê được lợi rõ ràng trước mắt, họ sẽ quyết bảo vệ quyền lợi của mình thông qua việc đòi người mua xuất hóa đơn cho họ..

    1. Hai.cafe

      Theo tôi thì lúc này người mua của anh đưa cho anh hoặc 40 triệu, hoặc 39 triệu 600 ngàn + tờ hóa đơn anh muốn có. Không biết anh chọn hình thức nào? Thêm thuế chỉ đổ xuống đầu nông dân nhà mình thôi anh ơi.

    2. Cư Pul

      Tôi đồng ý với cách nhận trích thưởng trực tiếp từ người mua cà phê để cho khỏi mất công lòng vòng!

  2. Nông Cà

    Thuế giá trị gia tăng VAT 5% thu của người mua, chứ không phải của người nông dân bán cà phê.
    Nông dân vẫn bán cà phê theo đúng giá thị trường đã thỏa thuận, không khấu trừ khi xuất hóa đơn vì nông dân là người bán.
    Địa phương được hưởng VAT 5% này thông qua hóa đơn của DN, nếu DN không xuất hóa đơn thì địa phương không hưởng được VAT thông qua cục thuế, hoặc hóa đơn này được DN chuyển cho một địa phương A nào đó thì địa phương A hưởng, mặc dầu cà phê của địa phương B xuất bán ra.
    Nên nhớ thuế VAT không làm giá bán thực tế của nông dân giảm vì giá cà phê thực tế hiện nay đang mua bán trên thị trường đã được DN khấu trừ VAT sau đó phát giá, bất kể xuất hay không xuất hóa đơn cho nông dân.

    1. comaogaotien

      Bác Nông Cà ơi, theo tôi thì khi xuất bán hàng thì doanh nghiệp đã đóng thuế “giá trị gia tăng” rồi đấy. Về việc kiểm soát thì có cơ quan thuế người ta lãnh lương của mình người ta lo Bác ạ. Nếu Bác bắt người ta xuất và nộp thuế cho mình nữa cũng hơi ngại.
      Theo nguyên tắc VAT thì hình như người ta chỉ đóng trên phần gia tăng giá trị thôi tức là đầu ra trừ đầu vào thôi. Nếu không miễn trừ gia cảnh trước cám cảnh bà con mình thì chúng ta cũng lấy giá bán trừ đi các chi phí để xuất hóa đơn khi bán và nộp thuế cho NHÀ NƯỚC đấy.
      Nói thiệt hôm trước nghe mấy ông kia bảo thế nếu sai thì xin lỗi bác nhé!

  3. caphein

    Tôi đòng ý với anh “hai.ca phe”. Thuế càng nhiều thì giá càng hạ “tỉ lệ nghịch” mà. Không biết nhà nông chúng mình sẽ đi về đâu. Theo tôi nghĩ là về “Nhà anh Dậu” của cụ Tố thôi…

Tin đã đăng

Tin mới nhất

87