Còn hơn tháng nữa mới bắt đầu bước vào vụ thu hoạch cà phê 2012-2013, nhưng hiện nay hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã chuẩn bị sẵn sàng một lượng vốn khá dồi dào để phục vụ khách hàng.
Vốn tín dụng cho vay niên vụ cà phê 2012-2013 đã được các ngân hàng chuẩn bị khá dồi dào. Tại Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT Dak Lak (BIDV Dak Lak), việc chuẩn bị vốn cho vay sản xuất, kinh doanh cà phê niên vụ 2012-2013 đã được chuẩn bị từ tháng 7, 8-2012.
Riêng các DN kinh doanh cà phê, chi nhánh đã làm việc trực tiếp với họ để xác định nhu cầu vay vốn. Chỉ tính riêng nhóm khách hàng thu mua cà phê xuất khẩu, chi nhánh đã có kế hoạch cho vay hàng trăm tỷ đồng.
Mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng của BIDV Dak Lak đến cuối năm 2012 khoảng 3.600 tỷ đồng nhưng đến hết nửa đầu năm 2012 mới đạt hơn 3.380 tỷ đồng, nên lượng vốn còn lại tương đối dồi dào. Tương tự, tại Chi nhánh NH NN&PTNT Dak Lak, nguồn vốn phục vụ cho niên vụ cà phê 2012-2013 này cũng đã cơ bản chuẩn bị xong.
Giống như nhiều TCTD khác, dù chưa vào vụ cà phê, nhưng đơn vị này đã chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc triển khai việc gặp gỡ trực tiếp khách hàng để tìm hiểu, tính toán nhu cầu vay vốn và chuẩn bị nguồn vốn cho vay. Hiện nguồn vốn cho vay ngành cà phê đã được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng giải ngân cho khách hàng vay ngay khi có nhu cầu. Được biết, nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng, NH NN&PTNT Việt Nam cũng đã cam kết sẵn sàng hỗ trợ vốn cho các chi nhánh, phấn đấu không để xảy ra tình trạng thiếu hụt vốn như một số năm trước, về lãi suất sẽ áp dụng mức lãi suất cạnh tranh, hợp lý.
Còn tại Chi nhánh NH Công thương Dak Lak, giám đốc Nguyễn Văn Hòa khẳng định: nguồn vốn cho vay nền kinh tế từ nay đến cuối năm nói chung, niên vụ cà phê này nói riêng đang rất dồi dào, sẽ không có chuyện thiếu vốn. Đối với Chi nhánh NH Ngoại thương Dak Lak – một trong những đơn vị có dư nợ cho vay ngành cà phê tương đối lớn – nguồn vốn cho vay cũng đang rất dồi dào. Trong năm 2012, chi nhánh đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng hơn 8% so với năm trước, tức dự kiến đến cuối năm, dư nợ đạt khoảng 4.950 tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 6-2012, mới đạt 4.553 tỷ đồng. Không đứng ngoài cuộc, các NH cổ phần cũng đã có bước chuẩn bị khá chu đáo về vốn cho vay niên vụ cà phê này.
Giám đốc Chi nhánh NH Đông Á Dak Lak Nguyễn Văn Mạnh cho biết: tính đến cuối tháng 8-2012, số vốn huy động được tại chi nhánh còn thừa đến mấy trăm tỷ đồng chưa cho vay hết. Hiện tại nguồn vốn rất dồi dào, sẵn sàng cho DN đủ điều kiện vay với mức lãi suất cạnh tranh. Tại NH Đông Á, việc thu xếp vốn cho vay niên vụ cà phê 2012-2013 được chuẩn bị cách đây cả tháng. Đối với các khách hàng cũ, NH này đã trực tiếp làm việc với họ để xác định lại nhu cầu vốn và hiện tại đã hoàn thành cơ bản việc cấp lại hạn mức vay vốn cho khách hàng trong niên vụ cà phê mới này.
Nhìn chung, hạn mức vay vốn mà khách hàng được cấp trong niên vụ này lớn hơn những niên vụ trước, có khách hàng được cấp hạn mức đến 150 tỷ đồng. Qua tìm hiểu được biết, ngoài việc chuẩn bị nguồn vốn dồi dào, việc nhận cầm cố kho hàng để làm tài sản bảo đảm tiền vay cũng đang được các NH triển khai. Giám đốc một NH cổ phần cho biết: sử dụng hình thức bảo đảm tiền vay này sẽ làm gia vì phải thuê đơn vị bảo vệ độc lập; cử nhân viên túc trực thường xuyên để quản lý, giám sát kho hàng. Dù vậy, NH cũng sẽ cố gắng thực hiện để tạo điều kiện cho khách hàng thiếu hoặc không có tài sản thế chấp được vay vốn một cách thuận lợi.
Có thể thấy rằng, so với các năm trước, việc chuẩn bị nguồn vốn phục vụ niên vụ cà phê 2012-2013 này đã được chuẩn bị khá chu đáo nên khách hàng không cần phải lo lắng chuyện thiếu vốn. Vấn đề có vay được hay không và ở mức nào còn phụ thuộc chủ yếu vào khách hàng. Đại diện nhiều TCTD cho biết, đối với các khách hàng cũ, có uy tín sẽ được xem xét cho vay theo hướng “mở” – căn cứ cả vào tài sản thế chấp và uy tín. Còn lại, những khách hàng mới hoặc khách hàng cũ nhưng uy tín kém sẽ phải xem xét rất kỹ trước khi cho vay nhằm hạn chế rủi ro như đã từng xảy ra.
Trong năm 2012 này, ngành ngân hàng tỉnh đặt ra mục tiêu dư nợ tăng so với năm trước từ 6%-8%. Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 8-2012, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế mới đạt 30.791 tỷ đồng, giảm 3,3% (tương đương 1.054 tỷ đồng) so với đầu năm.