Thương nhân nước ngoài thu mua nông sản: Lợi bất cập hại

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, tình hình thương nhân nước ngoài thu mua nông sản tại Việt Nam hiện đang ngày càng diễn ra phức tạp, gây bất ổn thị trường và làm ảnh hưởng (thậm chí phá vỡ) các quy hoạch vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến…

Lợi bất cập hại

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, từ tháng 5/2011 đến nay, hiện tượng thương nhân nước ngoài vào Việt Nam tiến hành hoạt động thu mua nông sản diễn ra trên diện rộng và có chiều hướng ngày càng phức tạp. Bên cạnh mặt tích cực là góp phần tiêu thụ, giải quyết đầu ra đối với một số hàng hóa là sản phẩm nông nghiệp, nhất là những nông sản có sản lượng lớn và thời vụ thu hoạch ngắn, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động… thì hoạt động thương nhân nước ngoài thu mua nông sản tại Việt Nam còn gây ra nhiều hậu quả xấu cho thị trường.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa dẫn chứng, hiện tượng thương nhân nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam sẽ làm ảnh hưởng (thậm chí là phá vỡ) các quy hoạch vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến. Gây bất ổn thị trường, đẩy giá các loại nông sản lên mức cao bất thường, gây những hệ lụy khó lường vì cái lợi trước mắt mà ảnh hưởng lâu dài tùy ở từng mặt hàng…

“Việc giá biến động bất thường của giá cả sẽ làm ảnh hưởng tới mặt hàng giá tiêu dùng trong nước, sau đó ảnh hưởng tới giá thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy hải sản, khiến giá chào bán xuất khẩu mặt hàng này không ổn định, phát triển thiếu biền vững”, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhận định.

Tiếp lời Thứ trưởng, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước – Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc thương nhân nước ngoài mua nông sản Việt Nam sẽ gây ra thiếu nguồn cung cục bộ cho một số nhà máy chế biến nông sản, khiến các nhà máy này hoạt động cầm chừng. Người lao động thiếu công ăn việc làm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, ông Quyền đã chỉ ra hai nhóm nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Theo đó, nguyên nhân khách quan chính là nhu cầu của thế giới về hàng nông sản của Việt Nam ngày một tăng, đặc biệt đối với Trung Quốc là thị trường có nhu cầu tiêu thụ rất lớn do dân số đông, lại gần Việt Nam nên rất thuận lợi cho việc mua bán, thu gom, vận chuyển.

Còn nguyên nhân chủ quan chính là sự nhận thức chính sách, luật pháp đến phối hợp tổ chức quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động thương mại của các thương nhân nước ngoài tại từng địa bàn cụ thể còn nhiều hạn chế trong khi công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về thương nhân nước ngoài hoạt động thu mua nông sản tại Việt Nam chưa đầy đủ, chưa phù hợp với từng đối tượng.

Ngoài ra, vì lợi ích riêng trước mắt, một bộ phận thương nhân Việt Nam đã tiếp tay cho hành vi thu mua trái phép nông sản thông qua việc không thực hiện các nghĩa vụ được pháp luật quy định. Đặc biệt, do nhận thức chưa đầy đủ, vì lợi ích trước mắt, nhiều nông dân (không phải là thương nhân) đã bán hàng hóa trực tiếp cho thương nhân nước ngoài mà không biết là đang vô tình tiếp tay cho những đối tượng này vi phạm các quy định cho pháp luật Việt Nam…

Sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ

Chia sẻ về tình trạng trên, ông Quyền cũng thừa nhận, để xảy ra những vụ việc đáng tiếc vừa qua, trước hết là trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Mặc dù luật pháp và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn rất đầy đủ nhưng cơ quan quản lý tại các địa phương đã không xử lý kịp thời.

Vì vậy để hạn chế tình trạng này, ông Quyền cho biết, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc (nhất là Nam Ninh và Côn Minh) và các nước trong khu vực để chủ động, kịp thời cung cấp thông tin và đề xuất những chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững, lâu dài.

Nắm bắt tình hình hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản qua các cửa khẩu, đường mòn, lối mở… để kịp thời báo cáo, phản ánh khi có hiện tượng bất thường, đề xuất các cơ chế điều hành, quản lý cần thiết để kiểm soát tốt hơn hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu qua biên giới.

Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng cho rằng, về cơ bản thì đa số thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đều tuân thủ pháp luật, giúp cho hàng nông sản trong nước được mua bán, trao đổi. Tuy nhiên, có một bộ phận nhỏ núp bóng dưới hình thức du lịch vào kinh doanh chụp giật, trái phép. Do vậy, cần phân loại rõ từng đối tượng cụ thể để có chính sách hỗ trợ hoặc siết chặt công tác quản lý.

Để khắc phục tình trạng này, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết trong thời gian tới, Bộ sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động thu mua nông sản của thương nhân nước ngoài tại các địa phương, đặc biệt tại địa bàn trọng điểm. Tập trung công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng khuyến cáo bà con nông dân khi buôn bán với thương nhân nước ngoài, nên ký kết hợp đồng bằng văn bản nhằm tránh thiệt thòi về sau.

>> Cà phê Việt Nam: Doanh nghiệp nội ngậm đắng

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng