Hết tháng 7: Việt Nam tiếp tục giữ vị trí xuất khẩu cà phê số 1 thế giới

Indonesia vươn lên giữ vị trí thứ 3, Honduras xếp thứ 4 trong khi Colombia vượt qua Ấn Độ để xếp thứ 5. Braxin đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê trong 7 tháng qua.

Theo báo cáo thống kê tháng 7 năm 2012 của Tổ chức Cà phê Quốc Tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 7 lên tới 9.110.000 bao, tăng 17,85% so với 7.730.000 bao xuất khẩu trong tháng 7 năm 2011 (bao = 60kg).

Tính trong vòng 12 tháng, kết thúc vào ngày 31 tháng 7 năm 2012, xuất khẩu cà phê Arabica chỉ đạt 65.180.000 bao, giảm 4,32% so với 68.120.000 bao cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu cà phê Robusta lên tới 40.720.000 bao, tăng 9,70% so với 37.120.000 bao cùng kỳ năm trước.

Riêng khối lượng xuất khẩu toàn cầu trong 10 tháng đầu của niên vụ cà phê 2011/12 (từ tháng 10/11 đến tháng 7/12) đạt 90,36 triệu bao, tăng gần 1,5% so với 89,05 triệu bao xuất khẩu trong cùng thời kỳ của niên vụ cà phê 2010/2011.

Thống kê của ICO còn cho thấy, xuất khẩu trong tháng 7 năm 2012 của Việt Nam đạt 1.850.000 bao, giảm 225.000 bao, tương đương giảm 10,84% so với tháng trước, xếp vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê sau cường quốc Brazil. Được biết, trong tháng 7 vừa qua quốc gia này đã xuất khẩu 2.076.000 bao cà phê, tăng 9,07% so với tháng trước đó.

Tính chung 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 16.175.000 bao, tiếp tục chiếm vị trí dẫn đầu thế giới trong xuất khẩu cà phê của các nước sản xuất, nhiều hơn 9,99% so với quốc gia xuất khẩu chiếm vị trí thứ hai là Brazil đạt 14.706.000 bao.

Indonesia vươn lên giữ vị trí thứ 3 với 4.487.000 bao, Honduras xếp thứ 4 với 4.422.000 bao, trong khi Colombia vượt qua Ấn Độ với 3.956.000 bao xếp thứ 5 đưa Ấn Độ lui về vị trí thứ 6 với 3.889.000 bao.

Một báo cáo khác của ICO cho biết, trong năm 2011 Hoa kỳ là quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới với 22 triệu bao và Brazil xếp thứ nhì đã tiêu thụ 19, 6 triệu bao. Brazil có thể trở thành nhà tiêu thụ lớn nhất thế giới trong 2-3 năm tới, theo Marcos Pinta Gama, đại diện thường trực của quốc gia này tại các tổ chức quốc tế ở London.

Theo báo cáo thống kê của ngành Hải Quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 7 đạt 114.365 tấn với giá trị kim ngạch 251,65 triệu USD, nâng số lượng xuất khẩu 7 tháng đầu năm lên 1.162.985 tấn với giá trị kim ngạch 2,45 tỷ USD. Giá bình quân xuất khẩu trong tháng đạt 2.000 USD/tấn, tăng 2,14 % so với giá bình quân tháng trước.

Ngành Nông nghiệp dự kiến xuất khẩu tháng 8 ước đạt 96 ngàn tấn, với giá trị kim ngạch đạt 206 triệu USD. Ước lượng cà phê xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 1,26 triệu tấn, kim ngạch 2,66 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước tăng 31,9% về lượng và tăng 26,3% về giá trị. Đáng chú ý nhất là thị trường Indonesia và Mehico có sự tăng trưởng đột biến.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Hoàng Vina

    Chúc mừng cho ngành cà phê nước ta !
    Nói thật nha, mình cũng không khoái cái nhất này lắm. Xin đọc ý kiến trích sau đây: “Việt Nam đã có mức giá xuất khẩu gạo tối thiểu nhưng các thương nhân vẫn tiếp tục bán gạo dưới mức giá này để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu”, ông Tejinder Narang, một lãnh đạo của công ty giao dịch hàng hóa Emmsons International ở New Dehli, nhận xét.
    Không chỉ riêng gạo mà thôi đâu, hầu như ngành nông sản nào cũng như vậy. Để cho nước ngoài nhận xét mới khách quan. Chỉ khổ cho nông dân VN, ngành nào cũng bị ép giá.

  2. nguyen bao quoc

    Chúc mừng cho cafe Việt Nam.
    Nước ta là một nước đứng đầu thế giới về xuất trồng cafe. nhưng người nông dân lại chẳng được lợi ích gì. Giá cả thì do thị trường thế giới chi phối. Người chịu thiệt là người nông dân.
    Hiện nay ngày ngày người người đang uống cafe. Nhưng lại không biết hương vị cafe thật và cafe đễu là thế nào. Cứ thấy 1 ly cà phê có màu đen ngòm, sánh đặc quánh, thế là thích thú. Khi mang cho ly cà phê thật thì chê là nước DẢO. Chán…!
    Tại sao chúng ta đang xuất khẩu cafe mà lại đi uống BẮP, ĐẬU NÀNH. Hay các dân sành cafe thương nông dân 1 nắng 2 sương quá nên để dành xuất khẩu thu tiền. Còn các dân sành chịu khó uống bắp, đậu nành rang cháy đen rồi thêm đường cháy, chế nước sôi vào quậy lên rồi thưởng thức. Ôi các dân sành cafe ơi! Bao giờ các vị mới chịu THỨC TĨNH đấy?

  3. menfuong

    Khoan khoan, mình có thắc mắc, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ nhất về phương diện XUẤT KHẨU, chứ KHÔNG phải ở vị trí đứng đầu về SẢN LƯỢNG trồng được?

    Vì mình biết Brazil là nước tiêu thụ cà phê đứng đầu (trong số các quốc gia trồng cà phê). Như vậy, Brazil một phần SẢN LƯỢNG tiêu thụ trong nước, một phần thì xuất khẩu.

    Vậy, đối với tin Việt Nam XUẤT KHẨU (số lượng) đứng đầu thì có gì đáng chú ý hay ko? Còn chất lượng, giá trị thì sao? Còn thị trường trong nước thì sao khi mà xuất khẩu cũng có nghĩa là phụ thuộc vào thị trường bên ngoài?

    1. Anh Văn

      @menfuong.
      Bài viết mình có chỗ nào để bạn thắc mắc, cho là VN đứng đầu về SẢN LƯỢNG trồng được? Và trong ngữ cảnh bài viết không có chỗ nào nói về sản lượng để gây hiểu nhầm khiến bạn có thể thắc mắc.
      Và như vậy mình có nên trả lời những thắc mắc còn lại của bạn không? Theo thiển ý, những điều bạn thắc mắc nằm ngoài trọng tâm của bài viết nên xin được miễn trả lời. Vậy nhé !

      1. menfuong

        Không không, xin lỗi nếu để bạn Anh Văn hiểu nhầm là mình thắc mắc bài của bạn. Mình bình luận ‘sự kiện’, không bình luận người viết bài.

        Mình chỉ muốn đặt lại vấn đề, đề cao việc XUẤT KHẨU (nghiêng về số lượng) và vui mừng vì việc này liệu có ‘vui’ đúng chỗ? – qua các comments trước. Hay là tập trung vào các câu hỏi sau mà mình đã nêu.

        Cám ơn bạn đã reply, thảo luận mà chỉ nêu ý kiến 1 mình, 1chiều thì chán lắm.

Tin đã đăng