Điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam

Trên thế giới, việc liên kết để tạo thành các tập đoàn khổng lồ có sức mạnh chi phối thị trường đã được tiến hành từ rất lâu. Thế nhưng ở Việt Nam, điều này dường như vẫn không được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Cà phê rớt giá mạnh thời gian qualà do doanh nghiệp thiếu liên kết
Cà phê rớt giá mạnh thời gian qua là do doanh nghiệp thiếu liên kết

Vẫn kiểu mạnh ai nấy làm

Còn nhớ, hồi còn học trong trường đại học, thầy giáo dạy tôi đã từng nói: “Nếu so sánh giữa người Việt Nam và người Nhật về khả năng làm việc độc lập thì người Nhật kém người Việt, nhưng nếu làm việc theo nhóm từ 3 người trở lên thì người Việt Nam không thể so sánh với người Nhật được”. Điều này minh chứng thêm cho thực tế là khả năng làm việc theo nhóm của người Việt Nam rất kém. Cứ độc lập tác chiến thì không sao, nhưng hễ làm việc theo nhóm là thể nào cũng không ai chịu ai, mỗi người một kiểu.

Từ đó nhìn rộng ra hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) thì thấy, dường như lối làm ăn theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ đã ngấm sâu vào tâm lý của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Câu tục ngữ xưa: “Buôn có bạn, bán có phường” dường như ngày nay không được nhiều DN coi trọng bởi lối tư duy ngắn hạn. Hậu quả là rất nhiều cơ hội lớn đã bị bỏ qua do đối tác nước ngoài đặt hàng lớn nhưng DN không có khả năng đáp ứng, trong khi lại không chịu liên kết với DN khác cùng làm. Mới nhất là việc giá cà phê liên tục giảm khiến DN cà phê nước ta bị thiệt hại nặng, là do các DN của ta thiếu liên kết với nhau nên để các nhà nhập khẩu nước ngoài có cơ hội lũng đoạn thị trường, làm giá.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam cho biết: “Hiện Hiệp hội có 146 DN nhưng việc liên kết với nhau rất kém, DN nào cũng chỉ chọn phương thức bán hàng có lợi nhất cho DN mình, không có sự phối hợp để điều tiết lượng hàng bán ra, điều tiết thị trường. Thậm chí, việc “gà nhà đá nhau” không phải là chuyện hiếm. Chuyện DN này cố tình bán phá giá thị trường, làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh của DN khác là bằng chứng về lối làm ăn tư lợi”.

Việc các DN không chịu liên kết với nhau có nhiều lý do, như sợ lộ thị trường, mất khách hàng, lộ thông tin; ngư dân không chịu liên kết, không kết nối bộ đàm vì sợ lộ ngư trường… Đó là lối suy nghĩ, cách nhìn ngắn hạn, chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không thấy được lợi ích dài hạn của việc liên kết giữa các DN. Bởi lẽ, kinh doanh trong một thế giới sôi động và chuyển biến không ngừng với đầy rủi ro và không ít cơ hội hiện nay đòi hỏi sự chia sẻ thông tin rất lớn giữa các DN. Lối làm ăn theo kiểu win – win, có nghĩa là cả hai cùng thắng là lối làm ăn nên được phát huy để cùng hưởng lợi và cùng chia sẻ khó khăn.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, nếu liên kết lại thành một khối sẽ tạo thành sức mạnh to lớn, còn nếu DN cứ đơn thương độc mã thì rất khó vươn ra thị trường thế giới thành công.

Chỉ liên kết khi khó khăn

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, chỉ khi gặp khó khăn thì nhu cầu liên kết giữa các DN mới trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ: “Trước đây, trong thời điểm thuận lợi, nhu cầu liên kết của các DN trong ngành dệt may không rõ ràng, trong khó khăn (của nền kinh tế – PV), sự liên kết trở thành một xu thế tất yếu để giảm bớt rủi ro và chia sẻ kinh nghiệm”. Đại diện Hiệp hội chè cũng từng cho biết, bình thường, các DN thuộc hiệp hội không có khái niệm liên kết với nhau, thậm chí còn dè chừng, cảnh giác nhau; nhưng khi bị đối tác nước ngoài điều tra kiện bán phá giá, các DN bỗng “thân”  nhau lạ, liên kết, chia sẻ với nhau một cách tự nhiên.

Rõ ràng, biết liên kết với nhau để cùng vượt khó là điều tốt, nhưng không thể chỉ dừng lại ở đấy. Các DN cần phải nhận thức được lợi ích to lớn của liên kết để coi đây là nhu cầu tự nhiên, thiết yếu của mình trong quá trình thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường, bởi “một cây làm chẳng nên non”. OPEC (Hiệp hội các Quốc gia xuất khẩu dầu mỏ) là một ví dụ điển hình về sức mạnh to lớn của liên kết. Nhờ sự liên kết chặt chẽ mà OPEC đã thao túng thị trường dầu mỏ thế giới, thu lợi nhuận khổng lồ cho các quốc gia thành viên. Hay bài học về sự liên kết giữa các tập đoàn, thương hiệu mạnh của nước ngoài khi vào Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường cũng cần được các DN nghiên cứu kỹ.

Ông Phan Hữu Đễ, TTK Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam cho rằng: “Giờ là lúc các DN cần phải liên kết với nhau thành một khối để đối phó với việc làm giá, với lượng cà phê hằng năm như vậy cần phải tính toán được thời điểm bán ra cho phù hợp. Tới đây, định hướng của Hiệp hội là yêu cầu các DN phải thông báo và cập nhật thường xuyên về lượng bán ra và có sự cân đối điều hòa lượng bán ra để tránh tình trạng làm giá như hiện nay”.

>> Doanh nghiệp cà phê Việt Nam: Muốn tồn tại cần phải liên kết

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng