“Qua đấu tranh nội bộ, hiện đã xác định được một số đối tượng là kiểm lâm, con em cán bộ địa phương trực tiếp phá rừng hoặc tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, đăc biệt trong đó có vụ phá rừng liên quan đến con trai của một cán bộ vườn”.
Ông Đỗ Trọng Kim, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ NNPTNT) đã nói như trên vào chiều ngày 23-8, tại buổi làm việc với Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn để kiểm tra tình trạng khai thác gỗ trái phép tại Vườn mà báo chí phản ánh.
Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, đoàn công tác của Cục Kiểm lâm do ông dẫn đầu đã đi kiểm tra thực tế tại tiểu khu 477 và 484 theo dọc chiều dài khoảng 2km ở những vị trí lâm tặc khai thác gỗ trái phép. Đoàn đã đếm được 29 cây gỗ căm xe cổ thụ bị đốn hạ, khối lượng gỗ ước tính trên 18m3, trong đó hơn 6 m3 đã bị lâm tặc mang đi.
Ông Kim xác nhận: những nội dung mà các cơ quan truyền thông, báo chí đăng tải về tình trạng phá rừng ở Vườn Quốc gia Yok Đôn tại các tiểu khu nói trên là hoàn toàn chính xác.
Sau khi đi kiểm tra thực tế, đoàn công tác của cục đã có buổi làm việc nội bộ với lãnh đạo VQG để nắm bắt tình hình.
“Qua đấu tranh nội bộ, lãnh đạo vườn cho biết hiện đã xác định được một số đối tượng là kiểm lâm, con em cán bộ địa phương trực tiếp phá rừng hoặc tiếp tay cho lâm tặc trong các vụ phá rừng. Đặc biệt, trong đó có một vụ phá rừng liên quan đến con trai của một cán bộ vườn” – Ông Kim cho biết.
Cũng theo ông Kim, vụ phá rừng tại tiểu khu 484 và 477 của VQG Yok Đôn về quy mô, khối lượng đã đủ để khởi tố vụ án. Hiện cơ quan công an huyện Buôn Đôn đang thụ lý điều tra.
Theo đánh giá của vị lãnh đạo Cục lâm nghiệp, thì tình trạng phá rừng tại đây đã đến mức báo động đỏ, và công tác phối hợp quản lý bảo vệ rừng giữa Vườn với chính quyền địa phương còn hết sức lỏng lẽo, có sự đùn đẩy. Việc xử lý các vụ vi phạm chưa quyết liệt do một số cán bộ địa phương còn nể nang, và mang nặng tâm lý lo sợ bị bị lâm tặc trả thù.
Tình hình vi phạm lâm luật tại Vườn hiện tăng hơn nhiều so với tháng trước, với mức độ báo động. Các vụ vi phạm chủ yếu như xâm nhập rừng để khai thác và vận chuyển gỗ trái phép; săn bắt, đánh bẫy thú … Đặc biệt, tình trạng khai thác gỗ, vận chuyển lâm sản xuất hiện nhiều tại địa bàn các trạm 2, 3, 6, 8 và 11 – đó là đánh giá về thực trạng VQG tại báo cáo giao ban tháng 8-2012 Vườn mới đây.
Cụ thể: tính đến ngày 23-8 vườn đã phát hiện 89 vụ vi phạm và xâm hại tài nguyên rừng, trong đó có 74 vụ không phát hiện đương sự. Tổng số cây gỗ bị cắt hạ là 174 cây, chủ yếu là các loại gỗ quý như căm xe (129 cây), giáng hương (21 cây), cẩm lai (5 cây)…
Chỉ tính riêng trong tháng 8, hàng trăm cây gỗ quý cổ thụ tại nhiều tiểu khu do các trạm quản lý liên tục “bốc hơi”, trong đó chủ yếu là căm xe, tập trung nhiều nhất tại các trạm 3 (41 cây) trạm 2 (16 cây ) trạm 5 (24 cây) trạm 12 (18 cây)… Thế nhưng công tác kiểm tra, báo cáo ngày của các trạm về Vườn lại hết sức thưa thớt. Đơn cử: trạm 2 chỉ báo cáo 12/28 ngày, trạm 4 (16/28 ngày), trạm 11 (18/28 ngày) và trạm 1 là 19/28 ngày trong tháng.
Bên cạnh đó, trong các vụ vi phạm được phát hiện, tang vật là gỗ vị tịch thu được là rất ít, chỉ 80m3 gỗ các loại trên tổng số hàng trăm cây gỗ bị đốn hạ. Số vụ vi phạm được phát hiện là rất nhiều, song công tác xử lý vi phạm đạt rất thấp, chỉ có 9 trên tổng số 89 vụ vi phạm được xử lý.