Vùng Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có tiểu vùng khí hậu rất thích hợp với cây cà phê catimor. Tỉnh Quảng Trị cũng đã xem đó là một thế mạnh và đầu tư phát triển mạnh loại cây này.
Đến nay, toàn vùng Bắc Hướng Hóa đã phát triển được 3900 ha cà phê, trong thời gian tới có thể phát triển đến hơn 5000 ha, góp phần không nhỏ vào sự phát triển cà phê phải kể đến sự đóng góp của dự án “Nâng cao chất lượng cà phê”.
Nhờ đó, người trồng cà phê Hướng Hóa đứng vững ngay cả khi thị trường cà phê trong nước và thế giới chao đảo. Thế mà trong vụ cà phê năm 2006, chỉ vì những cái lợi trước mắt mà cả doanh nghiệp lẫn người nông dân đã tự hạ thấp uy tín sản phẩm của mình.
Doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh
Trên địa bàn huyện Hướng Hóa hiện có 4 doanh nghiệp tham gia thu mua cà phê. Vấn đề tranh mua, tranh bán là chuyện không thể tránh khỏi. Chất lượng cà phê chế biến tại Hướng Hóa năm 2006 bị giảm sút cũng do sự tranh mua, tranh bán mà sinh ra.
Theo ông Bùi Đình Trọng, Giám đốc Công ty cà phê Đường 9 cho biết: Do nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn, các công ty tranh nhau mua hàng của người nông dân, nên đã bỏ qua nhiều khâu kiểm định đầu vào. Do đó, chất lượng cà phê sau chế biến đã không đảm bảo yêu cầu của khách hàng nên không tìm được thị trường tiêu thụ. Từ vụ cà phê năm 2006 tới nay, Công ty phải chào hàng ròng rã gần 1 năm, lô hàng cuối cùng mới bán được với giá rẻ; chỉ riêng lô hàng 236 tấn này, Công ty đã lỗ hơn 1,8 tỷ đồng.
Ông Trọng ngậm ngùi bảo: “Những năm đầu tiên Công ty chúng tôi mỗi năm chỉ sản xuất 120 tấn mà cũng có khấu hao, nhưng những năm gần đây do tranh mua, tranh bán đẩy giá, đẩy cấp cà phê nên, Công ty sản xuất tới 1400 tấn mà không có lãi bao nhiêu, thậm chí bị lỗ…
Sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty chế biến cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã sinh ra sự dễ dãi với nông dân. Ngoài vấn đề giá cả, các công ty đã không quan tâm đến vấn đề chất lượng, vô tình đã tiếp tay cho nông dân làm những việc gây tổn hại đến chất lượng cà phê và trái với những kỹ thuật mà nông dân đã được học. Còn đối với nông dân thường thấy cái lợi trước mắt mà không thấy lợi ích lâu dài.
Cà phê ngâm nước
Chuyện bắt đầu từ vụ cà phê năm 2006, do chạy theo lợi nhuận phần lớn nông dân Hướng Hoá đã “sáng tạo” ứng dụng thêm “kinh nghiệm” làm tăng sản lượng cà phê bằng cách… ngâm cà phê vào nước sau khi thu hoạch từ 1-2 ngày. Điều này trái với những kiến thức mà nông dân đã được học theo cách làm của dự án “Nâng cao chất lượng cà phê”.
Những vườn cà phê gần suối, sau khi thu hoạch thì được nông dân mang ngâm dưới suối. Ở những vùng cao hơn, nông dân đào hố ngay trong vườn, lót nilon làm bể chứa nước để ngâm cà phê. Còn các đại lý thì xây bể xi măng trong nhà để sau khi thu mua về ngâm tiếp. Cả nông dân lẫn đại lý đều tìm cách làm tăng trọng lượng cà phê, làm cho quả cà phê sau khi hái sình lên căng tròn vì nước…
Phân trần cho vấn đề này, anh Nguyễn Văn Đường ở thị trấn Khe Sanh có vườn cà phê ở xã Tân Liên cho rằng: “Nông dân ngâm cà phê trong nước kiếm thêm ít lượng thôi, trời nắng hạn mà, nhiều người làm vậy”. Mục đích của nông dân là “kiếm thêm ít lượng” nhưng cà phê sau khi ngâm nước còn “kiếm thêm được phẩm cấp” nữa. Bởi vì cà phê no nước sẽ nặng và tỷ lệ chín chìm sẽ cao, giá cà phê chín chìm cao gấp 2,5 lần so với cà phê chín nổi.
Với cách làm này nông dân, đại lý trồng và thu mua cà phê trúng lớn, vừa được mùa, vừa “trúng giá”. Còn các doanh nghiệp thì “Năm đầu tiên chưa có kinh nghiệm” đã phải trả giá.
Vụ cà phê năm 2007, nông dân và đại lý “thừa thắng xông tới” tiếp tục ngâm nước cà phê, nhưng, các công ty thì “rút kinh nghiệm” thận trọng khi thu mua. Ông Bùi Đình Trọng cho biết: “Từ nay về sau, Công ty chúng tôi thà đóng cửa nhà máy chứ tuyệt đối không mua cà phê ngâm nước. Cà phê bị ngâm nước trong thời gian lâu, sau khi sấy khô, bột xay ra bị nhạt màu, hương vị ít thơm và ít đậm đà hơn rất nhiều so với cà phê bình thường”.
Sự phản ứng của các công ty đã làm cho cà phê của nhiều hộ nông dân và đại lý (đương nhiên là đã ngâm nước) không bán được.
Hiện tại, các công ty thu mua với giá cà phê chín chìm (không ngâm nước) 3700 đồng/kg (thấp hơn năm ngoái 800 đồng/kg), cà phê chín nổi 1400 đồng/kg, cà phê xanh 1800 đồng/kg, tỷ lệ xanh cho phép không quá 5% và tỷ lệ nổi không quá 10%. Các công ty lấy cớ thiệt hại kinh tế của vụ trước nên năm nay đã đặt giá không cao cho nông dân.
Một số hộ nông dân và đại lý không ngâm cà phê trong nước cũng bị ảnh hưởng. Chị Nguyễn Thị Giang là người chuyên thu mua cà phê ở thôn Đại Thuỷ, xã Tân Liên cho biết: “Đại lý tôi không ngâm cà phê trong nước và tôi cũng mong bà con đừng ngâm nước cà phê để tôi dễ bán. Cà phê năm nay đẹp hơn năm ngoái rất nhiều nhưng giá lại thấp hơn mà lại khó bán”.
Vụ cà phê năm nay cả vùng Bắc Hướng Hóa được mùa lớn, bình quân năng suất đạt 12 tấn/ha, có nhiều hộ đạt 20 tấn/ha. Sản lượng cà phê toàn huyện ước đạt gần 40.000 tấn. Được mùa lớn nhưng lại khó về tiêu thụ. Âu một phần nguyên nhân cũng do nông dân đã vì “tham bát bỏ mâm”.