Những người nông dân trồng cà phê ở huyện Hướng Hóa – Quảng Trị đã bỏ công sức, tiền của để theo kiện vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất” – theo ngôn ngữ của tòa – còn bản chất của nó là việc một người nông dân đã “trồng nhầm” cà phê lên đất của hàng xóm.
Hai nguyên đơn là anh em ruột Nguyễn Đức Diệu và Nguyễn Đức Điền – cùng trú tại thôn Phùng Lâm, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, còn bị đơn là hai cặp vợ chồng nông dân trồng cà phê gồm ông Hoàng Sơn và ông Hồ Ngọc Sơn – những người hàng xóm của các nguyên đơn.
Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Hướng Hóa xử phiên sơ thẩm vào các ngày 3 và 4/4/2012 đã tuyên buộc các bị đơn phải trả lại diện tích đất đã lấn chiếm trồng cà phê trong thời gian nhiều năm nguyên đơn vắng mặt, riêng về hàng nghìn cây cà phê đã trồng trên đất đang thời kỳ cho thu hoạch cao điểm, tòa tuyên buộc chủ đất phải hoàn trả giá trị cây cà phê trên đất mà các bị đơn đã trồng, chăm sóc với sự đầu tư tiền của, công sức không hề nhỏ (bị đơn Hồ Ngọc Sơn có 2.253 cây cà phê trên đất tranh chấp x 72.000 đồng/ cây = 162.216.000 đồng; bị đơn Hoàng Sơn có 1.644 cây cà phê trên đất tranh chấp = 118.368.000 đồng). Các nguyên đơn cho rằng, họ chỉ đòi lấy lại đất chứ không lấy cây cà phê, họ yêu cầu bị đơn “lấy cây cà phê” khỏi đất của họ.
Tại phiên tòa phúc thẩm do TAND tỉnh Quảng Trị mở mới đây, các nguyên đơn đã rất rành rẽ và kiên định quan điểm rằng chúng tôi chỉ lấy lại đất và yêu cầu các bị đơn thu dọn cây cà phê trên đất. Kết cục tòa phúc thẩm đã tuyên thắng kiện cho các nguyên đơn: Buộc các bị đơn trả lại đất và không phải bồi hoàn tiền trồng, chăm sóc cây cà phê như án sơ thẩm đã tuyên. Nhưng, rõ ràng, những người dự phiên tòa cũng không thể yên lòng trước nỗi đau, thất vọng của những người nông dân lấn chiếm đất trồng cà phê; bởi như chính các nguyên đơn trong phần trả lời thẩm vấn của tòa cũng thừa nhận, để có vườn cây cà phê như hiện tại phải đầu tư nhiều công sức, phân bón…
Sự hả dạ hoặc đau đớn thắng kiện, thua kiện chắc chắn rồi sẽ qua đi. Nhưng, từ vụ kiện và các phiên tòa này đã làm bật lên trong cộng đồng những người nông dân nơi miền núi Hướng Hóa một day dứt khó phai: Hành xử với người như vậy có hợp với lương tâm?
Coi như bên có đất, bên có cà phê cùng nhau đầu tư canh tác chia sản phẩm, hoặc là tính tiền cho thuê đất.
Đất trên huyện miền núi Hướng Hóa mà còn căng thẳng vậy thì dân Việt lo kiếm hành tinh khác để ở là vừa!
Giải quyết theo phương án này có tính pháp lý nhưng thiếu tính nhân văn. Vì nhiều năm vắng nhà nên đất mình bị người khác trồng cà phê lên cũng là điều dễ hiểu. Cây cà phê tươi tốt như vậy thì công sức bỏ ra rất lớn và đó là tài sản quý giá. Mình không muốn mất đất thì người khác có lẽ cũng chẳng muốn mất cà phê. Bên nguyên đơn khi lấy lại đất nên tìm cách nào đó giải quyết cho hợp tình hợp lý thì hay hơn!
Qua vụ án này thấy một số điểm như sau:
– Trước hết bị đơn tự ý trồng cà phê trên đất của người khác là đã tự xác định chủ đất sẽ thu hồi bất cứ lúc nào, như vậy sẽ chấp nhận rủi ro mất công và tiền đầu tư, đây là điều chắc chắn (cây hàng năm rủi ro đầu tư thấp hơn cây lâu năm).
(việc tự ý trồng trên đất người khác cây hằng năm như lúa bắp đậu … có thể cho là dễ hiểu, nhưng trồng cây lâu năm, vòng đời 30 – 40 năm thật là liều lĩnh và khó hiểu!)
– Việc này cho thấy sự bất chấp luật pháp của bị đơn, có thể do bị đơn chủ quan cho rằng đó là ‘việc đã rồi’ để chủ đất nhân nhượng hoặc ỷ lại một yếu tố bảo kê nào đó!
– Nguyên đơn không có lỗi với bị đơn vì không vi phạm hợp đồng cho thuê, mượn hay bán đối với bị đơn.
– kết thúc vụ việc có thể đánh giá rằng thiếu tình người, nhưng có thể là có ích để ngăn chặn các vụ việc bất chấp luật pháp tương tự có thể xảy ra.
– kết quả sẽ có hậu hơn nếu tính tiền thuê đất đối với bị đơn và cho tiếp tục sử dụng cho đến khi tiền thuê đất bằng với số tiền giá trị cây, sau đó nguyên đơn sử dụng luôn số cây trên đất đó.
– Tuy nhiên nguyên đơn đã vi phạm luật đất đai khi không sử dụng đất, để hoang hóa trong một thời gian dài, cụ thể : điều 15 luật đất đai 2003, những hành vi bị nghiêm cấm … không sử dụng.
– Nguyên đơn sẽ bị nhà nước thu hồi đất nếu không sử dụng đất trong vòng 12 tháng đối với đất trồng cây hàng năm, 18 tháng đối với đất trồng cây lâu năm, 24 tháng đối với đất trồng rừng, chiếu theo khoản 11, điều 38 các trường hợp thu hồi đất của luật đất đai 2003.
vài dòng trao đổi!
Vấn đề trên không như báo nêu. Tôi ở cạnh mảnh vườn đó khách quan mà nói thì 1 bên lặng lẽ khai hoang còn 1 bên thì lặng lẽ đi làm sổ đỏ rồi đùng 1 cái ai cũng bảo đó là đất của mình hết.