Tây Nguyên: Sâu bệnh “đồng loạt” hại cây trồng

Hiện nay, ở Tây Nguyên thời tiết diễn biến phức tạp, đêm có mưa rải rác, ngày nắng gián đoạn và có mưa rải rác, có nơi mưa vừa đến mưa to đã tạo điều kiện cho các dịch hại cây trồng, gây thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân…

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắc Lắc, từ đầu năm đến nay, tình hình sâu bệnh hại cây trồng trên địa bàn tỉnh ở mức khá cao và diễn biến phức tạp, nhất là ở những loại cây trồng như lúa, cà phê, hồ tiêu, cao su…

Rệp sáp trên cây cà phê
Nhiều diện tích cà phê ở Tây Nguyên bị bệnh rệp sáp

Trên trà lúa đông xuân, bệnh đạo ôn chiếm tỉ lệ hại từ 5- 11%, với diện tích nhiễm 31,5 ha; bệnh bọ trĩ có mật độ 100- 800 con/m2, với 9 ha nhiễm bệnh; rầy nâu, mật độ từ 30- 1.000 con/m2; tuyến trùng có tỷ lệ 10- 25%, diện tích nhiễm là 10 ha tại huyện Krông Bông…

Cây cà phê, rệp sáp hại chùm hoa, quả non có tỷ lệ hại từ 8- 25%, với 17 ha nhiễm bệnh tại huyện Ea Kar và Krông Bông; rệp sáp xanh, mọt đục cành, rỉ sắt, khô cành… gây hại nhẹ và rải rác trên phạm vi toàn tỉnh. Ở cây tiêu, bệnh vàng lá chết chậm xuất hiện từ 4- 11%, diện tích nhiễm 25,1 ha tại các huyện Ea H’leo, Krông Năng, Krông Bông. Còn cây cao su, bệnh loét sọc miệng cạo 4- 15 %, nấm hồng 5- 15%… tập trung tại các huyện Ea H’leo, Krông Năng, Krông Buk.

Tại tỉnh Lâm Đồng, thời tiết đã tạo điều kiện cho các dịch hại cây trồng như rầy nâu, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn, khô vằn hại lúa; bệnh sưng rễ hại cây cải bắp; bệnh đốm mắt cua, nấm hồng hại cây cà phê… Cụ thể trên cây lúa mật độ rầy nâu có xu hướng giảm nhẹ, mật độ trung bình 208,8 con/m2, cao 800 con/m2, diện tích nhiễm rầy nâu chủ yếu tại Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Cát Tiên 436,5ha, giảm 568,7 ha so với kỳ trước; dịch ốc bươu vàng xuất hiện và gây hại tại Đạ Huoai, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Đơn Dương và Di Linh trên diện tích 3.527,7 ha (1.197,3 ha nhiễm nặng), mật độ từ 2 – 120 con/m2, tăng 477,5 ha so với kỳ trước…

Riêng tỉnh Đắc Nông do tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, không theo quy luật hàng năm nên nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện các loại sâu bệnh hại cây trồng, nhất là rệp sáp tấn công cây cà phê. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 500 ha cà phê bị rệp sáp tấn công gây hư hại, trong đó địa phương có diện tích cà phê bị rệp sáp gây thiệt hại nặng nhất là huyện Krông Nô với hơn 200 ha.

Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh đã có khuyến cáo người dân trong tỉnh cần nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng ngừa hiệu quả ngay từ đầu mỗi vụ gieo trồng, chăm sóc. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nhằm đưa giống mới năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, đồng thời tập trung sản xuất luân canh tăng vụ, tăng hệ số sử dụng quỹ đất kết hợp khâu xử lý đất hiệu quả…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng