Một lượng hợp đồng hàng giấy được các nhà đầu cơ trên sàn cà phê kỳ hạn robusta mua khống cao đến mức kỷ lục. Giá cà phê Robusta xuống trong hai ba tuần qua chính là hệ quả của việc thanh lý các lô mua khống ấy bằng cách bán ra. Giá cà phê nội địa lãnh đủ.
Hàng giấy bán xả
Như các đập thủy điện ở một số nơi ở nước ta, sau nhiều ngày tích nước, lúc mưa to, phải xả bớt nước. Hệ quả là nước ở các đập thủy điện vùng trên xả nhiều bao nhiêu, ruộng đồng nhà cửa vùng dưới ngập lụt bấy nhiêu.
Đó chính xác là hình ảnh của thị trường cà phê robusta trong chừng mươi ngày qua.
Hàng giấy (paper market) là các hợp đồng mua bán kỳ hạn, tại nước ta, trước đây thường được gọi là “chợ trên mạng”, chỉ mua bán và thanh toán trên giấy tờ là chủ yếu chứ không trao đổi hàng thực. Trong khi đó, chợ hàng thực (physical market) là các thương vụ mua bán trao đổi hàng-tiền với nhau.
Đón giá cao để bán, đầu cơ tài chính to nhỏ trên sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE đã tích cóp mua hàng giấy dần dần từ khi giá sàn kỳ hạn còn thấp. Nhờ mua và rủ nhau cùng mua nhiều, nên giá mỗi lúc trên sàn mỗi tăng. Đến tuần trước, họ đã mua khống một lượng hợp đồng kỳ hạn lớn kỷ lục. Có lúc, theo báo cáo định kỳ hàng tuần, họ đã tích được một lượng hợp đồng mua khống lớn kỷ lục, hơn 38.000 lô hay 380.000 tấn.
Tuy nhiên, có nhận định cho rằng, trong một vài ngày giao dịch, con số này phải trên 400.000 tấn, là lượng hợp đồng mua khống kỷ lục của đầu cơ trên sàn Liffe NYSE từ trước đến nay. Tiếc thay, họ không mua hàng thực (nhiều nơi còn gọi là hàng vật chất) mà chỉ là hàng giấy, chỉ cam kết giao và nhận hàng nhưng họ sẽ không giao nhận hàng thực mà chỉ thanh lý với nhau bằng các chứng từ có giá.
Nhờ động tác mua và kích mua này, giá sàn kỳ hạn cơ sở giao dịch tháng 9-2012 của những ngày giao dịch trong tháng trước đã tăng lên các mức cao, có khi trên 2.250 đô la/tấn sau khi giảm về gần 2.000 đô la/tấn.
Thời gian qua, do tích quá nhiều lượng hàng giấy đã mua ở mức cao kỷ lục, đầu cơ đã bắt đầu bán xả để thanh lý. Nếu như trước đây họ đã mua hàng giấy từ thấp đến cao, nay là lúc bán xả ra từ cao đến thấp để thu lợi nhuận. Giai đoạn này được gọi là bán thanh lý vị thế bằng cách xả “hàng” đã mua. Các hợp đồng mua rồi, muốn thanh lý nó, phải bán ra lại, tạo hiệu ứng giá rớt trên sàn kỳ hạn. Nên, trong những giai đoạn như thế này, vai trò của cung-cầu chỉ là thứ yếu. Ngược lại, sức mạnh của tài chính thường quyết định giá cho những đợt như thế này. Nên, hai tuần vừa qua, giá rớt trên sàn kỳ hạn là điều không lạ.
Để che lấp các hành vi thao túng, đầu cơ thường dùng các lý do bên ngoài như tăng giảm của đồng đô la, các tin tức kinh tế vĩ mô của thế giới như một cách giải thích giá lên xuống để khỏa lấp chuyện khuynh loát thị trường của mình.
Giá giảm khắp nơi
Đến khuya hôm qua, giá cà phê robusta trên sàn kỳ hạn Liffe NYSE London cơ sở tháng 9-2012 tại phiên đóng cửa cuối tuần chỉ còn ở mức 2.063 đô la/tấn. Như vậy, tuần qua, mất thêm 104 đô la; nếu so với giá đóng cửa ngày 6-8, mất đến 165 đô la Mỹ/tấn (xin xem biểu đồ 1 phía trên).
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên cũng rời mức đỉnh của niên vụ này là 44.000 đồng/kg ở cuối tháng trước để xuống dần đến mức 41.000 đồng trong tuần này. Như thế, so với tuần trước, giá nội địa mất thêm 1.500 đồng/kg.
Tuy hiện nay, hàng tồn kho trên thị trường nội địa không nhiều vì đã cuối vụ, giá giảm mạnh do chịu ảnh hưởng từ hàng giấy đã làm cho nhiều người còn một ít cà phê phải lo ngại. May mà ở dịp cuối vụ và hàng thực còn ít nên ảnh hưởng kinh tế của đợt xuống giá này không lớn. Trong những năm trước, nhiều đợt bán xả thanh lý của thị trường hàng giấy xảy ra khi thị trường nội địa vẫn còn nhiều hàng thực, đã làm điêu đứng cho rất nhiều người, từ nông dân đến các nhà xuất khẩu.
Giá rớt, thị trường xuất khẩu yên ắng hẳn. Một số nhà nhập khẩu vẫn trả trừ 30 đô la/tấn FOB cho loại 2, 5% đen vỡ nhưng bên bán khó chấp thuận vì không kết được với giá nội địa.
Tia sáng cuối đường
Không chỉ cà phê robusta giảm, giá arabica sàn kỳ hạn Ice New York cũng tiếp tục giảm trước tin tồn kho cà phê tại Mỹ tăng mạnh.
Tồn kho cà phê nhân toàn Mỹ theo Hiệp hội Cà phê nhân Mỹ (GCA – Green Coffee Association) bất ngờ tăng mạnh. Tính đến hết tháng 7-2012, lượng tồn kho này tăng lên mức 5.187.449 bao, cao hơn tháng trước trên 400.000 bao. Đây là tháng có lượng tồn kho bình quân tăng mạnh nhất kể từ tháng 1-2007. Nếu chỉ tính trong tháng 7 hàng năm, từ năm 1989, lượng tăng bình quân của tháng 7 chỉ ở mức 65.000 bao.
Cũng vậy, lượng tồn kho được các sàn hàng hóa xác nhận tại Mỹ trong tháng 7 vừa qua cũng tăng thêm 143.523 bao. Còn tồn kho không được xác nhận cũng ở mức cao nhất tính từ 15 năm nay (xin xem biểu đồ 2 phía trên).
Điều này, chứng tỏ các nước xuất khẩu cà phê arabica như Brazil, Colombia và các nước Mỹ La tinh chấp nhận giá thị trường, nên bán và giao hàng khá mạnh ngay từ những ngày hàng vụ mới ra từ những ngày đầu tiên.
Với tin này, giá đóng cửa sàn arabica Ice cuối tuần chỉ còn 160,30 cts/lb, giảm 5,95 cts/lb hay chừng 131 đô la/tấn so với cuối tuần trước.
Giá xuống trên cả 2 thị trường làm cho nhiều người “ngậm” hàng không bán được. Song, giá xuống đợt này đã tạo thuận lợi cho cà phê robusta khi giá cách biệt giữa 2 loại.
Tính đến sáng nay, mức cách biệt giữa 2 sàn arabica và robusta chỉ còn ở mức 65,9 cts/lb hay 1453 đô la/tấn. Đây là mức lý tưởng để rang xay có thể chấp nhận sử dụng trong các mẻ rang của họ vì robusta rẻ hơn nhiều so với giá cà phê arabica. Mức này trước đây có khi trên 4.000 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 3 phía trên).
Theo cá nhân tôi nghĩ nay mai chắc chắn cafe còn lên nữa, khả năng vượt ngưỡng 45.000 là rất có thể.
Nhà tôi hiện còn 8 tấn, mua được hồi giá 37.5 … nếu bán thì đã bán ngay từ đầu vụ giá 43.000 là có thể xoay đồng tiền làm việc khác rồi. Nhưng mà đã cất đến nay thì phải trên 45 may ra bán bớt một nửa, không thì cất năm sau … ko gì phải lo cả. Không biết bà con mình còn nhiều không nhỉ, nông dân VN cứ đồng lòng thế này thì quá tốt.
Bạn đọc liên tiếp 4-5 bài thì sẽ thấy rõ ý đồ của mấy ông nhà báo này ngay thôi mà. Tưởng vậy mà không phải vậy, phải thật tỉnh táo các bạn ơi.
Bài viết đã nói lên được nhiều chi tiết cụ thể của việc thị trường đang bị các nhà đầu cơ tài chính thao túng. Nhưng nếu để ý kỹ chúng ta sẽ nhận ra một điều nếu các nhà rang xay chế biến cafe đều không tham gia vào thị trường mua bán ảo trên sàn thì việc thao túng kia sớm muộn sẽ bị lụi tàn. Đơn cử hiện tại trong nhà các bạn còn hàng nếu đại lý nào CÓ TIỀN MẶT- CÓ THỰC LỰC MUA BÁN-GIÁ CẢ CÂN XỨNG thì các bạn sẽ bán chứ chả ai dại đi bán thiếu cho những anh đại lý không có khả năng chi trả và mua ép giá.
Vậy nên chúng ta chỉ nên lấy việc xem giá trên sàn thường ngày để hiểu rõ ý đồ kinh doanh thao túng của giới tài phiệt đầu cơ chứ không nên căn cứ vào đó mà bán nữa. Nếu giá sàn mua 42.000vnd nhưng mình nhận được đề nghị mua là 50.000vnd thì tất nhiên mình xuất kho ngay thôi. Còn họ mua 50.000vnd về họ có trách nhiệm tìm đối tác chế biến rang xay CHÀO GIÁ CAO VỚI LƯỢNG HÀNG CÓ THẬT phải không các bà con nông dân?
Đến giờ, tôi nên diễn đàn mà không biết ai là người Việt Nam? Giờ này, tôi rất buồn vì chẳng thể nào tin nổi người thật người giả – Người viết chữ Việt hay người viết chữ Tây, chỉ mong rằng người Việt làm giầu cho người Việt là đủ rồi, mong diễn đàn Y5 thông cảm, mình là người Việt Nam mong muốn thắng lớn…
Dear các bạn,
Mình thấy bài của bác Bình Già Làng rất hay và chính xác, theo tui thì các swap này có vẻ như chạy trước 1 biến cố tài chánh nào đó sắp đến và nếu là tôi tôi cũng cược cho điều này.
Năm nay có 1 “hiện tượng” mà không phải ai cũng thấy là : giá lên là cứ có hàng bán ! Điều này trái ngược với các báo cáo sản lượng /xuất hàng của tầm thời gian tháng 4. (Hiện tại số của GSO đã chênh với lượng xuất của hàng physycal khoảng 300K – Tin nổi không ?)
Chỉ góp vài lời chứ không có ý đả kích ai.
bác này comment giống Google Translate quá nhỉ
Cái đoạn cuối cùng nghe có vẻ củ chuối quá. Khi giá arabica với robusta cách biệt càng ít thì xu hướng chuyển qua rang arabica sẽ nhiều hơn là dùng robusta để phối trộn. Bác nên để ý. Chẳng nhà rang xay nào lại đánh đổi uy tín, chất lượng của mình để phối trộn khi mà giá chênh lệch không lớn. Khi giá còn chênh lệch cao thì phải trộn để giảm bớt chi phí đầu vào và tăng tính cạnh tranh.
Vài điều nói thêm:
Năm nay cà phê R sẽ hạ, cà A thì đã hạ rồi. Đừng mong năm nay lại giống năm kia là giá sẽ lên khi vào vụ thu rộ và ai cũng tranh nhau chốt giá để bán.
Năm nay mà giá cà lên khi rộ vụ có còn ai chốt giá bán giữa vụ không? Tất nhiên là không vì mọi người khôn ra rồi. Nếu giá tăng thì ai cũng sẽ trữ cà đến hết vụ, thậm chí nuôi mộng giá sẽ tăng đột biến khi qua tháng 3 sang năm? (Bà con nằm đó mơ đi. Xin lỗi năm nay không có đâu).
Vậy năm nay giá cà sẽ thế nào? Không dám nói trước nhưng không được lạc quan cho lắm.
Ps: @all: Lại có một loạt comment nói mình không ra gì cho xem. Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng.
Vậy năm nay chiến lược thế nào? Có chứ. Nhưng trước mắt bà con cứ tích trữ sẵn đạn dược, xăng dầu cho chu đáo đi cái đã. Rồi cứ thường xuyên lên y5 xem tin bài, bình luận sẽ biết được thôi.
Bón phân đợt cuối đi. Cà bắt đầu cứng nhân rồi. Không bón sớm thì cà sẽ không có phân kịp để nuôi quả. (Nhân đã cứng thì nuôi gì nữa). Bón xong phân, cào cỏ, tém lá cho kỹ còn thu cà. 45 ngày nữa thôi. Năm nay nhân công thu hái cũng chẳng rẻ đâu…
Sao cái ông Tâm Cà này ăn nói loạng choạng vậy. Dù gì đây cũng là diễn đàn rất nhiều người tham gia. Hãy tôn trọng nhau chứ. Ai làm gì ông mà “Đừng có mơ”. Họ là người dân nghèo khổ họ luôn cần một sự kỳ diệu khi bế tắc. Bạn không dành những lời động viên mà còn nói cà chớn nữa.
Bạn thamphong biết sao mà ông Cà đó nói vậy ko? Vì giá hạ người dân ko bán ra nên ông ko thu lợi nhuận được, ông mất bình thường nên ông nói loạng choạng vậy… dù ông vẫn dư sức biết bà con làm cà thật chửi ông nhưng ông vẫn lờ đi như ko có gì xảy ra rồi cứ ngồi nói nhảm một mình, chắc ko thu mua được lúc này nên ông điên rồi, bạn thông cảm cho ông đi. Mình còn cà mình cứ giữ lập trường của mình bạn nhé!
Mình nghe cụm từ “chơi hàng giấy” đã lâu nhưng không hiểu gì về nó cả, các bạn có ai biết thì giải thích cho mình nhé, xin cảm ơn./.
Hay là bà con mình từ nay đừng kháo nhau nhà này còn mấy tấn nhà kia còn mấy chục tấn nữa, chắc là họ biết số lượng cà trong dân mình và còn găm ở các đại lý trong nước nên người ta định bắt chẹt mình, nếu không bán thì để nhân cà làm gì, ăn không được mà uống không hết, tiền thì hết, sắp thu vụ mới rồi. Một phần thì trong nước lại không uống cà phê, mà đi uống đậu bắp, chắc còn thê thảm nữa. nhưng thôi đã đến nước này thì không còn gì để mất nữa bà con ạ.