Giá cà phê Robusta trên sàn kỳ hạn và thị trường nội địa bị bào mòn dần theo từng ngày trong tuần. Nhưng, cấu trúc giá giao dịch vẫn cho thấy giá cà phê robusta kỳ hạn sẽ còn lắm bất ngờ.
Giá cà phê rớt từng ngày
Những ngày qua, giá sàn kỳ hạn và nội địa mỗi ngày vơi đi một ít, tuy đang ở giai đoạn cuối của niên vụ cà phê, sẽ chấm dứt vào cuối tháng 9 hàng năm.
Giá đóng cửa của cà phê Robusta kỳ hạn trên sàn London cơ sở giao dịch tháng 9-2012, nay là tháng giao dịch chính, chốt mức 2167 đô la Mỹ/tấn. Vậy, so với cuối tuần trước, giá niêm yết mất 57 đô la (biều đồ 1). Tuy nhiên, sự mất mát này vẫn còn đáng khích lệ vì nếu so với giá cà phê Arabica giao dịch trên sàn ICE New York, giá arabica sau 1 tuần mất đến 166 đô la/tấn.
Tuy dư luận cho rằng cuối vụ hàng đã vơi, giá cà phê nội địa trên các tỉnh Tây nguyên vẫn rớt tương ứng với giá cà phê trên sàn kỳ hạn. Tính đến sáng nay, thứ bảy 11-8, giá nội địa chỉ còn chừng 42.500 đồng/kg, mất 1.000 đồng/kg sau 1 tuần.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu các hợp đồng giao sau (forwards contracts) cho loại 2, 5% đen vỡ dựa trên chênh lệch giữa giá niêm yết của sàn London và cảng Việt Nam có khi trừ từ 40-50 đô la/tấn do có một đợt giá tháng giao hàng gần cao hơn giá các tháng giao xa gần đây. Đây là mức thấp so với các tuần trước nhưng vẫn cao hơn so với đầu vụ. Bấy giờ, giá cà phê xuất khẩu thường được trừ 80-90 đô la/tấn dưới giá niêm yết.
Lượng cà phê được bán mới không hề giảm
Tin tồn kho cà phê Robusta đã được Liffe NYSE xác nhận tiếp tục giảm ngay đầu tuần vẫn không ngăn được giá niêm yết xuống. Tính đến ngày 6-8-2012, tồn kho được xác nhận (certifieds) chỉ còn 146.210 tấn, giảm từ 404.470 tấn cách đây 1 năm và từ đỉnh 417.420 tấn ngày 11-7-2011 (biều đồ 2).
Tuy nhiên, do giá xuất khẩu từ Việt Nam khá cao, hàng mới để yêu cầu cấp giấy xác nhận không có lô nào từ mấy tuần nay. Một số khách mua truyền thống báo họ đang mua giao ngay tại các kho cảng châu Âu với mức rẻ hơn và đỡ áp lực tài chính do thanh toán trước cho các lô FOB từ 2 đến 3 tháng. Với hàng đi theo phương thức FOB từ Việt Nam, khách mua thường phải thanh toán tiền hàng ngay sau khi giao hàng. Trong khi đó, hành trình chuyên chở cà phê phải mất chừng 1 tháng trên biển để đến châu Âu và Mỹ.
Tồn kho hàng đã mua của các nhà nhập khẩu đang để tại các kho cảng chung quanh Tp Hồ Chí Minh tính đến hết cuối tháng 7-2012 cũng chỉ giảm rất nhẹ, ở mức chừng 190.000 tấn, so với cuối tháng 6-2012 là 206.000 tấn (biểu đồ 3).
Nếu như tồn kho các nơi không giảm hoặc chỉ giảm nhẹ, trong khi lượng hàng xin cấp chứng nhận hầu như không có từ mấy tuần nay tại sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE, ta có thể kết luận được rằng vừa qua, người bán đã chấp nhận giá chung quanh 42.000-44.000 đồng/kg và bán ra một lượng hàng khá lớn, chừng 100.000 tấn trong tháng 7-2012. Vì, nếu như con số xuất khẩu trong tháng 7-2012 được báo chừng 120.000 tấn, thì tồn kho chỉ vơi đi chừng 20.000 tấn. Số còn lại, được xem là lượng hàng bán mới. Đặc biệt, cả trăm ngàn tấn ấy đều đi thẳng đến các nhà tiêu thụ cuối cùng, các hãng rang xay mà không bán cho sàn kỳ hạn. Vì, chẳng có lô nào xin chứng nhận chất lượng trình với sàn kỳ hạn robusta London như đã trình bày ở trên.
Thị trường cà phê vẫn còn nhiều bất ngờ
Tháng | Giá đóng cửa | Chênh lệch |
9/2012 | 2167 | |
11/2012 | 2168 | -1 |
1/2013 | 2149 | 19 |
3/2013 | 2140 | 9 |
5/2013 | 2141 | -1 |
Cấu trúc giá trên sàn kỳ hạn robusta có khác nhiều. Hiện tượng “vắt giá” của tháng 9-2012 trên tháng 11-2012 nay xem như đã hạ màn vì giá đóng cửa tháng 9 hôm qua đã cao hơn tháng 11. Nhưng, giá tháng 9 và 11 cho đến thời điểm này vẫn cao hơn giá tháng 1-2012 chừng 20 đô la/tấn. So với 2 tuần trước, giá tháng 9 thường cao hơn tháng 11 và tháng 1-2013 rất nhiều, từ 30-40 đô la (biểu đồ 4).
Theo phán đoán của một nhà phân tích thị trường cà phê robusta tại Tp Hồ Chí Minh, “tuy tháng 9-2012 có thể sẽ qua đi trong êm thấm, cấu trúc giá các tháng giao hàng 11-2011 và tháng 1-2012 trên sàn Liffe NYSE vẫn để lộ những bất ngờ về giá trên thị trường”. Nếu như, giá chênh lệch trong xuất khẩu rẻ hơn, rất có thể sẽ có một đợt “vắt giá” mạnh để các tay đầu cơ có thể đưa hàng đến các kho do Liffe NYSE chỉ định để duyệt chất lượng với một số lượng hàng lớn bất ngờ.
Để làm được vậy, không có gì khác hơn, đầu cơ phải dùng phương sách mua mạnh “hàng giấy” trên tháng 11 để bơm giá tháng này lên, tạo vắt giá mạnh.
* Vắt giá: hay còn gọi là thị trường có giá đảo ngược, là hiện tượng tạo khan hiếm hàng hóa cục bộ và nhất thời để đẩy giá tháng giao hàng gần cao hơn tháng giao hàng xa để trục lợi.