Hãi hùng cà phê “đểu”: Đậu nành + 15 hóa chất = cà phê

Trong vai học nghề, PV Thanh Niên được một người có thâm niên 10 năm chế biến cà phê bột truyền cách chế biến cà phê “đểu”…

Người đó là T., ở xã Thới Tam Thôn (H.Hóc Môn, TP.HCM). T. nói mình từng là học trò của ông chủ cà phê T.Q có tiếng ở Q.12 nhiều năm. Sau khi có kinh nghiệm, T. ra riêng, tự chế biến cà phê đi bỏ mối.

Để hiểu công nghệ biến đậu nành thành “cà phê đặc biệt”, đầu tháng 7.2012, tôi theo chân T. đi mua hóa chất ở chợ Kim Biên. Đến đây, ghé 4 cửa hàng, T. mua được 15 loại hóa chất là các hương liệu mùi cà phê, chất tạo bọt cho xà bông, bột màu công nghiệp và chất làm sánh (tạo đậm đặc) cà phê CMC…

Nửa ngày và 1 tấn “cà phê đặc biệt”

Sáng hôm sau, tôi cùng T. vận chuyển các loại hóa chất cùng 1 tấn đậu nành tới lò rang gia công cách nhà T. 2 cây số. Công nhân của lò chia số đậu nành của T. ra làm 5 mẻ (mỗi mẻ 200 kg) rồi lần lượt đổ vào lò rang (giống kiểu máy trộn bê tông). Sau 45 phút, ước chừng đậu nành đến độ, công nhân cúp cầu dao để xả đậu nành xuống nền đất, chuyển sang công đoạn tẩm 30 kg màu caramel và 5 lít rượu trắng, lập tức những hạt đậu nành chuyển sang màu cà phê đóng thành từng bánh; công nhân phải dùng cào, cào mỏng ra nền đất cho nguội. Tiếp đến là công đoạn “tẩm” hóa chất. “Công đoạn này quan trọng nhất, vì nó sẽ biến hạt đậu nành thành cà phê” – T. bật mí.

T. thuần thục lấy từng loại hóa chất: 2 lạng đường hóa học; 5 kg bơ; 2 lạng tinh cà phê Đông Đức; 1 lạng tinh cà phê Pháp;  2 lạng tinh sữa bột; 1 lạng vanilla; 3 lạng béo dừa; 2 lạng tinh hôi (T. giải thích tinh này để nguyên chất sẽ rất hôi, nhưng pha loãng ra lại cực kỳ thơm); 1 lạng bột béo; 2 lạng sô cô la; 2 lạng ca cao đắng; 1 lạng tinh sữa đục; nửa lạng chất tạo bọt, 2 lạng CMC; 1 lạng bột màu công nghiệp… muối ăn và nước mắm. Tất cả những thứ này T. cho hết vào một chiếc chậu lớn, dùng máy quậy đều. Khi chậu hóa chất hỗn hợp được pha xong thì đậu nành cũng được công nhân đổ vào máy đánh tơi.

Khoảng 30 phút sau, T. tắt máy để công nhân xả đậu nành ra từng bao 50 kg. Cứ như vậy, sau nửa ngày làm việc vất vả, tôi chứng kiến 1 tấn đậu nành được T. biến thành 1 tấn “cà phê đặc biệt”.

“Ít ai đặt cà phê thật 100%”

T. cho biết, muốn tạo mùi cà phê hương chồn, chỉ việc lên chợ Kim Biên mua tinh hương chồn về trộn cùng với bơ, màu caramel, bột béo, muối và mắm ăn, đường hóa học… để “tẩm” vào đậu nành là thành cà phê “hương chồn đặc biệt”. Hoặc nếu khách hàng thích và đặt hàng cà phê Moca thì mua tinh Moca về “tẩm”…

Cũng theo T., cà phê có hàng trăm mùi vị khác nhau, vì vậy để tạo phong cách riêng của mỗi thương hiệu, các ông chủ chỉ việc mua các loại hóa chất về để “tẩm” vào đậu nành. Đặc biệt, trong quá trình thực tế, chúng tôi ghi nhận trong 15 loại hóa chất có 3 loại hóa chất gây nguy hiểm cho người sử dụng là hóa chất tạo bọt, hóa chất làm sánh cà phê (tức CMC chuyên dùng làm hồ vải) và bột màu công nghiệp. Tỷ lệ  pha là 2 lạng CMC và nửa lạng chất tạo bọt và 1 lạng màu cho 200 kg đậu nành.

“Vậy nếu là cà phê thật thì có cần hóa chất?” – tôi hỏi. T. nói: “Nếu cà phê hạt thì cần gì hóa chất, chỉ cần trộn 4 kg đường trắng (trộn trong lúc hạt cà phê rang nóng 200 độ) và 5 lạng muối, 1 lít nước mắm là xong. Nhưng nếu rang cà phê thật thì phải bán với giá trên 200.000 đồng/kg. Vì vậy, ít ai đặt cà phê thật 100%, người ta hay pha trộn theo tỷ lệ 8 đậu 2 cà, hoặc 7 đậu 3 cà (7 đậu nành + 3 cà phê) hoặc tùy theo chủ quán đặt hàng để bán với giá từ 120.000 đến 150.000 đồng/kg. Nhưng cũng có khi tôi giao giá 120.000 đồng/kg mà chẳng có hạt cà phê nào”.

Ngày hôm sau, tôi chứng kiến T. xay đậu nành để đóng gói vào 2 loại  bịch 1 kg và 1/2 kg, bên ngoài có ghi: “98% cà phê hạt Buôn Mê đặc biệt”… sau đó mang đi bỏ mối cho các quán là bạn hàng chuyên nghiệp, với giá từ 60.000 đến 100.000 đồng/kg. Ngoài ra, T. còn đóng thêm 10 bao (mỗi bao 10 kg) để công nhân chở ra Bến xe An Sương gửi xe đò lên Bảo Lộc.

“Ông thấy không, mỗi ngày tôi giao cho khách ruột ở TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Tàu và một hãng cà phê nổi tiếng ở Bảo Lộc 1 tấn đậu nành cà phê. Chứng tỏ công nghệ sản xuất cà phê bột của tôi cũng không thua kém những thương hiệu cà phê nổi tiếng chứ”, T. nói vẻ tự hào.

Đi mua hóa chất…

Đỗ hóa chất ra chậu để “tẩm” vào đậu nành.

Đậu nành vừa được “tẩm” và trộn màu caramel

Trộn xong, đỗ ra nền đất để đảo nguội, khỏi vón cục.

Khám xét “lò” cà phê dỏm Xuân Hoành

Ngày 17.7, Công an Q.12 phát hiện và tạm giữ xe ô tô biển số 50D-001.42 đang vận chuyển 450 kg đậu nành và 50 kg bắp đã tẩm hóa chất thành cà phê. Lái xe khai số hàng trên là của cơ sở cà phê Xuân Hoành (P.Trung Mỹ Tây, Q.12) vận chuyển ra bến xe gửi xe đò, để giao cho Công ty Hoàng Phong ở TP.Quảng Ngãi. Lập tức, tổ công tác làm thủ tục khám xét cơ sở Xuân Hoành. Tại đây, tổ công tác lập biên bản 8,5 tấn đậu nành chưa rang; 1 tấn đậu nành đã rang xong và được tẩm hóa chất; 950 kg bắp chưa rang; 900 kg vỏ cà phê dùng làm thức ăn chăn nuôi; 150 kg cà phê loại 1 (trọng lượng 1 kg/bịch); 410 kg cà phê loại 2 đều thành phẩm đã được đóng gói mang nhãn hiệu cà phê Xuân Hoành, chuẩn bị đi bỏ mối cho các quán; 12 hóa chất các loại dùng để chế biến cà phê.

Ngoài ra, tổ công tác lập biên bản ghi nhận tại cơ sở chế biến cà phê Xuân Hoành có 2 máy rang đậu nành công suất 120 kg/mẻ, 2 máy xay và 2 máy đóng gói thành phẩm… Vụ việc đang được Công an Q.12 làm rõ.

Những thùng hóa chất ngổn ngang tại cơ sở Xuân Hoành

Hoài Nam

 

Sử dụng đường độc hại

Khi Báo Thanh Niên phối hợp cùng Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra cơ sở rang, xay cà phê, ngũ cốc Thông Phát, thì phát hiện tại đây sử dụng rất nhiều loại phụ gia, phẩm màu, hóa chất, đường cấm, và cả đường không rõ nguồn gốc. Cụ thể có đường Sodium Cyclamate loại bao 1 kg (bao bì có chữ Trung Quốc), đây là loại đường Bộ Y tế nghiêm cấm cho vào thực phẩm bởi nó gây hại cho sức khỏe; và một loại đường hóa học khác rất lạ, chỉ toàn tiếng Trung Quốc (loại bao 0,5 kg), ngay cả thành viên đoàn thanh tra cũng không thể biết đường gì; 7,5 kg chất bột trắng (không có nhãn mác); nhiều can nhựa đựng dung dịch, phụ gia không có nhãn mác; chất CMC để tạo đặc sánh cho cà phê…

Không chỉ gia công “cà phê” theo đơn đặt hàng của khách, cơ sở ông Thông còn sản xuất “cà phê” thương hiệu “cà phê” Sọi.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Hoàng Lân

    Qua bài báo này, tôi xin đề xuất, kiến nghị mấy điều với Thanh tra TP HCM như sau:

    1. Khen và Thưởng xứng đáng cho nhóm phóng viên nhà báo điều tra viết về cơ sở chế biến cà phê đểu này. (Để bảo vệ tính mạng phóng viên, đề nghị phần thưởng nên chuyển về Ban lãnh đạo báo Thanh Niên, sau đó lãnh đạo chuyển cho nhà báo)

    2. Tội phạm đã quá rõ ràng, nhân chứng, vật chứng, quá tâm phục khẩu phục… Đề nghị truy tố hình sự, bỏ tù chủ doanh nghiệp này để làm gương cho bao kẻ khác.

    3. Buổi sáng hàng ngày tôi đi làm trên quốc lộ 13, đến đoạn từ Cầu Đúc Nhỏ đến nhà máy cân Nhơn Hòa, ai cúng ngửi thấy mùi thơm cà phê nồng nặc phát ra từ một cơ sở đang rang xay nào gần đó phát ra. Rất có thể là của cơ sở chế biến cà phê “đểu” như trên. Đề nghị các nhà báo hãy dùng biện pháp nhiệp vụ, đột nhập điều tra xem thế nào. Nếu chế biến cà phê “đểu” báo ngay với thanh tra thành phố vào cuộc.

    4. Thành phố hãy phát động thành phong trào quần chúng nhân dân tố giác tất cả các cơ sở chế biến thực phẩm độc hại nói chung (kể cả đơn thư nặc danh) cử người đến tận nơi điều tra.

    Tôi chờ thư phản hồi của thanh tra TP đăng trên mục này của Web. Chân thành cám ơn.

  2. luabeo

    Thật kinh hoàng khi thấy cơ sở sản xuất rang xay cà phê, tôi nghĩ nhà nước mình nên có mạng lưới an toàn vệ sinh thực phẩm từ thôn làng lên đến TW chứ cái kiểu hiện nay chỉ bắt cóc bỏ dĩa, đến tháng báo cáo lĩnh lương rồi lại báo cáo và khi có ngộ độc xảy ra mới vào cuộc thì quá muộn. đây mới chỉ là 1 trong vô số cơ sở chế biến, thương trường mà cạnh tranh giá cả mà chắc là đều thế thôi.

  3. Ngô Phú Hiển

    Ý kiến bạn Hoàng Lân rất hay!
    Người tốt cần được biểu dương để cho xã hội ngày càng có thêm nhiều người tốt,
    Kẻ xấu cần phải nghiêm trị để cho xã hội ngày càng bớt kẻ xấu đi.
    Như vậy xã hội mới được lành mạnh, phát triển và văn minh.

  4. Ngô Phú Hiển

    Bây giờ người tốt hầu như rất ít khi được biểu dương, còn kẻ xấu thì rất hay được khoan hồng. Như thế có phải là nhân ái không nhỉ?

  5. thidilih

    Khiếp vía… Họ còn mang cả lên tới Bảo Lộc xứ sở cà phê. Đề nghị công bố luôn cơ sở tại Bảo Lộc đã mua 100 kg cà phê đểu nói trên cùng tất cả các thương hiệu cà phê có tham gia hợp đồng với cơ sở này cho người tiêu dùng được biết. Đề nghị bộ Y tế cùng Thanh tra chính phủ các bộ liên quan vào cuộc ngay để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ tốt nhóm phóng viên. Khi cấp giấy phép cho các thương hiệu phải đòi hỏi rõ ràng ghi chính xác tỷ lệ càphê, tỷ lệ bắp, đậu nành, gia vị là những loại gì ngay trên bao bì.

  6. thidilih

    Bao năm nay gia đình tôi chỉ uống caphe trung nguyên.caphe sương mai.trung tín.hy vọng không có những hóa chất như trên

    1. caphedang

      Theo tôi nếu nhà bác hay uống cà phê thì tự mình lấy cà phê nhà rang lên rồi xay uống thì sẽ cảm thấy hương vị cà phê sẽ rất ngon, mặc dù cà phê khi pha sẽ không sánh như mấy thương hiệu mà bác đã nói. Nhà tôi thường uống cà phê này không ah. Bác hay thử xem sao nhưng lại rất an toàn mà lại rất ngon đó.

  7. hoang trong nghia

    Tôi có người bạn hiện sống ở Bảo lộc. Có lần đã khuyên tôi ko nên uống cafe vì bạn tôi cũng đang làm cho một cơ sở sản xuất cafe đểu tại Bảo Lộc. Hy vọng là các cơ quan chức năng có thể can thiệp xóa sổ những cơ sở như thế này để người dân dùng cafe đảm bảo sức khỏe…

  8. Cà Phê Đắng

    Đậu nành thì rất tốt, nhưng khi uống nhiều cà phê đậu này vào thì không thất sảng khoái mà chỉ buồn ngủ thêm. Nếu không có các nhà báo dũng cảm này thì đời con cháu chúng ta cũng bị loại cà phê đểu này đầu độc các chất có hại trong người. Thế mà Quản lý thị trường, Thanh tra y tế là những người được giao nhiệm vụ này không hề phát hiện ra mà vẫn được hưởng lương đều đều. Báo cáo thì hay nữa chứ… Vô cảm quá, vô cảm quá các công bộc của dân ơi?

  9. Cà chua kiu

    Đậu nành thì rất tốt nhưng phải rang ở mức độ chín tới. Còn rang cháy thì lại rất độc vì chất dinh dưỡng cháy hết và thành chất cực độc, còn các hóa chất đó thì ai dám bảo chúng không độc?
    Hèn gì bệnh viện ngày càng quá tải!

  10. HUYNH ANH VIET

    Nhà nước cần có luật mới thật nghiêm khắc với những kẻ gây độc hại cho cộng đồng, xem rẻ sinh mạng của mọi người. Hãy lấy TQ mà làm gương khi xử bắn 2 người trong vụ melamine để xoa dịu lòng dân. Có như vậy mới làm cho những kẻ nhăm nhe làm những điều tương tự phải chùn bước.

  11. Bo

    Chỉ thấy Công An và Thanh tra Y tế cùng nhà báo đi…, còn anh Quản lý Thị trường ở đâu, sao không thấy bóng dáng anh này? Chắc là anh này đang bận trăm công nghìn việc.

  12. cà phê daklak

    Mình ở Krông Năng vùng sản xuất cà phê lớn nhất ĐakLak. Nhìn cách chế biến cà phê đậu nành như thế này chắc bà con nhổ cà phê mất. Nhà nước cần mạnh tay hơn nữa mấy vụ như thế này vừa bảo vệ bà con trồng cà phê vừa bảo vệ sức khỏe người dân.

  13. thanhle drao

    Cũng đâu có khó lắm đâu nếu những người công bộc của dân thực sự lo về sức khỏe cho dân. Huyện nào tỉnh nào cũng có công bộc làm công tác bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, bảo vệ người tiêu dùng. Đừng vì lương tâm không bằng lương tháng, làm cho đúng chức trách của mình mà Đảng và nhà nước giao cho thì làm gì có cơ sở chế biến đồ dởm nào dám hoạt động, trừ khi có bảo kê.

  14. võ duy xuyên

    Đây là lí do tại sao cafe Nông Dân chúng ta trồng chỉ toàn xuất khẩu còn các doanh nghiệp trong nước thì không có chổ đứng trên thị trường.

  15. An_rony

    Không biết là hãng Nestle Việt Nam có giống kiểu này ko ?
    Qua tin báo, mình thấy sao mà con người bất công và bất nhân thế. Người hại người vì lợi ích cá nhân ?
    +1 cho ý bạn Hoàng Lân.

  16. caphedang

    Tôi nghe mọi người bàn tán là khi rang xay các hãng caphe còn cho thêm thuốc sốt rét vào để tăng thêm vị đắng nữa thật là kinh khủng. Còn cà phê trong nước thì bắp + đậu nành+ phụ gia = cà phê thì đầy hầu như huyện nào cũng có các bác ơi.

Tin đã đăng