Giá tiêu kỳ hạn trên sàn NCDEX tại Ấn Độ tiếp tục lên ở mức cao trong khi tiêu trên sàn SMX vẫn giữ xu hướng ngược lại.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, ngày thứ Bảy 14/7, giá tiêu kỳ hạn trên sàn NCDEX tại thị trường Kochi Ấn Độ tiếp tục lên đứng ở mức cao. Kỳ hạn giao tháng 7 là 42.730 Rupi/tạ tương đương 7.789 USD/tấn, giao tháng 8 là 43.240 Rupi/tạ tương đương 7.882 USD/tấn và giao tháng 9 là 43.520 Rupi/tạ tương đương 7.933 USD/tấn. ( 1 USD = 54,8625 Rupi).
Giá hạt tiêu giao ngay song song với xu hướng giá của thị trường kỳ hạn lên ở mức 39.900 Rupi tương đương 7.273 USD/tấn cho loại tiêu xô và 41.400 Rupi/tạ, tương đương 7.546 USD/tấn cho loại tiêu chọn MG1, tăng 180-200 USD/tấn so với đầu tháng. Mặc dù tỷ giá đồng Rupi có tăng trở lại nhưng nhu cầu cao tiếp tục thúc đẩy giá tiêu nội địa Ấn Độ gia tăng.
Giá tiêu đặc chủng loại MG1 của Ấn Độ trên thị trường quốc tế khoảng 7.850-7.900 USD/tấn (C&F) cho hàng đi châu Âu và khoảng 8.150-8.200 USD/tấn (C&F) cho hàng đi Mỹ, vẫn giữ mức chênh lệch cao so với giá tiêu xuất khẩu của các quốc gia khác.
Trong khi đó, sau một thời gian khá dài thiếu khách giao dịch, giá tiêu kỳ hạn trên sàn Singapore Mercantile Exchange (SMX) cuối tuần này đứng ở mức 6.160 USD/tấn cho kỳ hạn giao tháng 7 và mức 5.967 USD/tấn của kỳ hạn giao tháng 8, vẫn duy trì cách biệt quá xa so với giá tiêu kỳ hạn tại Ấn Độ.
Theo ông Lo Kun Seng, giám đốc điều hành của một công ty xuất khẩu hạt tiêu lớn của Malaysia, vào nửa cuối năm thị trường hạt tiêu sẽ hạ nhiệt khi các nước sản xuất tiêu lớn như Indo, Brazil ra hàng, nông dân và thương nhân của các nước sản xuất tiêu cũng không vội vàng bán ra với mức giá hiện tại.
“Họ đang nắm giữ một lượng hàng đáng kể và đang chờ giá tăng. Nhu cầu của các thị trường nhập khẩu vẫn còn cao. Khủng hoảng nợ công của khu vực sử dụng đồng tiền chung (Eurozone) cũng ít tác động đến giá tiêu thế giới”. ông Lo nhận định.
Theo lịch thời vụ, hiện nay Indonesia đã bước qua tháng thứ hai của vụ thu hoạch mới kéo dài khoảng bốn tháng, trong khi Brazil cũng sẽ có hàng vụ mới đưa ra tham gia thị trường dự kiến vào khoảng giữa tháng 10 hay tháng 11.
Trong khi tại Việt Nam, quốc gia sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu số 1 thế giới, chiếm hơn 1/3 sản lượng tiêu toàn cầu, giao dịch hạt tiêu trên thị trường nội địa hiện khá trầm lắng. Một số công ty xuất khẩu tạm thời không ăn hàng còn nhiều đại lý cũng ngừng thu mua vì “công ty thiếu tiền, thanh toán chậm” khiến bà con nông dân cũng ngần ngại không muốn bán mặc dù giá tiêu xô trong nước có giảm nhẹ, theo các thương lái cho biết.
Sáng nay 15/7, giá tiêu đen xô tại Bà Rịa – Vũng Tàu còn 124-125 ngàn đồng/kg, Bình Phước 123 ngàn đồng/kg và các tỉnh Tây nguyên 121-122 ngàn đồng/kg, giảm 1-2 ngàn so với đầu tháng.
Giá tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam loại 500g Gr/l-FAQ mức 6.200-6.250 USD/tấn và loại 550 Gr/l-FAQ mức 6.500-6.550 USD/tấn, trong khi tiêu trắng loại 630Gr/l-FAQ chào 9.350-9.400 USD/tấn và loại DW630Gr/l giá 9.700-9.750 USD/tấn, (FOB), giảm 100 USD.
Theo thống kê của Hải Quan, xuất khấu tháng 6 đạt 9.522 tấn tiêu các loại với giá trị kim ngạch 65,12 triệu USD giảm 22,1% về lượng và giảm 22,4% về giá trị so với tháng trước, nâng số lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm lên 69.163 tấn tiêu các loại với giá trị kim ngạch đạt 471,3 triệu USD, tuy giảm 0,7% về lượng nhưng lại tăng 25,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân xuất khẩu trong tháng 6 đạt 6.839 USD/tấn, vẫn ở mức cao.
Anh Văn
Mấy bữa nay không thấy thương lái vào nhà bà con để hỏi thăm hàng như hôm trước. Mà bà con cũng không muốn bán hàng ra ở giá này đâu.
Có tin trên Thời báo Kinh tế Ấn Độ cho rằng giá tiêu thế giới đang giảm sút nhờ nguồn cung dồi dào và giá rẻ từ VN, nước sản xuất tiêu số 1 thế giới.
Không lẽ các nhà xuất khẩu của nước mình đi bán rẻ?