Chủ tịch Hiệp hội cao su Indonesia cho rằng, mức giá tối thiểu nên khoảng 4 USD/kg cao su thiên nhiên, thay vì chỉ hơn 3 USD/kg như hiện nay.
Bài liên quan: > Thái Lan can thiệp vào thị trường để đẩy cao giá cao su
Indonesia, quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên lớn thứ 2 thế giới, đang xem xét đưa ra mức giá tối thiểu theo thỏa thuận với hai quốc gia sản xuất lớn tại Đông Nam Á là Thái lan và Malaysia, để tránh cho mặt hàng này giảm giá hơn nữa trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Bộ trưởng Thương mại Indonesia, Gita Wirjwan cho biết, “Đưa ra mức giá tối thiểu là một trong những lựa chọn thay thế mà chúng tôi đang xem xét. Biện pháp này có thể giúp ổn định giá cao su. Chính phủ Indonesia sẽ sớm gặp các quan chức từ Thái Lan và Malaysia để thảo luận về vấn đề này”.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, Nuttawut Saikua cho biết, Ba quốc gia, chiếm 70% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu, có thể cùng hạn chế xuất khẩu và đưa ra hạn ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên.
Thái Lan, nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, sản xuất 3,5 triệu tấn trong năm 2011, cùng với Indonesia sản xuất 3 triệu tấn và Malaysia 996.000 tấn.
Giá cao su kỳ hạn giảm 28% trong quý 2, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 và cũng là mức thấp nhất trong 3 năm do nhu cầu giảm vì bóng ma suy thoái.
Asril Sutan Amir, chủ tịch Hiệp hội cao su Indonesia (Gapkindo) cho biết, mức giá tối thiểu nên khoảng 4 USD/kg, thay vì chỉ hơn 3 USD/kg một chút như hiện nay. Ba nhà sản xuất cũng cần lập kế hoạch để quản lý nguồn cung, thống nhất về số lượng xuất khẩu và giảm tần suất khai thác.
Trong năm nay, nông dân Indonesia giảm khai thác mủ, điều này sẽ làm giảm sản lượng cao su của đất nước xuống 9,7% còn 2,8 triệu tấn. Xuất khẩu trong khi đó cũng có thể giảm đến 8% xuống còn 2,3 triệu tấn.