Nhiều loại phân bón được tuồn thẳng vào các nhà vườn cao su bán với giá cao ngất trời, nội dung bao bì thì “nổ” trời gầm nhưng chất lượng lại nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.
Cty Cổ phần phân bón Mầm Xanh (75 đường số 5, KDC Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM) xuống Hội Nông dân (HND) các xã có trồng cao su ở tỉnh Bình Dương quảng cáo 4 sản phẩm đề nghị ký hợp đồng tiêu thụ, trong đó có Super Lion, được quảng cáo là phân NPK kết hợp với hữu cơ và vi lượng như CaO, S, Fe…; phân kali 30+TE với giá bán 1 bao 50 kg lên tới 555-560 ngàn, vị chi 1 kg từ 11.000 đ trở lên.
Các loại phân trên có mặt trên thị trường từ năm 2011 lúc giá mủ cao su cực thịnh, có thời điểm lên đến 120 triệu đồng/tấn được HND tỉnh Bình Dương “bảo chứng” về chất lượng, sau đó Tỉnh hội giới thiệu cho HND các huyện, từ đó HND huyện tiếp tục chỉ đạo cho các HND xã phối hợp cùng DN thực hiện “hội thảo” tại các ấp mà thực chất là quảng bá sản phẩm cho công ty Mầm Xanh (MX). Đây là lý do mà các nhà vườn cao su tiểu điền “vô tư” tiêu thụ phân bón của công ty MX, không hề quan tâm đến giá cả và chất lượng.
Chị T, chủ một đại lý vật tư NN ở xã Long Nguyên, huyện Bến Cát cho biết, ban đầu công ty MX cũng có ký gửi cho đại lý nhưng không bán được, bởi có trường hợp chủ vườn chê sau khi dùng cao su bị tụt mủ. Sau đó, công ty chạy qua HND làm đầu mối bán trực tiếp cho nông dân nhưng cho nợ lại 50% trả sau 3 tháng. “Tụi tui là đại lý chịu sự kiểm tra của nhà nước, một năm có 2-3 lần thanh tra Sở NN-PTNT, Chi cục BVTV, QLTT, Chi cục Thuế xuống kiểm tra thu-chi, hóa đơn chứng từ, và lấy mẫu phân bón đem xét nghiệm chất lượng nếu có nghi ngờ dân phản ảnh. Hiện công ty MX buôn bán như thế thì không biết lấy ai kiểm tra?” – chị T thổ lộ.
Ông Lương Văn Lai, Chủ tịch HND thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát cho hay, HND tỉnh ký hợp đồng phân phối cho công ty MX, còn MX “cam kết” đảm bảo chất lượng với Hội. Trong năm 2011, công ty MX bán cho nông dân TT Mỹ Phước 14 tấn, trích lại phần trăm cho HND và các chi hội là 5,7 triệu đồng. Năm nay, theo hợp đồng dự kiến MX sẽ cung cấp khoảng 20 tấn, đồng thời trích 120 ngàn đồng/tấn cho HND xã và 170 ngàn/tấn cho các chi hội. – Vậy HND xã phải làm gì cho Cty MX? Tôi hỏi. “Chúng tôi phối hợp tổ chức các buổi hội thảo, nắm số lượng phân mà họ đã giao xuống cho các nhà vườn, sau này nếu có nợ phát sinh thì giúp đòi nợ… cho họ!” – ông Lai trả lời.
Tương tự, tại xã Long Nguyên có DT cao su trên 4.000 ha, theo ông Nguyễn Văn Sáu (chủ tịch HND), cũng trên tinh thần chỉ đạo của HND tỉnh và huyện rằng đây là “nguồn phân có chất lượng” nên năm 2011, HND xã cùng với DN đưa xuống bán cho các nhà vườn 110 tấn với số tiền trên 200 triệu, được trích lại khoảng 20 triệu đồng. Năm nay vẫn tiếp tục thực hiện. Theo nhiều nhà vườn phản ảnh, không chỉ Bến Cát mà còn các huyện khác như Dầu Tiếng, Phú Giáo, Tân Uyên cũng đều tiêu thụ rất lớn số lượng phân bón của công ty MX thông qua hệ thống “phân phối” chính là HND.
Tuy nhiên, điều ít ai chú ý, trong số sản phẩm phân bón của công ty MX bán cho các nhà vườn, riêng tại nhà ông Đào Văn Cư, KP 5, thị trấn Mỹ Phước, vào ngày 3/7 chúng tôi bất ngờ ghi nhận sản phẩm phân kali 30+TE, trên bao bì không hề có ngày tháng SX mà chỉ ghi hạn sử dụng (HSD) là 2 năm (!?). Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa (GĐ TT Nghiên cứu Đất phân và Môi trường phía Nam), ngày SX và HSD là một qui định bắt buộc DN phải ghi trên bao bì. Vậy nên, một chủng loại phân bón có giá trên 500 ngàn đồng/bao nhưng ngay từ đầu đập vào mắt đã sai qui cách bao bì thì ai dám đảm bảo chất lượng?
Thứ nữa, Cty TNHH Thương mại và xây dựng Việt Tín (Vitico, địa chỉ 606/147/7/2 đường 3/2, phường 14, quận 10, TPHCM) với sản phẩm nhập khẩu là “phân NPK tan chậm” có tên IBDU của Nhật Bản. Không hiểu loại phân này sau khi nhập khẩu về VN, trước khi tung ra thị trường DN đã khảo nghiệm ở đâu để tin rằng nó thích hợp bón cho cây cao su, trên vùng đất triền, đất dốc?
Điều đáng nói là, trong các buổi hội thảo gần đây tại các xã có DT trồng cao su lớn, công ty Vitico chỉ dựa vào 3 văn bản chính là QĐ của Bộ NN-PTNT ban hành cách đây những 8 năm, ngày 10/8/2004 v/v công nhận biện pháp kỹ thuật mới, trong đó công bố hàng loạt sản phẩm phân bón cho phép đưa vào SXKD nhưng không thấy có sản phẩm IBDU (?). Hai là, văn bản ngày 20/8/2011 của công ty CP Giám định khử trùng FCC xác nhận lô hàng phân NPK tan chậm nhập khẩu của Vitico là “đạt chất lượng”; ba là, văn bản đồng ý cho phép hội thảo của Sở NN-PTNT. Từ đó, DN “tự tin” cho rằng sản phẩm của mình là hoàn toàn hợp pháp.
Chính vì tự tin nên công ty Vitico bán trực tiếp loại phân nói trên cho các chủ vườn cao su với giá “khủng”, một bao 15 kg có giá cả triệu bạc, bình quân 70 ngàn/kg, còn sử dụng phân tan chậm trong 2 năm, chủ vườn phải tốn chi phí ít nhất là 19 triệu/ha (20 bao/ha). Điều đáng nói là, theo qui định của Bộ Công thương, lẽ ra trên bao bì ngoài tiếng Nhật, DN phải có bảng phụ đề hướng dẫn sử dụng ghi bằng tiếng Việt. Đằng này, chỉ có hai mảnh giấy nhỏ xíu được đính kèm theo là “công ty Việt Tín NK” và “ngày SX năm 2010, hạn sử dụng đến tháng 12/2015” (tức thời hạn sử dụng tới 5 năm. Trong khi đó, thông thường một mặt hàng phân bón nhập khẩu thời hạn sử dụng cao nhất chỉ có 2 năm).
“Theo họ khuyến cáo thì dùng phân NPK tan chậm có mấy thuận lợi là lợi công, nhẹ vận chuyển, không ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, năm nay giá mủ cao su đang xuống thấp, hiện còn có 57 triệu/tấn, giảm hơn phân nửa so cùng kỳ năm ngoái nên nông dân cũng đắn đo vì giá quá cao, hơn nữa bao bì trông cũ giống hàng tồn kho, lại ghi toàn tiếng Nhật nên cũng chưa biết chất lượng thế nào?” (ông Nguyễn Văn Sáu, Chủ tịch HND xã Long Nguyên).
Đúng là thương trường là chiến trường, Hôị Nông Dân tiếp tay cho phân bón kém chất lượng ! Bó tay các bác luôn.
Tại sao nông dân không muốn gia nhập Hội… giờ mình đã hiểu!
Gửi các ông sản xuất phân bón giả – kém chất lượng !
Theo phát biểu ông Hoàng Đức Từ của cty Mầm Xanh là : “Phương châm hoạt động của Mầm Xanh là : Ngươì Việt hiểu đất Việt, câu này có ý nghĩa là không có ai hiểu rõ đồng ruộng Việt Nam bằng người Việt Nam…”. Vậy mà các ông lại sản xuất rôì bán cho nhà nông chúng tôi sản phẩm kém chất lượng, giá thì trên trời. Các ông hiểu rõ đồng ruộng Việt Nam tới đâu? Nhưng cái các ông biết và hiểu rõ là sự khổ cực của người nông dân bán lưng cho trời bán mặt cho đất, dãi nắng dầm mưa, bao nhiêu mồ hôi nước mắt phải đổ ra trên đồng ruộng, nương rẫy…
“Các ông sản xuất phân bón giả – kém chất lượng. Lương tâm của các ông ở đâu?”
Muốn thoát nạn phân bón giả thì nhà nước nên hỗ trợ các nhà khoa học nghiên cứu ra 1 loại thiết bị kiểm tra phân bón, giá bán thiết bị này khoảng 100.000-1000.000 đồng/cái. Như vậy mỗi hộ gia đình có thể trang bị 1 máy, mỗi lần đi mua phân thì cho phân vào kiểm tra xem có đủ chất lượng như đăng ký không. Đơn giản như vậy mà ông Nhà nước không nghĩ ra, trả tiền đi nuôi đội ngũ quản lý thị trường phát sinh nhiều tiêu cực.