Chàng nông dân điều khiển điện bằng một cú a lô

Nguyễn Thái Toản – thanh niên trồng xoài ở xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) đã sáng chế bộ tắt – mở nguồn điện ba pha chỉ bằng… một cuộc gọi.

Sáng kiến này xuất phát từ thực tế công việc của Toản phải mất nhiều công sức và thời gian do chạy đi chạy lại để đóng tắt cầu dao điện tưới tiêu cho vườn nhà.

Điều khiển điện tự động
Nguyễn Thái Toản với “hộp đóng – cắt nguồn từ xa bằng sóng điện thoại” của mình.

Vườn xoài của Toản rộng gần 5 ha nên mỗi lần nối thêm ống tưới là phải đi xa hàng trăm mét hoặc nhờ người đứng “canh” để ngắt cầu dao máy bơm.

Ý tưởng từ đồ chơi

Toản kể mỗi lần nối như vậy phải bỏ ống cho nước chảy không rồi chạy về nơi đặt máy để ngắt cầu dao điện. Suốt nhiều mùa xoài, Toản luôn ấp ủ một ngày nào đó sẽ sáng chế được thiết bị mà “chỉ cần ở một chỗ nhấn nút là điện có thể đóng – mở mà chẳng cần chạy đi chạy lại mệt nhọc”.

Dù mới học đến lớp 6 đã phải nghỉ vì gia đình khó khăn nhưng Toản rất mê đồ công nghệ, từng ao ước trở thành kỹ sư điện. Đó có lẽ cũng là lý do khiến Toản mày mò suốt hai năm để “sáng chế” bộ đóng cắt điện bằng sóng điện thoại.

Chuyện bắt đầu bằng một sự tình cờ. Một hôm, em trai của Toản đã chán ô tô đồ chơi có điều khiển từ xa, Toản “mổ tung” chiếc xe rồi ngồi mày mò và tập trung vào hai thiết bị là bộ điều khiển từ xa và hộp số. Toản rút ra được nguyên lý: chiếc xe được điều khiển từ xa bằng sóng radio, đem ghép hai thứ này vào sát cầu dao điện một pha (loại nhỏ) rồi cầm điều khiển chạy lùi ra xa và nhấn nút thì cầu dao đóng – mở khá hoàn hảo, ý tưởng đã có thành công bước đầu.

Đến bộ tắt nguồn

Việc ứng dụng thiết bị của ôtô đồ chơi để đưa vào sử dụng đóng ngắt điện là thành công bước đầu của Toản. Thế nhưng vì thiết bị hoạt động bằng sóng radio nên phạm vi điều khiển được rất ngắn và sóng hay chập chờn, việc đóng ngắt cũng rất thất thường và chỉ đóng được nguồn điện một pha, trong khi các loại máy bơm hầu hết đều sử dụng cầu dao lớn chạy điện ba pha.

Dựa trên nguyên lý sử dụng sóng để tạo ra nguồn điện trong bộ máy ô tô đồ chơi, Toản đã “nâng cấp” , không sử dụng sóng radio nữa mà sử dụng sóng điện thoại.

Từ những nghiên cứu khá kỳ công, năm 2011 Toản “đặt hàng” một người bạn thiết kế giúp một thiết bị nhận tín hiệu điện thoại (thiết bị hoạt động giống như thiết bị nhận tín hiệu ô tô đồ chơi).

Bộ điều khiển từ xa gồm có các bộ phận: một chiếc điện thoại di động, một bộ cảm biến nhận tín hiệu từ điện thoại, một bộ “hộp số” có thể quay và tạo ra lực đẩy để đóng – cắt nguồn và một hộp cầu dao an toàn (có chức năng phòng chập cháy).

Toản phân tích: khi cuộc gọi được thực hiện đến, chiếc điện thoại hoạt động và đèn báo có cuộc gọi phát sáng, bộ phận cảm biến sẽ hoạt động khi nhận được ánh sáng từ điện thoại để tạo ra một dòng điện nhỏ đẩy cần quay ở hộp số (bình thường bộ cảm biến đã được nối điện ở chế độ chờ).

Khi cần đẩy ở hộp số quay tới vị trí giáp nhau giữa hai đầu mạch điện sẽ ép sát hai mạch điện này lại với nhau. Từ đây dòng điện sẽ được nối mạch, máy bơm sẽ hoạt động.

Toản giải thích thêm: khi muốn cắt nguồn điện thì cũng thực hiện cuộc gọi kế tiếp, bộ cảm biến nhận tín hiệu từ điện thoại được lập trình sẵn cứ một cuộc gọi thì đóng – cuộc gọi kế tiếp thì tắt. Để đề phòng nguy cơ chập cháy, Toản đã gắn thêm một hộp cầu dao an toàn, thiết bị này sẽ tự động ngắt toàn bộ nguồn điện khi mạch điện chập chờn, hoạt động không ổn định.

Từ khi “sáng chế” thành công bộ đóng – cắt nguồn này, Toản đã tự tưới vườn xoài một mình mà không cần ai trợ giúp. Nhiều người biết chuyện tìm đến hỏi chỗ mua, Toản chỉ cười. Anh cho biết trước mắt sẽ nghiên cứu thêm để làm sao “tinh gọn” lại bộ điều khiển này và hạ giá thành tới mức thấp nhất, từ đây có thể sẽ bắt đầu một ý định mới.

Huyện sẽ hỗ trợ kinh phí

Khi biết chuyện chàng trai trồng xoài “sáng chế” bộ đóng – cắt nguồn bằng sóng điện thoại, ông Hoàng Công Thắng – chủ tịch UBND huyện Đắk Mil – đích thân đến tận nơi để tìm hiểu. Sau khi xem qua, ông chủ tịch huyện vỗ vai Toản: “Chú thấy cái này hay, nhưng cháu phải làm gọn nó lại cho bắt mắt và rẻ hơn một chút”.

Ông Thắng cũng chia sẻ: “Một thanh niên mới học hết lớp 6 mà làm ra được thiết bị này là điều rất mừng. Tuy nhiên tôi thấy còn rườm rà và tốn kém nên động viên Toản làm thêm. Huyện sẵn sàng hỗ trợ kinh phí nếu Toản có ý định phát triển thêm để đưa ra thị trường”.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải (ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM): Trân trọng sự ham tìm tòi

Việc điều khiển thiết bị qua điện thoại là không mới. Tại Việt Nam ứng dụng này đã được nhiều sinh viên và các bạn trẻ thực hiện tại các trường học. Đối với công trình của Nguyễn Thái Toản, hạn chế lớn nhất là chi phí vẫn còn cao so với tính năng của thiết bị.

Công trình này có một yếu tố mới là Toản đã sử dụng ánh sáng từ điện thoại (khi có cuộc gọi) để tác động một cảm biến quang nhằm đóng mở một cần gạt cầu dao điện thay vì sử dụng việc giao tiếp trực tiếp với điện thoại. Nhưng phương pháp này khá thủ công, thô sơ. Việc sử dụng hiệu ứng ánh sáng của màn hình gây lãng phí điện vì màn hình sáng tiêu tốn nhiều điện năng hơn so với việc giao tiếp trực tiếp với điện thoại.

Tuy nhiên, sự ham tìm tòi và sáng tạo của Toản là điều vô cùng đáng quý và trân trọng. Tôi tin rằng với đam mê sáng tạo bắt nguồn từ cuộc sống đời thường, Toản sẽ gặt hái được nhiều thành công và niềm vui trong cuộc sống. Nếu cần trao đổi thêm để cải tiến công trình này, Toản có thể liên hệ với tôi.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. k duông

    Mình xin góp ý với bạn Toàn, nếu như bạn dùng ngay nguồn 3.7 vôn của mô tơ rung của điện thoại thì đơn gian hơn nhiều, bạn chỉ mua thêm bộ cầu giao đóng mở bằng rờ le điện ráp thêm bộ kích nữa là tinh gọn và đơn giản đi rất nhiều, giá thành rất rẻ. Tôi là dân điện tử nên góp ý cho bạn chút kinh nghiệm thôi.

  2. Tran Van

    Gởi A Toản. Thị trường hiện nay có board thu phát song rf để tắt mở thiết bị điện từ xa, có thể lên đến vài trăm mét, cộng với khởi động từ 3 pha là hệ thống hoạt động ổn định, đơn giản rồi, xin góp ý môt chút

Tin đã đăng