Việc cà phê rớt giá thảm hại, có nơi xuống đến 5.200 đồng/kg, đã khiến nhiều nông dân hoang mang: chặt hay để? Để thì bằng cách nào? Sau đây là ý kiến của một số người trong cuộc.
Nhất định không chặt
Quan điểm của chúng tôi trước sau như một là không chặt cà phê vì trồng cà phê cũng như nuôi trồng các loại cây con khác, cũng có lúc gặp thiên tai bão lụt, thất bát. Giải pháp của chúng tôi đưa ra lúc này là trồng xen các loại cây ngắn ngày, dài ngày (đậu, chuối, sầu riêng, ca cao…) hoặc chăn nuôi lợn gà trên đất cà phê để tăng thu nhập đồng thời thay các giống chất lượng, năng suất kém bằng các giống tốt hơn.
Nhà nước cũng cần hỗ trợ chúng tôi trong lúc khó khăn. Tại sao khi giá cà phê xuất khẩu cao thì Nhà nước tiến hành phụ thu nhưng khi xuống thấp thì không thấy được “phụ chi”? Tại sao không có giá sàn cho thu mua cà phê như thu mua gạo?
_Ông Sầm Hồng Sinh, chủ trang trại
Có thể phát hành “chứng từ có giá”
Có ý kiến cho rằng cần chuyển đổi khoảng 200.000 ha cà phê sang các loại cây con khác, nhưng điều này không đơn giản chút nào vì liên quan đến nhiều vấn đề. Tôi cho rằng nếu năng suất và chất lượng cao giá thành hợp lý thì cũng có thể cạnh tranh giành thị phần. Tuy nhiên cần thay đổi giống tốt, áp dụng các biện pháp canh tác tiến bộ, phát triển diện tích cà phê, chè trồng xen với các cây, con khác.
Hiện Nhà nươc hỗ trợ bằng biện pháp mua tạm trữ nhưng đó vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Chúng tôi đang đề nghị Chính phủ xây dựng mô hình “kho tồn trữ cà phê” hoạt động như một công ty, trong đó bao gồm cả hệ thống xilô, sấy, đóng gói… Khi giá cà phê xuống thấp mà nông dân và các chủ trang trại cần tiền thì mang cà phê đến công ty này gửi. Công ty sẽ cấp giấy “chứng từ có giá” cho nông dân và họ có thể mang giấy này bán cho người khác, thế chấp vay vốn ngân hàng mua phân bón, đầu tư mới. Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần lưu kho.
_ Ông Phạm Chánh Trực,Phó ban Kinh tế TƯ
Sao vội chặt cây?
Cần phải thấy rằng cà phê Viêt Nam có 2 lợi thế cạnh tranh rất lớn mà ít nước nào có được. Thứ nhất là thời tiết, khí hậu, độ cao… rất thích hợp. Chất lượng và hương vị cà phê hơn hẳn nhiều nước trong khu vực, vào loại ngon nhất trên thế giới. Năng suất cà phê Việt Nam cũng vào loại cao trên thế giới. Với các điều kiện này, không lẽ chúng ta chấp nhận đầu hàng? Theo tôi, nên chấp nhận thua lỗ một vài năm để lấy hiệu quả lâu dài. Thêm nữa, cây cà phê là cây công nghiệp dài ngày, trồng 1 năm cho thu hoạch 20-30 năm. Vậy có nên thua lỗ một vài năm đã tính chuyện chặt bỏ?
Bà Hoàng Anh, ủy viên Hội đồng Quản trị Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam
Nên trồng xen các loại cây khác
Phần lớn diện tích cà phê được bà con trồng bằng hạt tự chọn, đến nay đã bộc lộ nhiều nhược điểm: vườn cây không đồng đều, cỡ hạt nhỏ tỷ lệ nhiễm bệnh cao. Cần thay thế chúng bằng những cây năng suất cao, quả to, ít sâu bệnh bằng cách ghép cải tạo năng suất. Cần đa dạng hóa sản phẩm trong vườn cà phê bằng cách trồng xen các loại cây khác. Công ty Đoàn Kết tại Đăk Lăk đã trồng xen cấy quế vào vườn cà phê từ những năm 1989, 1990 với quy mô hàng trăm ha. Kết quả cho thấy năng suất bình quân của cà phê trong nhiều năm vẫn đạt 4 tấn/ha và giá trị sản phẩm cây quế trong chu kỳ 10-12 năm có thể lên đến 100-120 triệu đồng/ha
Ông Lê Ngọc Báu, Viện phó Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên