Không biết tình cờ hay cố ý, quyết định tích cực của hội nghị thượng đỉnh châu Âu đối với việc giải quyết khủng hoảng nợ tại eurozone xảy ra ngay ngày cuối tháng và cuối quí. Đây cũng là lúc để các quỹ đầu cơ và hãng kinh doanh lớn trên thị trường cân đối vốn liếng các món đầu tư của mình. Giá kỳ hạn cà phê trong thời gian qua bị o ép quá nhiều, hôm nay như mở cờ. Được dịp, giá cà phê nội địa tăng lập kỷ lục mới.
“Trời đãi kẻ khù khờ”
Chắc đối với người trong nghề cà phê, sáu tháng đầu năm 2012 qua nhanh với nhiều lo toan, vui buồn.
Khủng hoảng nợ châu Âu lây lất từ cuối năm 2009 đến nay. Tình hình kinh tế thế giới ngày càng rối rắm và tồi tệ đã buộc các ngân hàng lớn châu Âu không còn rộng rãi cung cấp tín dụng kinh doanh hàng hóa như trước, trong đó có cà phê. Chính sách thắt chặt tín dụng của các ngân hàng trong nước đối với nhiều nhà xuất khẩu cà phê lại càng tạo thêm chật vật cho công tác kinh doanh mặt hàng này.
Tình trạng đầu cơ khuynh loát các thị trường hàng hóa đã gây không ít bất bình cho nhiều nhà rang xay, chế biến các mặt hàng lương thực thực phẩm trong đó có thức uống cà phê.
Trong suốt cả thời kỳ ấy, nhiều nhà đầu cơ và kinh doanh đành phải co cụm, rút vốn về, tìm chỗ trú ẩn khác. Hệ lụy là giá cà phê nói chung giảm mạnh, đặc biệt là giá cà phê arabica trên sàn giao dịch Ice New York. Giá arabica Ice tính đến hết ngày 12-6 giảm 31,6% (xin xem biểu đồ phía trên). Như vậy, cà phê là mặt hàng “chịu đòn” nhiều nhất.
Thực vậy, theo Barclays Capital, tính đến hết tháng 5-2012, các quỹ đầu cơ tiếp tục thoái vốn khỏi các thị trường hàng hóa. Chỉ riêng thị trường nông sản, họ đã rút bớt 9 tỉ đô la Mỹ so với tháng 4-2012! (Xin xem biểu đồ 2 phía trên).
Thông tin từ cuộc họp thượng đỉnh EU diễn ra 2 ngày đến hết ngày hôm qua tại Paris (Pháp) đem lại kết quả tốt đẹp. Nữ thủ tướng Đức đã tán thành vai trò của Ngân hàng Trung Ương Châu Âu và bộ phận cứu trợ tài chính của nó: cứ ngân hàng nước nào cần giúp, các cơ quan này có quyền tài trợ với những điều kiện khá cởi mở.
Đồng euro tăng giá mạnh so với đồng đô la Mỹ. Chỉ số USDX khi đang viết bài này chỉ còn 81,75 điểm, giảm 1,25 điểm so với đóng cửa hôm trước 83,01 điểm.
Thế là các thị trường tài chính và hàng hóa thở phào nhẹ nhõm. Giá các thị trường hàng hóa vọt lên mạnh. Giá cà phê trước đây bị lấn lướt bao nhiêu, nay phóng lên bấy nhiêu. Giá cả trên 2 thị trường arabica New York và robusta London đều cùng tăng mạnh như được thả trói.
Kết quả phiên họp thượng đỉnh EU ra đúng ngày cuối tháng và cuối quí 2 của năm 2012. Đây cũng chính là dịp để cho các quỹ đầu cơ và các hãng kinh doanh chỉnh sổ, cân bằng vốn sử dụng cho các mặt hàng ở những thời điểm chuyển tháng và quí như thế này. Thị trường cà phê, từ nhiều tháng nay bị ép uổng, nay đáng được đền bù…Đúng là “trời đãi kẻ khù khờ”.
Giá cà phê tăng đùng đùng vui như pháo Tết
Ít ai ngờ ngày giao dịch cuối tháng 6 và ngày cuối quí 2 tưng bừng đến vậy. Giá robusta London sau khi giảm đã bùng lên dữ dội. Giá kỳ hạn cơ sở tháng 9-2012 có lúc dương gần 60 đô la tại robusta London và tăng 6,50 cts/lb (tức 143 đô la/tấn) trên arabica New York (xin xem biểu đồ 3 phía trên).
Riêng trên thị trường robusta London, nếu như giá đóng cửa ngày 2-1 ở mức 1.810 đô la/tấn thì khuya hôm qua ở mức 2.134, cao hơn 324 đô la/tấn. So với giá đóng cửa tuần trước, mức này cũng cao hơn 102 đô la/tấn.
Trong thời gian 6 tháng đầu năm nay, giá robusta London có lúc chìm sâu xuống mức 1.713 đô la (vào ngày 9-1) thì đã tăng lên mức cao nhất 2.267 đô la (vào ngày 28-5), tức mức cách biệt giữa mức thấp và mức cao là 554 đô la. Giá bình quân 6 tháng của sàn này quanh mức 2.010 đô la/tấn.
Tại thị trường nội địa, sáng hôm nay, giá cà phê nhân xô đã vượt kỷ lục mới trong niên vụ này với tới mức 44.000 triệu đồng/tấn hay cao hơn.
Tuy còn khá dài giá cà phê nội địa mới chạm mức 52.000 đồng/kg, kỷ lục của các kỷ lục lập được trong niên vụ cũ. Nhưng, nhiều người đều công nhận rằng giá bán bình quân của niên vụ này sẽ cao hơn so với niên vụ cũ với mức ổn định khá cao.
Trong khi đó, thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước rằng trong 6 tháng đầu năm, nước ta có thể xuất khẩu chừng 1,1 triệu tấn cà phê nhân và thu về 2,3 tỉ đô la Mỹ. Giá xuất khẩu bình quân ở mức 2.090 đô la/tấn. Như vậy, bình quân giá xuất khẩu FOB của ta đã cao hơn 80 đô la/tấn so với bình quân giá sàn kỳ hạn robusta London.
Rõ ràng là một kỳ tích! Nếu như trong số 1,1 triệu tấn xuất khẩu, các công ty liên doanh có vốn nước ngoài FDI chiếm phần nhiều, thì cũng nên ghi nhận trong thời buổi khó khăn chung như thế này, đóng góp của họ quả không phải là món quà mọn.
Đồng thời, ít vốn, chọn khách hàng mua bán và hợp đồng kỹ càng, các nhà xuất khẩu của ta vẫn âm thầm kiên trì bám trụ. Song, vai trò chính “bữa tiệc” này chính là nông dân. Rủi ro lớn, giá dao động nhiều, sản lượng lớn, chính phương thức bán của nông dân đã giữ được giá nhưng lượng hàng đi vẫn bảo đảm không tạo sức ép bán ra gây giá thấp.
Những đóng góp của tất cả những người trong ngành cà phê đã làm nên một thị trường cà phê nội địa và xuất khẩu lành mạnh hơn nhiều so với vài ba năm trước đây. Mong “bữa tiệc” vui sẽ giữ được lâu dài.
Bà con đã kiên nhẫn, chịu mất ăn mất ngủ, nên phải được đền bù xứng đáng. Hiện tại giá trên sàn đang tăng nhẹ, hi vọng tuần này, giá sẽ lên mức 47k, giữa tháng leo lên 50k. Mức giá hợp lý giành cho bà con.
Mọi năm cứ thu hoạch xong là mình bán tống bán tháo. Năm nay thấy các bác đầu cơ ép giá không đủ chi phí làm liều để dành lại ấy vậy mà lại hay. Nay nhà mình mới túc tắc xuất ra chừng được 1/3 sản lượng vụ rồi chờ giá cao hớn 45 thì bùng để mua con xe cho cháu nó đi học. Còn không được như kỳ vọng thì mình lại cứ tiếp tục chở cháu đi học hơi mất công một tý mà vẫn bình ổn được giá cả chẳng lo họ o ép nữa. Mong sao bà con nông dân cứ tiếp tục giữ nhịp bán ra cầm chừng thì giá mới ổn định còn đua nhau bán ra tất nhiên tư thương sẽ được đà ép giá là cái chắc. Mấy năm xưa cứ thi nhau bán họ mua thấp gom sạch hàng rồi từ từ nâng giá lên trời thấy mà ham. Năm nay họ buộc phải gió chiều nào thì ngả chiều đó thôi.
Thật mừng cho dân cà phê của ta những người nông dân chân lấm tay bùn đã làm được điều mà họ mong muốn, không còn cảnh bán chạy hay bán non cà phê nữa. Vậy để duy trì được thành công này theo tôi Nhà nước nên xem xét việc cho nông dân vay vốn được dễ dàng hơn thông qua diện tích đất ca phê canh tác được địa phương quản lý (hay thế chấp vay vốn), từ đó sẽ hỗ trợ cho nông dân rất nhiều . Chứ cho các đại lý vay rồi hỗ trợ lãi suất thì họ vẫn cứ ép nông dân và chỉ làm giàu cho các đại lý doanh nghiệp, dân khổ cũng hoàn khổ mà thôi. Xin chúc mừng bà con ta ngày càng giàu hơn !
Tự cứu mình
Làm ra hạt cà phê còn hơn cả một nắng hai sương, ấy thế nhưng có ai thương thật, cứu thật người nông dân khi hoạn nạn đâu. Bà con chúng ta nắm tay nhau cho chặt, bán ra chừng mực để trang trải, đầu tư cho tái sản suất, còn lại phơi khô đạt chuẩn, cất kĩ để tham gia làm chủ thị trường, đó là tự cứ mình và cũng là cứu người.
Nói chung trồng cà phê là rất vất vả, bởi lãi nhuận ít, giá cả phân bón, vật tư phụ thuộc nhà thương nhân; do nhà nước ít quan tâm quản lý, nên thương nhân tha hồ chặt, chém từ mọi phía. Chỉ khi nào người trồng cà phê doàn kết lại để bảo vệ quyền lợi thì mới đỡ thiệt thòi. Xem ban nào có ý tưởng, đề án đột phá làm cứu cánh cho người nông dân trồng cà phê.
Mong lên được 45000 đ/1kg là bán nốt 3 tấn. Tháng 7 này có được như ý không nữa… Đã chờ đến chừng này không bao giờ bán dưới 45000. Có ai nghĩ như tôi không?
Các bác nông dân chú ý giá robusta từ đây đến cuối năm sẽ không tăng lên được 47k-50k đâu nhé. Tranh thủ bán quanh mức 45k là hợp lý. Đây là thời điểm của arabica thôi các bác à, do giá của nó xuống khá thấp.