Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột: Có sân nhưng thiếu cầu thủ!

Mục đích là gia tăng giá trị cho nông dân trồng cà phê Đắk Lắk nhưng từ khi chính thức hoạt động (cuối năm 2008) cho đến nay, trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột hầu như vắng bóng nông dân.

Hiện nay, mỗi ngày trên màn hình điện tử của sàn chỉ khoảng chục lệnh đặt mua của các doanh nghiệp xuất khẩu với khách hàng nước ngoài…

Sàn giao dịch cà phê buôn ma thuột
Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột luôn trong tình trạng vắng hoe, và cổng chính luôn đóng.

Rắc rối luật chơi

Trong vụ mùa cà phê năm 2011 – 2012, ông Nguyễn Văn Sinh, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết: theo thông báo của sở Công thương, lượng hàng giao dịch tại sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột ước chừng 1.000 tấn, chỉ bằng 1/200 sản lượng cà phê của riêng tỉnh Đắk Lắk. Lượng hàng giao dịch trên cũng chỉ bằng sản lượng thu mua của một đại lý.

Theo quy định của sàn, muốn tham gia sàn, hàng hoá phải được các chuyên gia kỹ thuật của chi nhánh công ty giám định hàng hoá nông sản xuất khẩu tại Đắk Lắk (viết tắt là Café Control) thực hiện việc kiểm định chất lượng, phẩm cấp, chủng loại càphê, sau đó cấp chứng thư hàng gửi kho. Nếu chốt được giá, chủ hàng mới xuất lệnh giao dịch.

Nông dân vốn chỉ quen với cách mua bán “xem hàng, chốt giá ngay tại chỗ”, và họ không chỉ thiếu hiểu biết về kỹ thuật giao dịch qua mạng. Trong trường hợp muốn bán hàng qua sàn, nông dân phải chở cà phê về sàn, tiếp tới phải qua các khâu kỹ thuật bắt buộc, rồi chờ có khách hàng mua mới chốt giá bán… Nhiều nông dân tại thị xã Buôn Hồ, vựa cà phê lớn của Đắk Lắk cho biết, có nghe nói đến cách mua bán qua sàn nhưng qua tính toán, chỉ riêng tiền chở cà phê từ Buôn Hồ về Buôn Ma Thuột đã tốn khoảng 120.000đ/tấn, lại thêm chi phí ăn ở trong thời gian chờ chốt giá. “Chúng tôi có biết gì đâu mà đặt lệnh, chốt giá bán. Có cao hơn vài ba giá nhưng phức tạp nên không tham gia. Nếu cần tiền, cứ kêu đại lý là xong. Cân xong lấy tiền”, ông Trần Đức Thiện ở thị xã Buôn Hồ nói.

Giải pháp nào cho sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột? ]

Vừa làm vừa học

Mục đích của trung tâm là giúp nông dân bán hàng được giá tốt nhất, tránh rủi ro khi bán hàng. Nhưng ông Võ Thanh Châu, phó giám đốc trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột thừa nhận: “Trên thực tế, còn nhiều khó khăn, nhất là khả năng giao dịch của nông dân”. Cũng theo lời ông Châu, cách thức mua bán mặt hàng cà phê trên sàn còn quá mới nên cả nhà tổ chức và khách hàng còn gặp nhiều lúng túng, vướng mắc trong giao dịch. “Hoạt động đã bốn năm nhưng hiện nay vẫn vừa làm vừa học vì đây là mô hình giao dịch mới. Cả chúng tôi và khách hàng còn thiếu kiến thức về sàn giao dịch nông sản”, ông Châu thừa nhận.

“Trung tâm nên tổ chức những điểm đấu giá tại các vùng nguyên liệu lớn như Krông Năng, EaH’Leo, Buôn Hồ… Hàng hoá mua được tại những điểm này sẽ do người mua tự xử lý. Ngoài ra, nên có những chợ đấu giá nông sản theo hình thức đấu giá trực tiếp như mô hình chợ phiên ngày xưa, doanh nghiệp thu mua sẽ đấu giá trực tiếp hàng hoá của nông dân”, ông Nguyễn Văn Sinh gợi ý.

>> Xem giá cà phê Đắk Lắk cập nhật liên tục

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Ngô Phú Hiển

    Có sân nhưng trọng tài không hiểu luật, không biết gì về luật, không hiểu tí gì về bản chất và ý nghĩa của sàn giao dịch làm sao có thể định ra luật để tổ chức được cuộc chơi?

    1. Bi

      Ông Võ Thanh Châu, PGĐ BEC thừa nhận trên báo “Hoạt động đã bốn năm nhưng hiện nay vẫn vừa làm vừa học vì đây là mô hình giao dịch mới. Cả chúng tôi và khách hàng còn thiếu kiến thức về sàn giao dịch nông sản”. Chính vì vậy nên BEC đã đặt ra luật chơi hổng giống ai như thành viên mua và thành viên bán khác nhau…

  2. hoang thang

    Tôi đã từng ghé vào sàn này và được các nhân viên tư vấn và hướng dẫn về những quyền lợi cuả sàn nhằm giúp nông dân có một kênh bán hàng ưu việt và tránh được nhiều rủi ro. Nhưng các cách tinh cuả sàn làm tôi có cảm giác là chúng tôi “tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa”, miệng thì bảo không thu phí ký gởi nhưng lại thu hàng loạt loại phí phi lý, ví dụ thu phí công cụ dụng cụ là 10.000 đ/tấn/tháng trong khi đã thu phí kiểm định là 158.000 đ/tấn. Ngoài ra còn thu nhiều loại phí khác nữa, chưa nói là phí bốc vác cả 2 đầu lên xuống chúng đều chịu chi trả cộng thêm thuế GTGT chúng tôi đóng nốt mà nông dân thì làm sao hoàn thuế được, dẫn đến không lãi thậm chí còn lỗ hơn cách bán thông thường. Giá bán chỉ chỉ chênh lệch với bên ngoài cao hơn không là bao nếu cà phê loại 3 trên 40% thì cầm chắc lỗ. Nên khi tôi trở ra thấy thất vọng quá, cái cách làm của người Việt không bao giờ khá được, chỉ giỏi úp úp mở mở để lạm thu. Chẳng thà cứ thu một loại phí giá bao nhiêu nông dân dễ tính chứ bảo không thu phí lưu kho nhưng lại thu đủ loại thứ gì đó có tên gọi khác mà nông dân không hiểu.

    1. Hùng cà

      Áng chừng khi cầm được chứng chỉ cà phê để tham gia sàn thì tất cả phí tổn xấp xỉ 500 ngàn/tấn. Khi bán rồi lại còn thêm phí giao dịch, môi giới, lưu kho… nhiều thứ lắm. Mà với nông dân thì đây là điều hoàn toàn không dễ chịu tí nào !

  3. Nguyễn Tri

    Tôi không phải là người sản xuất ra hạt cafe, nhưng hàng tháng tôi giao dịch trên sàn nước ngoài không dưới 50 Tấn. Muốn ủng hộ sàn trong nước, nhưng nghe nói là phải có tối thiểu 5 tấn cafe ký gửi trên sàn thì mới được phép giao dịch, nên tôi không tham gia ủng hộ sàn BMT được.
    Tôi nghĩ nếu sàn BMT không y/c ký gửi như trên thì sẽ có nhiều nhà đầu tư, đầu cơ tham gia hơn. Chính những nhà đầu cơ mới làm cho thị trường sôi động hơn, từ đó sàn BMT sẽ thành công hơn về khối lượng giao dịch và số lượng khách hàng tham gia.
    Một khi đã thành công với cafe, thì có thể giao dịch thêm các mặt hàng nông sản khác như tiêu đen, hạt điều…
    Đặc biệt là tiêu đen, tôi nghĩ Việt Nam nên tranh thủ mở sàn giao dịch tiêu đen (vì nước ta là nước xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới), không để SMX lấy mất thị trường đầy tiềm năng này, lúc này giá tiêu xuất khẩu trên sàn trong nước sẽ làm tham chiếu cho giá tiêu thế giới. Nếu làm được điều này, thì ta sẽ thu được phí môi giới (cũng rất đáng kể), và đặc biệt là nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu sẽ ít bị thiệt thòi hơn hiện nay!

    Trân trọng
    Nguyễn Tri

    1. Hồ Điệp

      Không phải như thế đâu bạn ơi. Cái đó là quy định nhập hàng vào kho để giao dịch giao ngay (hàng thực), trước đây là 05 tấn nay đã thay đổi chỉ còn 01 tấn, tức là muốn giao dịch giao ngay (bán) qua sàn thì cần có tối thiểu 01 tấn cafe trong kho mới được đặt lệnh. Còn giao dịch như bạn nói có thể là giao dịch kỳ hạn thì yêu cầu là ký quỹ giao dịch tương đương 10% trị giá hàng hóa muốn giao dịch.

  4. VNS_BOOKBOOK

    Cám ơn Anh Hoang Thang đã cung cấp một số thông tin. Có Anh Chị nào biết rõ hơn về sàn này thì giải thích thêm cho Tôi cũng như bà con khác hiểu với. Sàn này khác gì so với sàn cà giấy mà mọi người vẫn nói, sàn cà giấy thì ký quỹ tiền và người chơi có quyền mua hoặc bán ở một kỳ hạn nào đó (giống như sàn vàng trước đây thì phải), còn cái sàn ở Buôn Ma Thuột này thực hư là thế nào nhỉ. Xin cám ơn.

    1. Hoang Thang

      Thực sự thì sàn giao dịch là cái chợ buôn bán giữa mọi người với nhau, sàn chỉ làm môi giới giữa người mua và người bán thôi để thu phí dịch vụ như sàn chứng khoán vậy. Nhưng có chức năng ký quỹ và quy chế thành viên nên có thể mua bán khống với nhau nên người ta gọi là mua hàng giấy. Nhưng tại thời điểm hiện tai thì sàn BMT hình như không có chức năng này, có thể do luật pháp cấm hoặc do năng lực của sàn mà không có loại giao dịch này. Nhưng tôi vào tìm hiểu thì ôi thôi nó rối lắm và cái kiểu làm ăn này thì đừng mong có “thuợng đế”.

  5. Ngô Phú Hiển

    Sàn giao dịch cà phê kỳ hạn nói nôm na là nơi để mua đi bán lại các hợp đồng kỳ hạn nhằm mục đích kiếm lời, mà người ta hay gọi là “giấy”, giấy ở đây có nghĩa là những tờ giấy hợp đồng ấy. Nhưng bản chất thật của sàn giao dịch cà phê là công cụ bảo hiểm cho người sản xuất và nhà rang xay, giải thích kỹ ra cũng khá dài dòng, tôi cũng muốn tìm cách diễn đạt sao cho ngắn gọn và dễ hiểu nhưng khó quá, muốn lắm nhưng chẳng nói được, đành chịu!
    Nếu có điều kiện tôi sẽ thảo luận về vấn đề này với mọi người sau.

  6. Trần Vĩnh Bửu

    Tôi có một số giải pháp như sau:
    Nếu đối tượng đầu vào của Sàn BMT là các nông dân trồng cà phê.
    – Đầu tiên BMT phải xem xét lại kênh phân phối: Đại lý, kho bãi…
    Hiện tại, sản lượng cà phê tập trung ở 5 tỉnh Tây Nguyên, nhưng chủ yếu tập trung ở các huyện vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn. Mà nông dân thì rất thụ động và sợ rủi ro. Họ không thể vận chuyển hàng hóa của họ đi hàng trăm km để nhập hàng vô một kho nào đó, trong khi họ chưa biết được cái giá họ bán sẽ là bao nhiêu. Đầu tiên là thấy lỗ trước mắt.
    Muốn giải quyết vấn đề này sàn BMT cần phải có một hệ thông kho bãi gần nơi đầu vào (phát sinh vấn đề là chi phí rất cao nếu sàn BMT tự xây kho bãi khó hay thuê kho bãi). Nhưng nếu sàn BMT chịu hợp tác với các công ty, đại lý đang thực hiện thu mua khá mạnh ở từng vùng thì vấn đề này có thể giải quyết. Nhưng vấn đề của các đại lý là có lợi ích thì họ mới chấp nhận hợp tác. Vì vậy sàn BMT cần xây dựng một phuơng án hợp lý về lợi ích cho các đại lý ở từng vùng. Có lợi ích thì phải có chi phí, như vậy chi phí đó lấy từ đâu? Không thể thu từ nông dân và các đại lý, mà nhất thiết phải lấy từ nơi đầu ra…!
    -Đối tượng đầu ra của sàn BMT là ai, chúng ta phải định hình họ: Là những DN rang xay trong nước (chiếm số ít), những DN nước ngoài muốn thu gom cà phê tại VN, những nhà đầu cơ nhằm kiếm lợi…
    Họ là những đối tượng sẽ sẵn sàng bỏ ra chi phí để giao dịch trên sàn nếu họ thấy việc mua qua sàn đối với họ tiện lợi và nhanh chóng khi họ cần. Còn cách lấy chi phí họ ntn thì tôi không cần trình bày tới. Vấn đề ở đây là các DN FDI thu mua rất mạnh thông qua đại lý mua lại từ nông dân. Điều cần là làm thế nào để họ vừa mua trực tiếp qua sàn vừa có thể giao dịch với đại lý nhưng lại thông qua sàn BMT. Vấn đề này cần có một khung pháp lý và nhiều vấn đề tui không thể viết hết ra đây được…
    Trên đây là những ý kiến góp ý. Chúc cho sàn giao dịch cà phê BMT sắp tới sẽ có bước tiến triển mới!
    Xin chân thành cảm ơn. Trần Vĩnh Bửu.

  7. Ngô Phú Hiển

    Thử tìm hiểu về sàn giao dịch xin được viết tắt là SGD:
    SGD, hình thành để đáp ứng nhu cầu thực tế của cuộc sống, nó bắt nguồn từ xa xưa, khi đất nước Mỹ còn ở buổi sơ khai, từ những nhu cầu về mua bán bò…
    Khi đó ở Mỹ cũng có những buổi chợ phiên, chợ phiên thì lâu lâu mới họp một lần theo định kỳ.
    Đến phiên chợ người có nhu cầu bán bò thì dắt bò lên chợ để bán, người có nhu cầu mua bò thì đem tiền đến chợ để tìm mua…
    Bình thường người mua kẻ bán gặp nhau, ra về đều hỉ hả…
    Nhưng cũng không ít lần người đem bò đi bán không bán được bò, phải dắt bò về, ôi mệt làm sao!
    Người mua bò cũng không tìm được con bò ưng ý, đành ôm tiền về, ôi bực làm sao!
    Vậy các bạn thử nghĩ xem, họ tìm ra giải pháp gì để công việc mua bán bò được thuận lợi?

Tin đã đăng