Tái canh cây cà phê ở Hướng Hóa

Cây cà phê được xem là một trong những cây trồng chủ lực ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), với diện tích trên 4.700 ha, chủ yếu là giống cà phê cartimor, trong đó hơn 4.000 ha đã cho thu hoạch, bình quân mỗi năm toàn huyện đạt sản lượng trên 50.000 tấn quả tươi. Cây cà phê không chỉ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo mà thực tế đã đưa nhiều hộ gia đình, trong đó có không ít gia đình đồng bào dân tộc ít người vươn lên trở thành giàu có.

Nhiều vườn cà phê cartimor ở Hướng Phùng đã già cỗi cần được đầu tư tái canh.

Nhưng hiện nay trên hai phần ba diện tích cà phê ở Hướng Hóa đã già cỗi, thoái hóa, năng suất thấp, bệnh chết rục phổ biến. Tại xã Hướng Phùng, nơi được xem là thủ phủ của cây cà phê Hướng Hóa, trong số gần 1.600 ha thì có đến hơn 700 ha cây có tuổi thọ từ 10 năm trở lên, có những vườn cây đã trên 15 tuổi nhưng vẫn tồn tại.

Vùng sân bay Tà Cơn, thị trấn Khe Sanh, Hướng Tân, Hướng Linh diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ rất cao, không dưới 50%. Kết quả nghiên cứu của các nhà chuyên môn cho thấy, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng vườn cà phê già cỗi là: trồng trên đất không phù hợp, giống cây trồng và đầu tư không đảm bảo quy trình, quy định. Thực tế, có đến 50% số hộ hoàn toàn không bón phân hữu cơ, phân vi sinh mà chỉ tập trung bón phân hóa học, mà tỷ lệ phân vô cơ còn cao hơn so với quy trình khuyến cáo từ 10-23%, việc sử dụng thuốc trừ sâu cũng hết sức tùy tiện. Do đó, các nhà chuyên môn nhận định, nếu không “tái canh” thì chỉ 5-10 năm nữa, cây cà phê ở Hướng Hóa sẽ rơi vào thảm họa khó cứu vãn!

Thực tế đã cho thấy, tình trạng già cỗi đã tác động rất lớn đến năng suất và sản lượng của cà phê. Trên cùng diện tích, cùng điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng nhưng cây cà phê dưới 10 tuổi cho năng suất bình quân 12 đến 15 tấn quả tươi/ha, trong khi đó trên độ tuổi ấy năng suất đã giảm hơn 1/3, chỉ còn 7 đến 8 tấn, cây càng già năng suất càng giảm.

Để giúp người trồng cà phê cải tạo chất lượng vườn cây, ổn định năng suất và sản lượng, ba năm qua, huyện Hướng Hóa đã triển khai chương trình tái canh cây cà phê trên địa bàn theo kiểu cuốn chiếu, vùng canh tác nào, hộ nông dân nào có diện tích già cỗi nhiều được ưu tiên tái canh trước. Vấn đề được quan tâm hàng đầu là phải thay đổi giống khi thực hiện tái canh.

Thông qua Viện Khoa học nông – lâm nghiệp Tây Nguyên, huyện đã lựa chọn được một số giống cà phê mới rất hiệu quả để nông dân thay thế. Dù chỉ hỗ trợ 50% tiền giống, mà mỗi năm huyện cũng phải bỏ ra gần 1 tỷ đồng để người dân tái canh lại cây cà phê, nhờ đó sau ba năm toàn huyện đã có hơn 600 ha cà phê trên địa bàn được trồng mới, chủ yếu là giống Catimor được xác nhận từ các trung tâm giống có chất lượng ở Tây Nguyên cung cấp.

Diện tích cà phê già cỗi của Hướng Hóa là khá lớn. Theo số liệu thống kê của Phòng nông nghiệp huyện, ít nhất cũng có 3.000 ha cà phê đã bước qua 10 năm tuổi, trong đó có nhiều vườn cây phải nhanh chóng được tái canh nếu không sẽ chết già chứ chưa nói giảm năng suất và sản lượng.

Để đẩy nhanh tốc độ tái canh cây cà phê so với hiện nay sẽ rất khó nếu chỉ để huyện Hướng Hóa và người trồng cà phê đơn độc “vượt cạn”. Nên chăng, Quảng Trị cần có sự hỗ trợ bằng những chính sách đặc thù như đã hỗ trợ người trồng cao su trước đây để tiếp thêm nguồn lực cho người trồng cà phê vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Mặt khác cần phải có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực hợp tác với người dân theo hướng thành lập các công ty cổ phần trồng và chế biến cà phê để cà phê Hướng Hóa ngày càng khẳng định được thương hiệu, không chết già, phát triển manh mún và tồn tại theo kiểu mạnh ai nấy làm như hiện nay.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cafe con

    Cà phê Arabica của Hướng Hóa là ngon lắm đó. Tiếc là ở ngoài này chưa có thương hiệu cà phê nào nổi tiếng để góp phần làm vang danh cà phê Hướng Hóa.

Tin đã đăng