Chủ yếu dựa vào xuất khẩu, ngành cà phê trong năm qua có những bước tiến khả quan cả về chất và lượng. Nhưng liệu tình trạng đó có ổn định? Làm sao đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng là trăn trở của không ít nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tiến trình hướng ra thế giới.
Giá tăng vẫn khó yên tâm
Cà phê trong những năm gần đây được coi như một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với sản lượng luôn đạt mức trên 1 triệu tấn/ năm và kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỉ USD. Hiện nay, Việt Nam đã vươn lên xếp hàng thứ hai trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê, đồng thời đứng đầu về sản lượng cà phê vối (Robusta).
Trong 6 tháng đầu năm nay, giá cà phê robusta thế giới luôn giữ được đà tăng trưởng ổn định. Do giá thành cạnh tranh hơn so với cà phê chè (arabica) nên dù hương vị không nổi bật bằng, nhu cầu cà phê robusta vẫn tăng cao, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, theo ông Lương Văn Tự, chủ tịch Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa), bên cạnh dấu hiệu đáng mừng này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngành cà phê. Ông cho hay: 98% lượng cà phê xuất khẩu đều dưới dạng nguyên liệu thô với các tiêu chuẩn vào loại trung bình trong các thang tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu thế giới nên giá thành chưa cao. Ngoài ra, cà phê Việt Nam còn chịu ảnh hưởng lớn của thị trường quốc tế. Giá bấp bênh, yêu cầu ngày một cao của thị trường nước ngoài đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê phải có khả năng tạm trữ để xuất vào thời điểm hợp lý, điều tiết tốt hơn thị trường đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê nhằm thu được lợi nhuận cao nhất.
Trong nỗ lực nâng cao chất lượng ấy, công tác khử trùng và bảo quản cà phê phục vụ cho xuất khẩu được coi là bước cuối bảo hiểm cho cà phê Việt. Hãy tưởng tượng một lô hàng xuất đi vẫn côn trùng sống hoặc bị ẩm mốc. Thật không dễ chịu chút nào ngay cả với người bán, người mua mà đặc biệt là với người tiêu dùng.
Giải pháp Việt, chất lượng quốc tế cho cà phê Việt
Vậy đâu là lối ra cho cà phê nguyên liệu chất lượng cao?
Ngày 14 tháng 6 vừa qua, một hội nghị về cà phê do công ty khử trùng Việt Nam VFC cùng hai đối tác quốc tế là Excel, công ty cung cấp thuốc khử trùng Ấn Độ và Sud Chemie, công ty cung cấp chất chống ẩm của Thụy Sĩ, đã được tổ chức lần đầu tiên tại Phan Thiết.
Trong hội nghị này, những giải pháp mới nhất với công nghệ tiên tiến cho sản phẩm cà phê đã được công bố như Celphos, thuốc khử trùng cà phê không chứa Amoniac – một thành phần trong sản phẩm cũ có khả năng ảnh hưởng đến hương vị của cà phê; phương pháp khử trùng tiêu diệt toàn bộ các giai đoạn phát triển của côn trùng kể cả giai đoạn trứng của VFC cũng như các sản phẩm chống ẩm mới cho cà phê xuất khẩu. Các sản phẩm và dịch vụ được giới thiệu lần này đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ các các doanh nghiệp cà phê.
Ông Nguyễn Ngọc Thụ, trưởng đại diện công ty ICONA tại Việt Nam, nhà nhập khẩu cà phê lớn nhất Tây Ban Nha sau khi tham dự hội nghị cho hay “Tôi rất hoan nghênh những giải pháp mới này. Là đối tác lâu năm của VFC, công ty chúng tôi luôn tin tưởng giao phó công đoạn cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng trong qui trình sản xuất và xuất khẩu của chúng tôi đó là khử trùng và bảo quản hàng hoá để đảm bảo chất lượng cho cà phê. Chúng tôi luôn tâm niệm: chỉ khi cà phê được bảo quản tốt nhất thì doanh nghiệp cà phê mới duy trì được vị thế xuất khẩu cả về chất và lượng.”
Thiết nghĩ uy tín và chất lượng sản phẩm cũng là mục tiêu chung, nỗ lực chung cho câu chuyện doanh nghiệp thời hội nhập.