Thị trường cà phê đã được thông mạch?

Thị trường cà phê robusta nội địa trong tuần chộn rộn với mức 42.000 đồng/kg, đến sáng nay cận mức 42.500 đồng/kg, là mức cao nhất từ đầu niên vụ đến nay. Giá xuất khẩu trên cơ sở chênh lệch trừ lùi liên tục được giữ vững đã buộc các nước tiêu thụ sử dụng tối đa hàng tồn kho tại chỗ.

Giá kỳ hạn tháng 7 lại bị “vắt” cao hơn tháng 9 và 11-2012 trông thấy rõ. Đây chính là yếu tố kích hàng xuất tàu đi châu Âu nhiều hơn.

Mối lo tồn kho giảm

Tồn kho ECS đến hết 31-3-2012
Biểu đồ 1: Tồn kho ECS đến hết 31-3-2012

Từ ngày 1-10-2011, tức ngày bắt đầu niên vụ 2011-12 đến nay, rất nhiều lần, thị trường cà phê đưa người trong cuộc và nhiều nhà phân tích đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Điều lạ đầu tiên là thị trường xuất khẩu từ Việt Nam hết sức vững chãi. Trừ một giai đoạn ngắn ngủi đầu vụ, giá xuất khẩu dựa trên giá chênh lệch (trừ lùi) chỉ chao xuống nhẹ, trừ 70-80 đô la/tấn. Nhưng rất nhanh sau đó, mức này càng lúc càng vững một cách bền bỉ.

Cho đến gần đây, mức giá xuất khẩu của loại 2, 5% đen vỡ vẫn ở quanh trừ 30, 40 đô la/tấn FOB dưới giá kỳ hạn robusta Liffe NYSE. Thực vậy, mức này đã vô hiệu hóa các kỳ vọng giá thấp của nhiều người mua, đồng thời xua tan những trông chờ giá rẻ đối với ai muốn gom hàng để đưa lên sàn kỳ hạn.

Phải công nhận rằng từ đầu vụ đến nay, thị trường chưa chứng kiến được đợt nào chịu sức ép bán ra từ phía người có hàng, ngay cả thời gian trước Tết cổ truyền của nước ta, khi mà nông dân đang cần tiền chi tiêu sắm Tết như thường xảy ra trong những năm 2011 trở về trước.

Những ước báo sản lượng và xuất khẩu cuối cùng được chỉnh tăng, như vừa qua ngành nông nghiệp ước trong năm 2012, nước ta có thể xuất khẩu chừng 1,25 triệu tấn. Nhưng, không vì thế mà thị trường nao núng và phản ứng xấu. Ngược lại, giá nội địa được giữ vững và tăng, giá xuất khẩu vẫn tốt và giá niêm yết trên sàn giao dịch vẫn không suy giảm.

Mặt khác, đối với cả bên xuất khẩu lẫn nhập khẩu, các chi phí đều tăng như cước tàu, chi phí tài chính, lãi suất ngân hàng…đều cao, nhưng tất cả đều không ảnh hưởng mấy đến mức giá xuất khẩu FOB từ Việt Nam.

Sau nhiều ngày trông đợi giá xuất khẩu xuống rẻ hơn một cách bất thành, lượng tồn kho tại các nước tiêu thụ trong thời gian qua mỗi lúc một teo dần. Báo cáo mới nhất của Liên đoàn cà phê châu Âu cho rằng lượng tồn kho cà phê tại châu Âu (European Coffee Stocks) tính đến hết tháng 3-2012 đang ở mức thấp kỷ lục, chỉ còn 9.391.275 bao tức 563.477 tấn (xin xem biểu đồ 1 phía trên).

Trong khi đó, tồn kho tại Mỹ, nước tiêu thụ cà phê số 1 thế giới tuy đến hết tháng 4-2012 có nhích lên đôi chút nhưng vẫn ở mức thấp là 4.521.337 bao tức 271.280 tấn.

Tồn kho cuối kỳ “certs” Liffe NYSE
Biều đồ 2: Tồn kho cuối kỳ “certs” Liffe NYSE

Đồng thời, tồn kho robusta đã được Liffe NYSE cấp giấy chứng nhận chất lượng (certs) cũng liên tục giảm. Tính đến hết ngày 15-5, lượng này cũng giảm nhẹ chỉ còn 171.380 tấn, giảm 1.150 tấn so với báo cáo trước nhưng giảm rất mạnh so với đỉnh là gần 420.000 tấn vào đầu tháng 7 năm ngoái sau khi thị trường có đợt “vắt giá”.

Giá bung để thông mạch thị trường

Đã quá nửa niên vụ, mặc cho giá niêm yết của sàn kỳ hạn robusta tăng hay giảm, giá xuất khẩu dựa trên mức chênh lệch (differentials) hay thường được gọi là trừ lùi cứ đeo bám chặt với giá đóng cửa chủ yếu quanh mức trừ 30 đô la/tấn FOB dưới giá kỳ hạn. Trong trường hợp giá niêm yết xuống quá thấp, người bán hàng nội địa vẫn quyết giữ mức giá mua bán ngay theo mức cao nên làm giá xuất khẩu càng mắc hơn.

Giá đóng cửa robusta NYSE Liffe trong tuần
Biểu đồ 3: Giá đóng cửa robusta NYSE Liffe trong tuần

Sau nhiều lần thử sức, thị trường từ hai tuần qua đã nhường chân. Giá niêm yết và giá nội địa buộc phải tăng như để tưởng thưởng tính bền bĩ của người còn hàng.

Giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE hôm qua cơ sở tháng 7-2012 tăng lên mức 2.217 đô la/tấn, tức kiếm được gần 100 đô la trong tuần và tăng trên 200 đô la/tấn qua hai tuần vừa rồi (xin xem biểu đồ 3 phía trên).

Do lượng tồn kho khắp nơi giảm đều, thị trường đã tỏ ra lo lắng. Hiện tượng “vắt giá” lại xảy ra và càng lộ rõ. Giá niêm yết tháng 7-2012 hiện nay đang cao hơn giá tháng 9 đến 30 đô la và giá tháng 11 đến 40 đô la/tấn.

Giá tăng, lợi nhiều phía. Người còn hàng phấn khởi bán ra. Nhà nhập khẩu nào có ý đồ ghim hàng đã mua nay đều mau mau đưa về tụ hội tại các kho cảng châu Âu để có cơ may bán ngay với giá cao hơn các tháng sau.

Giá nội địa đến sáng hôm nay thứ Bảy 19-5 cũng tăng thêm 1.500 đồng/kg đạt mức 42.500 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Giá tăng – cơ hội giãn giá xuất khẩu và giao hàng ngay

Giá sàn kỳ hạn tăng mạnh tạo cơ hội cho giá chênh lệch giảm xuống. Đối với người mua, đây vẫn chưa phải là mức hấp dẫn. Nhưng dù sao, giá tăng vẫn là một khai thông cần thiết để hàng hóa có cơ hội đi.

Đúng vậy, theo con số thống kê của sàn robusta Liffe NYSE, chỉ từ ngày 2 đến 17-5-2012, đã có trên 7.700 tấn cà phê robusta của Việt Nam đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng. Nếu giá trừ lùi giãn nữa, cơ hội cho hàng giao qua các kho do sàn chỉ định tại các nước tiêu thụ sẽ càng nhiều. Tuy không lớn, sau gần 11 tháng, lượng cà phê được chứng nhận chất lượng trong nửa tháng vừa qua lần đầu tiên có thể sẽ chặn đường giảm của hàng tồn kho robusta của Liffe NYSE rõ ràng nhờ giá “vắt”.

Mức cách biệt giá giữa 2 loại cà phê
Biểu đồ 4: Mức cách biệt giá giữa 2 loại cà phê

Thiết nghĩ, có hạt cà phê, nhiều người không mong gì hơn là bán với giá cao. Dĩ nhiên, trên thị trường, mỗi người có một mong đợi riêng và đều đáng được tôn trọng. Ta được, cũng mong sao người được. Nếu quá căng thẳng, để khi giá cách biệt giữa 2 sàn kỳ hạn robusta và arabica co lại một cách bất lợi cho ta, bấy giờ sẽ rất đáng tiếc.

Trong tuần, có lúc giá cách biệt giữa 2 sàn này chỉ còn chừng quanh mức 1.700 đô la/tấn, so với trước đây trên 4.100 đô la/tấn. Với mức cách biệt 1.700 đô la/tấn, chỉ còn chừng 100-150 đô la nữa là rang xay sẽ sẵn sàng chọn arabica để thay thế cho hàng robusta (xin xem biểu đồ 4 phía trên).

Khi để đến độ ấy, rõ ràng có lúc ta phải “so găng” cạnh tranh với arabica để bán tháo mới hy vọng tiêu thụ hết hàng robusta sản xuất được hàng năm.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Người Buôn Đôn

    Hi vọng tuần này giá cà phê lại có những bứt phá mới, người dân thủ phủ cà phê vẫn đang chờ đợi những đột phá mới! Chúc bà con và anh Thịnh Còi một ngày đầu tuần tươi vui bên ly cà phê ngát hương thơm!

  2. tti74@daknong

    Sợ gì mà phải bán tháo, bán đổ nếu năm nay bán không được thì để sang năm bán có gì mà phải lo. Cà phê chứ đâu phải vải thiều, sầu riêng, dưa hấu … đến độ chín thì phải bán.

  3. Thuận Hòa

    Bài viết với chủ ý bảo bà con nông dân xem khi nào giá cà R gần với giá cà A thì nên vội bán tháo đi chứ gần thì nhà rang xay họ cà A đấy. Nhưng khổ nỗi ai cũng thích uống cafe thì nếu nhà rang xay chọn mỗi loại cà A thì sẻ xảy ra THIẾU TRẦM TRỌNG cho nên ai bán cứ bán ai găm cứ găm. Theo báo cáo mới nhất thì lượng hàng tồn kho đã giảm tới mức báo động là rõ rồi. Bởi họ cứ bóc hàng trong kho ra mà ăn thì núi cũng phải sập giờ buộc phải mua vào để xây một cái núi khác nhưng e cũng khó mà xây thành công. Bởi giá này còn xa với kỳ vọng của những người đầu cơ tích trữ đầu vụ tới nay quá.

  4. HỒ XUÂN HƯƠNG

    Rang xay mà chỉ có ara mà thiếu rob thì sao ngon được, như nấu canh ngoài bột ngọt phải thêm tý đường mới ngon.

  5. nongdancun

    Mình xin cung cấp một vài con số để bà con tham khảo
    Tháng 4/2006 cà Ro 1100 đến 1200 USD/tấn cà Ara 2200 đến 2450 USD/tấn
    Tháng 5/2007 ——- 1550 —- 1750 ———– ——– 2330 —- 2550 ———
    Tháng 5/2008 ——- 2200 —- 2300 ———– ——– 2900 —- 3100 ———
    Tháng 5/2009 ——- 1500 —- 1550 ———– ——– 2650 —- 3200 ———
    Tháng 5/2010 ——- 1300 —- 1400 ———– ——– 3000 —- 3100 ———
    Tháng 5/2011 ——- 2500 —- 2600 ———– ——– 5700 —- 6700 ———
    Như vậy ta thấy trong tháng 5/2011 giá cà Ara bằng 2,7 lần cà Ro nhưng năm 2007, 2008 chỉ bằng trên dưới 1,5 lần cà Ro mà thôi.

  6. nguyễn sơn

    Giờ thì mình nghĩ bà con mình không chịu xuất hàng thì họ đành moi ruột của họ ra thôi, mà moi ra không có chỗ bù vào thì hậu quả thế nào, giá sẽ tăng và bà con mình thì làm chủ được giá cả thị trường cà phê thôi và không chịu chi phối bởi họ nữa. Lúc trước thì họ nghĩ là trong kho có nhiều rồi mua vào thì cũng vậy ép được bao nhiêu thì ép, còn giờ đã khác rồi họ càng ép thì họ càng ngày càng vào đường cùng thôi. Nếu chính sách nhà nước mà hỗ trợ cho bà con thì bà con nông dân sẽ càng có nhiều lợi thế hơn nữa. xin chúc bà con bán cà được giá và luôn làm chủ được thị trường cà phê trong nước cũng như thế giới.

Tin đã đăng