Sản xuất, kinh doanh phân bón: Khi thanh tra… giấu kết luận

Tài liệu của NNVN cho thấy, hễ tiến hành thanh kiểm tra tình hình phân bón đều thấy tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất và đại lý kinh doanh mắc sai phạm rất cao. Thế nhưng, điều đáng nói cơ quan chức năng sau khi thanh tra, có kết luận các sai phạm lại “ngại” công bố, thậm chí ém kết luận.

Rời tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi tìm về Đăk Lăk – nơi có diện tích cây công nghiệp đặc biệt là cà phê lớn nhất cả nước khi người dân nơi đây vừa thu hoạch xong vụ cà phê, tiêu… nên nhu cầu về PB đang rất lớn. Tại địa bàn tỉnh này, vừa qua NNVN đã nhận được nhiều phản ánh về tình trạng PB kém chất lượng đang tung hoành khắp nơi khiến không ít nông dân dù trúng vụ cà phêvà hồ tiêu nhưng vẫn… đau như bò đá.

Ông Hoàng Văn T ở thôn Tân Hòa 2, xã Ea Knuếc, huyện Krông Păk cho biết, phân bón gì mà lắm nhãn hiệu, nhiều tên công ty thế? Chúng tôi là nông dân, ra đại lý thấy cùng một loại NPK mà có hàng chục nhãn hiệu của các công ty khác nhau; cùng là phân gà xử lý mà cả chục loại… không biết đường nào chọn nên đành xuôi theo lời “gợi ý” của đại lý. Bây giờ nghe nhà báo nói, các Cty “cò con” không tên tuổi, chất lượng kém thường vừa bán vừa tặng PB, lại có tỷ lệ chiết khấu cao để đại lý nói vống “bốc thơm” nhằm bán được hàng thì không biết mua phân của ai…

Quả thật khi chúng tôi vào một đại lý PB hoành tráng ở đây thấy trưng cả chục tấn phân bón của hàng chục Cty khác nhau, loại nào cũng thấy quảng cáo khá “kêu” ngoài bao bì chẳng trách nông dân lạc vào ma trận PB…

Tài liệu mà chúng tôi thu thập được, năm 2011, Thanh tra Sở NN-PTNT Đăk Lăk tổ chức 2 đợt thanh tra hoạt động SX-KD PB, giống cây trồng và thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra, đã phát hiện 15 tổ chức, cá nhân, đơn vị vi phạm với số tiền phạt hành chính 121 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là SX-KD PB hết hạn sử dụng, hàm lượng không đúng với đăng ký trên bao bì. Đáng chú ý, trong 90 mẫu PB được lực lượng thanh tra gửi đi kiểm nghiệm thì gần 50% mẫu… không đạt tiêu chuẩn đăng ký.

Một vụ sản xuất PB giả ở huyện Bình Chánh, TP.HCM

Trở về Đồng Nai – nơi có diện tích cây công nghiệp và nông nghiệp lớn bậc nhất cả nước chúng tôi cũng ghi nhận sự ngao ngán của nông dân trong việc chọn PB. Anh Trần Văn T, ngụ ấp 7, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) cho biết, nhà anh có 4 ha tiêu mỗi năm sử dụng cả trăm triệu tiền phân bón cả hữu cơ và vô cơ.

Thế nhưng, bây giờ không biết chọn PB nào là hiệu quả đành phải đem vườn tiêu ra thử từng loại. Loại nào tốt thì dùng tiếp, còn vớ phải PB kém chất lượng coi như… rút kinh nghiệm. Tài liệu mà NNVN thu thập được cho thấy, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 34 DN đã đăng ký hoạt động SX-KD PB tuy nhiênchỉ có 26 DN hoạt động và khoảng hơn 350 đại lý KDPB. Mặc dù Đồng Nai là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp và nhu cầu sử dụng PB vào loại lớn nhất cả nước nhưng Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh này mỗi năm chỉ tiến hành thanh kiểm tra được 1 đợt do lực lượng mỏng.

Chính vì thế, trong năm 2011, chỉ thanh tra được 62 DN và cửa hàng đại lý kinh doanh PB. Đáng chú ý, trong26 cơ sở kinh doanh có tới 8 cơ sở không có hồ sơ công bố chất lượng của nhà sản xuất (chiếm 23,5%); 14 cơ sở có hồ sơ công bố chất lượng nhưng không đầy đủ. Ngoài ra còn có tới 6 cơ sở sản xuất (theo báo cáo là ngưng SX) thì không có phòng kiểm nghiệm chất lượng hoặc hợp đồng thuê kiểm nghiệm chất lượng. Cơ quan chức năng cũng xác định có tới 5 cơ sở đang KDPB nhập khẩu tại Đồng Nai do nước ngoài sản xuất nhưng không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt trên bao bì theo quy định khiến nông dân không biết đường nào mà lần.

Điều đáng nói, tại Đồng Nai, PV liên hệ đề nghị cung cấp kết luận thanh tra và danh sách các DN, đại lý sai phạm nhằm thông tin cho người dân biết tránh sử dụng phải sản phẩm kém chất lượng. Mặc dù đã được Giám đốc Sở NN-PTNT đồng ý và chỉ đạo thanh tra phải cung cấp. Thế nhưng nhiều lần chúng tôi hẹn nhưng vẫn không được cung cấp tên các DN và đại lý vi phạm mà chỉ được đưa kết luận ghi chung chung về số vụ vi phạm…

Trong khi đó, Bộ NN-PTNT đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong SX-KD vật tư nông nghiệp. Theo đó, trong quá trình kiểm tra, thanh tra nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì phải ra quyết định niêm phong toàn bộ lô hàng cùng nhãn hiệu, yêu cầu thu hồi hàng hóa đã bán, thông báo danh tính của DN và sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Tương tự, Chính phủ cũng đã có quy định việc các cơ quan thanh tra phải công bố kết luận sau khi thanh tra (trừ các tài liệu thanh tra mật) lên webside của đơn vị, thế nhưng việc này đến nay dường như chưa có đơn vị nào thực hiện. Quá trình thực hiện bài viết này là một dẫn chứng khi PV đã gặp nhiều thanh tra các tỉnh để liên hệ lấy kết luận nhằm phản ánh tình trạng SX-KD PB khá bát nháo thì được… hứa hẹn nhiều nhưng cuối cùng không được cung cấp như mong muốn dù đây không phải tài liệu mật. Một số đơn vị “chẳng đặng đừng” mà cung cấp thì chỉ nêu số liệu chung chung và không dám nêu đích danh DN sai phạm hoặc đại lý bán hàng kém chất lượng dù PV nhiều lần hỏi (?!).

Hội thảo “Bình ổn thị trường PB Việt Nam” tổ chức tại TPHCM vừa qua nhiều đại biểu nhận định: thị trường PB Việt Nam còn nhiều bất ổn do tình trạng PB giả, kém chất lượng diễn ra khá phổ biến. Theo số liệu của Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương), trung bình mỗi năm cơ quan này xử lý gần 400 vụ vi phạm về chất lượng, giả nhãn hiệu liên quan đến mặt hàng PB. Các vi phạm chủ yếu là PB kém chất lượng làm giả nhãn mác của công ty, thương hiệu lớn…

+ Còn theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), đa số PB kém chất lượng lưu thông trên thị trường là loại NPK, hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh vì loại PB này có nhu cầu tiêu thụ lớn, dễ pha trộn nên dễ làm giả hoặc giảm chất lượng và bán với giá rẻ hơn do đó bà con nông dân cần cảnh giác.

Đức Trung

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Đinh tân lâm

    Rất cám ơn nổ lực của nhà báo nhằm thúc đẩy việc công bố các cty phân bón giả, kém chất lượng lên các thông tin đại chúng để dân biết mà tránh. Tuy nhiên 1 sự thật là thị trường phân bón giả lộng hành tràn lan là có sự tiếp tay bao che từ những cán bộ thanh tra, vì nhận phong bì của các cty phân giả nên cán bộ thanh tra ém nhẹm mà ko công bố lên thông tin đại chúng. Qua mỗi năm kiểm tra, ban thanh tra công bố chung chung là có hàng trăm mẩu phân kém chất lượng nhưng vừa rồi chỉ công bố cty Mỹ Việt, phải chăng công ty này ko biết lót tay, hay lót tay chưa đủ đô như những cty khác. Đây là 1 quốc nạn, phải có thanh tra đi kiểm tra lại các cán bộ này, hay là có lót tay dây chuyền thì dân cũng chẳng biết kêu ai.
    Năm trước tôi được một cty mời đặt đại lí với hoa hồng cao và tôi được theo chân đoàn đi lót đường các cán bộ chính quyền địa phương. Người bà con tôi là 1 đại lí phân bón lớn tiết lộ: mỗi khi có thanh tra về thì đã có người thông báo cho biết trước, vậy là ngày đó đại lí đóng cửa nghỉ và đi “giao lưu” với cán bộ thanh tra tại nhà hàng là ok. Với tình trạng này thì dân ta còn dùng hàng giả dài dài.

  2. nguyễn sơn

    Ăn cơm của dân thì đâu bằng ăn cơm của nhà sản xuất phân bón đâu mà bảo họ không báo cáo là kết quả cho chính xác. Trong chuyện này mà phát hiện những người nào khai giả thì vừa phạt hành chính nặng vào vừa sa thải khỏi nghành là vừa, vì đây chính là đạo đức nghề nghiệp của mỗi con người, nếu làm không tới nơi tới chốn thì lần sau họ sẽ vi phạm mà lúc đó thì khó mà phát hiện hơn nữa đến lúc đó thì dân chịu cả thôi. Riêng nhà sản xuất phân nào có dính líu trong chuyện này thì đình chỉ sản xuất là vừa. Bà con cứ phản đối nhiệt tình lên thì mới có kết quả được. Như vậy thì bà con ta mới có lợi còn không thì tẩy chay các hảng sản xuất phân bón đó và thông báo cho các người khác không dùng phân bón đó nữa.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83