Dự kiến chi 25 tỷ đồng tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV-2013

UBND tỉnh Dak Lak vừa tổ chức cuộc họp triển khai công tác chuẩn bị Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV – 2013. Tham dự có các thành viên Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội và đại diện các sở, ngành liên quan.  Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Ngọc Cư chủ trì cuộc họp.

UBND tỉnh Dak Lak họp triển khai công tác chuẩn bị cho lễ hội…

Theo Đề án “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV – 2013” sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 12-3-2013, tại TP.Buôn Ma Thuột, với nhiều chương trình, hoạt động như: Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ, ngày 9-3, bế mạc lúc 20 giờ ngày 12-3-2013 tại Quảng trường 10-3 (TP.Buôn Ma Thuột); Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm thương hiệu Việt, dự kiến sẽ diễn ra trong 5 ngày từ 8 đến 13-3 tại khu Bảo tàng Biệt Điện tỉnh; Lễ hội đường phố sẽ biểu diễn múa lân, diễu hành voi mang biểu tượng cà phê, dự kiến khai mạc lúc 15 giờ, ngày 9-3 tại một số tuyến phố chính; tổ chức uống cà phê miễn phí ở một số quán cà phê lớn, đặc trưng; hành trình du lịch cà phê sẽ xây dựng các tuor du lịch ngắn khám phá và trải nghiệm cà phê, phong cảnh của địa phương; Hội thi nhà nông đua tài…

Dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 25 tỷ đồng, trong đó Ngân sách địa phương khoảng 8 tỷ, đề nghị Trương ương hỗ trợ 5 tỷ và vận động các tổ chức xã hội đóng góp khoảng 12 tỷ đồng.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho Đề án như: cần đổi mới hình thức triển lãm các sản phẩm cà phê; giới thiệu sản phẩm phải mang đậm nét văn hóa bản địa; hội chợ triển lãm phải mở rộng hơn về các ngành, sản phẩm khác ngoài cà phê, ưu tiên thương hiệu Việt…

Kết luận cuộc họp, ông Lữ Ngọc Cư đề nghị các thành viên trong Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lựa chọn chủ đề lễ hội phải bảo đảm tính chủ đạo, cô đọng, tránh trùng lặp nội dung của các Lễ hội trước; cân nhắc, điều chỉnh nội dung về các hoạt động văn hóa-nghệ thuật, hành trình du lịch cà phê sao cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; nên huy động kinh phí từ nhiều nguồn, nhất là từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sâu rộng trong nhân dân, tranh thủ sự ủng hộ của công chúng, các cấp, ngành… vì đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của lễ hội…

Hoàng Tuyết

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. V. Đ. Hùng

    25 tỉ là quá nhiều nếu như lễ hội rập khuôn những lần tổ chức trước. Nhiều người cho rằng lễ hội cà phê chỉ như một hội chợ, đình đám nhỏ… thiếu tổ chức, thiếu các sự kiện để tôn vinh cà phê và tôn vinh nông dân cà phê, tôn vinh Đăk Lăk, Buôn Ma Thuột, nơi sẵn sàng đứng ra cáng đáng trách nhiệm về cây cà phê cho cả nước. Đã qua nhiều lần, những gương mặt tổ chức hầu hết rất “cũ”, không biết tổ chức sự kiện, không thấy được cái “nét văn hóa” của ly cà phê, của bàn cà phê… Ngay cả bia hơi Hà Nội, tuy không có lễ hội, vẫn được nhiều giới cho rằng đã có một nét “văn hóa bia hơi Hà Nội”.
    Thực ra, những người được chọn làm tổ chức có biết uống cà phê đâu để thưởng thức được văn hóa cà phê… Chính vì thế, rất cần sự tham gia trong ban tổ chức của giới báo chí, văn nghệ sĩ, đặc biệt các thi sĩ và văn sĩ…
    Trong 25 tỉ ấy, cũng cần dành cho phần hướng “gu” uống cà phê sạch, cà phê “nội” chừng vài tỉ. Hãy mua một ít cà phê sạch, ngon, tổ chức nếm thử, tiêu thụ so sánh cà phê sạch… và nên để Cafecontrol làm người sản xuất và cung ứng, tổ chức nhiều lần thử nếm cà phê đúng là cà phê ấy.
    Biết đâu thị trường xoay chuyển nay mai, hàng bán không hết, mình phải khuyến khích mạnh tiêu thụ nội địa.
    Thật tình, 99% cà phê rang xay nội địa toàn chỉ có mùi cà phê chứ chẳng phải cà phê, hay chỉ sử dụng hương liệu ẩu, bậy bạ. May mà có cà phê hòa tan. Nếu vào nhà máy hòa tan, nhìn người ta sử dụng nguyên liệu, toàn các thứ phế phẩm cà phê, thì cũng chẳng ai dám uống hòa tan. Hòa tan chỉ giải quyết uống mang tính công nghiệp.

Tin đã đăng