Nhà máy đi vào hoạt động đã khắc phục được khâu chế biến sơ sài dẫn đến chất lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường quốc tế còn thấp, không đồng nhất.
Chế biến ướt ở công ty cà phê Thắng Lợi, Đăk Lăk (Ảnh minh họa)
Ngày 4/5, Quỹ Thách thức Việt Nam cùng Công ty TNHH Dakman Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết kết quả dự án xây dựng nhà máy chế biến ướt cà phê vối đầu tiên ở Việt Nam do nông hộ sở hữu và vận hành. Dự án này đã góp phần đáng kể giúp tăng thu nhập cho nông dân trồng cà phê của Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đăk Lăk.
Mô hình kinh doanh mới này, triển khai song song với việc tuân thủ một hệ thống chứng nhận, có thể nhân rộng ra các tổ hợp tác khác, dù nông dân độc lập thực hiện hay liên kết với doanh nghiệp kinh doanh cà phê. Tổng giá trị dự án vào khoảng 435.000 USD, trong đó Quỹ Thách thức Việt Nam tài trợ khoảng 160.000 USD.
Dự án này thành công có thể là khởi đầu sự phát triển một phân khúc mới cho sản phẩm cà phê giá trị gia tăng của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
“Điểm đặc biệt hấp dẫn chúng tôi trong dự án này là khả năng thúc đẩy sự thay đổi mang tính hệ thống cho các sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam”, ông Buddhika Samarasinghe, trưởng nhóm tư vấn dự án Nâng cao hiệu quả thị trường cho người nghèo (M4P2), cho biết. “Dự án đã tháo gỡ một trong những điểm yếu nhất của ngành cà phê Việt Nam là khâu chế biến sơ sài dẫn đến chất lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường quốc tế còn thấp và không đồng nhất. Nói ngắn gọn, dự án mang tính chất “thay đổi cuộc chơi”.
Hơn 50 hộ nông dân xã Ea Kiết đã được cấp chứng chỉ Thương mại công bằng (Fair-trade), tạo ra 30 việc làm tại nhà máy chế biến và hơn 100 việc làm thời vụ tại rẫy cà phê. Ngay trong niên vụ đầu tiên, gần 400 tấn cà phê chế biến ướt có chứng nhận Thương mại công bằng đã được sản xuất và xuất khẩu từ nhà máy do dự án xây dựng.
Giá cộng thêm đối với mỗi tấn cà phê vối chế biến ướt có chứng nhận Fair-trade là hơn 440 USD, ông Nguyễn Tùng, Quỹ Thách thức Việt Nam, cho biết. Nhờ đó tổng thu nhập của nông hộ tham gia dự án hiện nay gấp khoảng 2,5 lần so với trước khi làm dự án. Chỉ trong một vụ vừa rồi, phần thu nhập tăng thêm đã tương đương khoảng 1,5 lần số tiền người nông dân đầu tư vào nhà máy.
“Tôi rất vui vì dự án đã mang lại những kết quả khả quan như vậy cho nông dân trồng cà phê”, Ông John Clark, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dakman Việt Nam cho biết. “Những kết quả này đã cho chúng tôi thấy hoàn toàn có thể vừa làm kinh doanh thành công vừa mang lại lợi ích cho người nông dân trong tỉnh. Chúng tôi hy vọng sẽ mở rộng quy mô và nhân rộng mô hình dự án này trong các niên vụ tới để có nhiều nông hộ được hưởng lợi hơn nữa”.
Tác động lớn nhất của dự án chính là đã chứng minh được tính khả thi của việc trồng và chế biến cà phê vối chất lượng cao. Như vậy có thể tác động tích cực tới một số lượng lớn trong số 150.000 nông dân trồng cà phê ở tỉnh Đăk Lăk.
“Chế biến ướt cà phê” : Cà phê sau khi hái về phải chọn lọc loại riêng quả xanh, quả khô, loại bỏ cành lá rụng và đất đá…Quả cà phê chín được đưa vào máy xát tươi để tách vỏ qủa ra. Nhân cà phê đã tách vỏ quả, còn vỏ trấu gọi là cà phê thóc.
Cà phê thóc phải loại bỏ lớp nhớt bên ngoài vỏ trấu. Đó là giai đoạn ngâm và rửa. Vì thế người ta gọi phương pháp này là chế biến ướt và cà phê chế biến theo phương pháp này “cà phê rửa”.
Cà phê thóc loại bỏ lớp nhớt bên ngoài và được rửa sạch là cà phê thóc ướt. Cà phê này qua phơi sấy cho khô, có độ ẩm dưới 10 – 12% gọi là cà phê thóc sấy khô.
Nếu cà phê quả tươi là nguyên liệu (đầu vào) của quá trình chế biến ướt thì sản phẩm cà phê thóc khô là đầu ra của quá trình này.
Cà phê thóc khô qua quá trình xát khô, loại bỏ vỏ trấu, đánh bóng (loại bỏ vỏ lụa dính bên ngoài nhân cà phê) sẽ thu được cà phê nhân. Cà phê nhân qua phân loại trở thành cà phê thương phẩm cho việc buôn bán.
Đúng là cái ông “VOV”, người ta chế biến ướt cà phê Robusta ít ra từ những năm 2003-2004 rồi. Do giá cả không cao hơn chế biến khô là bao nhiêu, không đủ phí chế biến nên các công ty cũng không mặn mà lắm.