Với gần 2.500 con nai, có thể nói xã Cư Êa Bur (còn gọi là xứ đạo Châu Sơn), thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, đang nắm giữ kỷ lục là vùng nuôi nai tập trung nhiều của nước ta. Con nai cũng đã giúp rất nhiều hộ dân nơi đây trở thành triệu phú, tỷ phú.
Dẫn chúng tôi đi tham quan các gia đình thành “tỷ phú” nhờ nuôi nai trong xã, ông Đoàn Võ Trang – một người nuôi nai từ năm 1968 ở xứ đạo Châu Sơn, cho biết: Con nai ở Cư Êa Bur đã được người dân nuôi từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước.
Thời đó, chỉ dăm hộ khá giả trong xứ đạo Châu Sơn nuôi nai theo kiểu làm cảnh. Hàng năm cắt nhung, lấy huyết “pha rượu uống chơi”, còn nhung thì ngâm rượu, ngâm mật ong để dành cho người già, người ốm bồi dưỡng. Tuy nhiên, hơn chục năm nay nghề nuôi nai ở Châu Sơn phát triển mạnh mẽ, nai thực sự là con vật giúp người dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhanh chóng.
Châu Sơn trước đây vốn là vùng đất thuần nông với thế mạnh gần 2.000 ha cà phê, cùng một số loại cây công nghiệp ngắn ngày và hoa màu khác. Những năm thuộc thập niên 90, giá cà phê bất ngờ giảm mạnh, đời sống người dân ở đây vốn chỉ dựa vào loại cây này lao đao. Khi đó, nhiều gia đình trong vùng Châu Sơn vượt qua “cơn bĩ cực” và có tiền để tiếp tục đầu tư duy trì cho cà phê từ nhung nai. Cũng từ đó, phong trào nuôi nai phát triển mạnh, biến Cư Êa Bur thành “xã nai” của thành phố Buôn Ma Thuột.
Từ chỗ nuôi chơi, đến nay xứ đạo Châu Sơn đã có gần 2.500 con nai trưởng thành. Trong số đó, có hơn 1.000 con nai cái, số còn lại là nai đực. Nai cái mỗi năm đẻ 1 lứa, nai đực mỗi năm cắt nhung 2 lần, với trọng lượng đạt từ 3 – 6 kg nhung/con.
Chỉ làm một phép tính đơn giản: Nai con 3 tháng tuổi hiện có giá khoảng 35 triệu đồng/con, nhung nai hiện có giá 7,5 triệu đồng – 10 triệu đồng/kg, thì với gần 1.200 con nai và khoảng 4 – 5 tấn nhung thu được mỗi năm đã đem lại nguồn lãi ròng ngót nghét 100 tỷ đồng cho người dân xứ đạo Châu Sơn.
Theo người dân ở Châu Sơn, nuôi nai còn dễ hơn nuôi bò thịt. Ngoài cỏ, con nai có thể “xơi” tất cả mọi thứ thức ăn thừa mà con người loại bỏ. Ngay cả những loại thực phẩm thuộc loại khó gặm nhất như vỏ mít, cùi sầu riêng, lá gói bánh, cùi và vỏ ngô, rau thừa ở các chợ đầu mối… nai đều ăn hết. Đối với nai đực, chỉ cho ăn thêm các loại thức ăn giàu tinh bột vào thời kỳ gần thu hoạch nhung để tăng trọng lượng và chất lượng. Nai sống rất khỏe, ít bệnh tật.
Theo những người nuôi nai ở Châu Sơn, từ khi nuôi nai đến nay, chưa có loại dịch bệnh nguy hiểm nào xuất hiện. Vì vậy, nuôi nai ngoài vốn đầu tư con giống ban đầu, gần như người nuôi chỉ đầu tư thêm công, nên lợi nhuận thu được hàng năm từ nai được xem như là nguồn “lãi ròng” cho người nông dân. Phân nai được người dân tận dụng bón cho cà phê rất tốt.
Ở Cư Êa Bur có nhiều gia đình đang được xem là “hái ra tiền” từ nghề nuôi nai. Anh Đậu Quang Hoài, một trong những “tỷ phú” nhờ nuôi nai cho hay: hiện gia đình đang nuôi 10 con nai (5 đực và 5 cái), mỗi năm đàn nai này đem về thu nhập cho gia đình khoảng 350 triệu đồng từ tiền bán 5 con nai con, cùng gần 20 kg nhung. Lợi nhuận từ con nai cùng nguồn thu từ gần 2 ha cà phê đã giúp gia đình anh Hoài xây được biệt thự khang trang, nuôi 3 con học đại học.
Tương tự như anh Hoài, ông Trần Minh Thanh ở thôn 2 nuôi 9 con nai cho thu nhập gần 300 trăm triệu đồng/năm; ông Nguyễn Duy Đàm nuôi 4 con nai, cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng; gia đình ông Đoàn Võ Trang nuôi 14 con nai “tuyển”, cho thu nhập khoảng trên 500 triệu đồng/năm… Ở Châu Sơn, các cặp vợ chồng mới cưới đều được gia đình tặng cho một vài cặp nai giống, đây được xem là thứ “của hồi môn” quý giá nhất của họ. Con nai cũng đã góp một phần không nhỏ để biến xứ đạo Châu Sơn nghèo khó trước đây thành nơi sầm uất, mà vẫn thanh bình.
Tôi muốn mua nai giống và học hỏi kỹ thuật nuôi nai, tôi hiện ở Lâm đồng vời nghề nuôi nai thì hoàn toàn mới, bác nào có thành ý xin giúp tôi về địa chỉ cung cấp nai giống và kỹ thuật làm chuồng nuôi.
Không biết đầu ra cho sản phẩm nhưng nai thì khu vực mới nuôi không có đại lý thu mua nhung nai, biết bán ở đâu.
Quan trọng đầu ra như thế nào, có dễ bán không và đúng giá không?