Hết một tuần, giá kỳ hạn mất 60 đô la/tấn. Giá nội địa giảm cả 1000 đồng/kg. Tuy nhiên, khó để đoán được hướng giá nay mai, khi mà thị trường đang chuyển dần qua kinh doanh theo tin đồn thời tiết.
Đây là giai đoạn đục nước béo cò cho các tay đầu cơ trên thị trường hàng hóa. Song, thị trường tốt hay xấu, nhiều nhà xuất khẩu cà phê nước ta cũng chào thua.
Tìm hiểu thêm về:
- Kiểu kinh doanh cà phê theo bản tin thời tiết
- Kiểu kinh doanh cà phê theo bản tin thời tiết (phần II)
Giá cà phê lại giật lùi
Chẳng cần tiên đoán này nọ, khỏi phải cãi cọ này kia, hễ giá cà phê nhân xô nội địa tăng lên quanh mức 40.000 đồng/kg là y như rằng sau đó một vài ngày giá niêm yết trên sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE và giá nội địa xuống nhanh.
Đường đi của giá kỳ hạn (xin xem biểu đồ phía trên) và của giá nội địa chứng minh rõ điều ấy. Nếu như cuối tuần trước, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên phóng lên nhanh mức trên 40.000 đồng/kg, thì nay chỉ còn chừng 39.300 đồng/kg.
Giá nội địa theo rất sát giá niêm yết và “mè nheo” giá niêm yết đến mức khổ sở. Thực vậy, tuần qua, giá kỳ hạn robusta Liffe NYSE trượt dài, ngày một ít, dù trong giai đoạn ngắn ngủi ấy, vẫn đã từng có cơ hội tăng khi giá cà phê Arabica trên sàn New York lên cực mạnh.
Giá cà phê xuống, nhiều người cứ tưởng đầu cơ trên sàn gây hại nhưng hiện tượng giá rớt trong tuần này chính là “gậy ông đập lưng ông”.
Cuối tuần trước, giá đóng cửa kỳ hạn tăng lên mức 2.056 đô la/tấn trên kỳ hạn tháng 07/2012, nên giá cà phê nhân xô đã đứng rất vững trên mức 40.000 đồng/kg. Sức bán quá mạnh những ngày cuối tuần trước, rồi sợ giá rớt, người còn hàng tranh thủ đưa hàng ra bán tiếp, lượng hàng bán cứ thế tăng dần. Người mua buộc phải đưa hàng lên sàn kỳ hạn bán phòng hộ.
Càng bán bao nhiêu, giá yếu dần bấy nhiêu. Hệ quả nhãn tiền là giá đóng cửa kỳ hạn tuần này bị bào mòn dần từ 2.056 đô la nay chỉ còn 1.996 đô la/tấn, mất 60 đô la/tấn chỉ sau 5 ngày giao dịch.
Hướng giá cà phê thế giới vẫn chập chờn
Thường thường, đến giai đoạn này, nhiều người có hàng bắt đầu trông mong thị trường chuyển qua giao dịch theo “thời tiết”. Hàng năm, từ tháng 5 trở đi, các thị trường kỳ hạn cà phê hay dao động dữ dội do Brazil vào mùa lạnh. Khả năng vườn cây Brazil bị rét đậm rét hại phá hoại gây ảnh hưởng sản lượng cho niên vụ sau.
Chính vì thế, đầu cơ thường sử dụng các bản tin thời tiết để tạo sóng trên sàn. Theo dòng lịch sử từ 1997 và 2007 đến 2011, giá trong giai đoạn cuối tháng Tư hàng năm có khuynh hướng xuống để chuẩn bị cho một thời kỳ chao đảo theo tin “thời tiết” (xin xem biểu đồ 2 phía trên). Song, năm nay, ngoài tin giá lạnh tại Brazil, giá hàng hóa nói chung và cà phê nói riêng ắt có nhiều chuyện khác. Dù biết rằng đã trên cả chục năm nay, tại Brazil không hề có rét đậm rét hại mà chỉ đồn đoán thất thiệt.
Khủng hoảng nợ châu Âu và suy thoái kinh tế Mỹ đang ngày càng gây ảnh hưởng đến khuynh hướng giá hàng hóa, trong đó có cà phê. Biến động giá trên thị trường đôi khi không phụ thuộc vào cung – cầu hay thời tiết mà còn chịu tác động trực tiếp từ cách điều hành vĩ mô của hai khối kinh tế lớn hai bên bờ Đại Tây dương là Mỹ và châu Âu.
Theo lẽ thường, mỗi khi chỉ số giá đô la Mỹ tăng, giá hàng hóa giảm, và ngược lại (xin xem biểu đồ 3 phía trên).
Thế nhưng, trong những ngày này, chỉ số giá của 2 rổ hàng hóa CRB và đô la Mỹ đang “chạm nhau”, không nói được khuynh hướng thị trường rõ ràng. Thực vậy, các chỉ số quan trọng này đã để lại cho người kinh doanh hàng hóa “quyền chọn hướng” giá tăng hay giảm trong những ngày tới.
Tính đến cuối phiên giao dịch hôm qua 27-4. Chỉ số đô la Mỹ chỉ còn 78,76, giảm 0,24 điểm nhưng mất hết 2,00 điểm tính từ đỉnh ngày 16-4, chỉ cách đây chừng nửa tháng. Trong khi đó, chỉ số CRB tăng 2,23 điểm lên 305,51 điểm. Và các chỉ số này đang giao nhau một cách khó xủ đối với ai kinh doanh hàng hóa.
Con khóc, mẹ không biết cách cho bú
Tuần qua, thị trường cà phê nội địa lại nóng lên lại với nhiều thông tin vỡ nợ hàng loạt tại các các tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông. Một tờ báo tại TPHCM đưa tin trong 2 năm 2011-2012, có ba nữ giám đốc của 3 công ty cung ứng cà phê xuất khẩu tại tỉnh mới Đắc Nông đã vay mua bán cà phê lên đến cả 1.000 tỉ đồng, nay thua lỗ hơn một nửa vốn vay, hết khả năng chi trả lên đến 560 tỉ đồng.
Trước đó, thông tin nhiều công ty cà phê lớn đã ngã quỵ và để lại số lỗ vốn hàng ngàn tỉ đồng. Một điều nghịch lý là trong thời gian qua, giá cà phê tăng khá thuận lợi và đã qua nhiều năm, thị trường nằm hoàn toàn trong tay người bán.
Có nghĩa rằng do điều kiện hàng hóa, người bán chi phối thị trường từ khâu chào giá, giao hàng… Tất cả hầu như đều ở thế thượng phong so với người mua. Thế mà, như một trận bóng đá, nhiều cầu thủ là công ty xuất khẩu lớn lại phải để thủng lưới nặng nề.
Thế nhưng, ở những giai đoạn gay go và khó khăn này, vai trò hỗ trợ, tư vấn… của Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) hầu như mờ nhạt.
Đã có quá nhiều mất mát, rủi ro trong kinh doanh cà phê. Lượng tiền mất do thua lỗ cả nhiều ngàn tỉ đồng và tạo thành gánh nặng thực sự cho nhiều địa phương với những hệ lụy an sinh xã hội của nó.
Vừa qua, Ngân hàng nhà nước đã có văn bản số 2583/NHNN-TD ký ngày 27-4-2012 yêu cần các ngân hàng thương mại cung cấp thông tin về tình hình cho vay trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cà phê.
Thiết nghĩ, nên xem đây là một đợt kiểm soát cần thiết tuy đã trễ vì mất mát tiền của nay đã quá lớn.
Thực ra, trong quá trình hoạt động, một vài nhân vật trong và ngoài Vicofa cũng đã có yêu cầu Chính phủ can thiệp, các ngân hàng tăng tín dụng, giảm lãi suất cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cà phê.
Nhưng xem ra, càng bơm tiền vào bao nhiêu càng mất bấy nhiêu. Nói cho công bằng, may mà các nhà xuất khẩu cà phê của ta không có tiền nhiều, chứ nếu có càng nhiều càng mất nhiều hơn.
Thị trường bán ra hoàn toàn thuận lợi. Thuận lợi không nằm ở túi nhỏ túi to. Thế mà nhiều nhà xuất khẩu phải quẳng nón ra đi khỏi thị trường.
Cơ hội tái cấu trúc ngành cà phê đang rõ ràng hơn bất kỳ ở đâu. Tiền nhiều, kinh doanh chạy theo số lượng, “vị danh hơn vị thực chất” xem ra không còn chỗ đứng. Còn lãnh nhiệm vụ đứng mũi chịu sào như Vicofa, các nhà xuất khẩu cà phê trông chờ như “con khóc nhưng mẹ không biết đường nào để cho bú”.
Việc tái cấu trúc ngành cà phê hiện nay chỉ có Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn của bộ Nông nghiệp mới giải được bài toán này. Vicofa mới là người đưa ra đề bài… Nhưng họ chỉ quan tâm tới thu phí của hội viên thôi, còn với ngành cà phê thì có lẽ họ không có ảnh hưởng gì mấy.
Mong sao sớm có tổ chức chuyên trách xứng tầm với Ngành Cà Phê của một đất nước sản xuất cà phê hàng đầu để cho cà phê Việt không chỉ có vị Đắng mà cần tỏa ngát hương thơm.
Sao lại có vẻ ngớ ngẩn vậy nhỉ !
Thị trường hàng hóa thế giới từ lâu đã bị một số quỹ đầu cơ tài chính quốc tế thao túng chi phối để thu lợi nhuận. Lượng hàng thực giao dịch qua sàn chỉ chiếm khoảng 5%, còn lại 95% là hợp đồng (hàng giấy) mua đi bán lại của nhà đầu tư.
Điều sáng suốt là các nhà xuất khẩu cà phê nước ta phải biết lựa chọn thời cơ để nương theo mà bán hàng. Nếu không làm được thì… phá sản vì “mua cao bán thấp” và tốn kém cho các loại phí.
Chào bạn Cafe Con, khi chúng ta bảo ai đó ngớ ngẩn thì đã hàm ý là mình khôn lanh hoặc hiểu biết hơn đối phương, đây là điều nên tránh khi chúng ta tranh luận trên diễn đàn để giữ lịch sự. Bạn cần biết người viết bài để cho chúng ta đang đọc có hiểu biết không kém bạn đâu, bạn có quyền nêu ra điều mà mình hiểu biết nhưng không nên bảo người khác ngớ ngẩn.
Trong thực tế theo thông tin chúng tôi biết được, thì một lượng hàng rất lớn đã được nông dân VN bán ra trong đợt tăng giá, có những công ty với công suất nhập hàng mua vào bình thường là khoảng 200-300 tấn/ngày, trong đợt tăng giá vừa qua phải nhập lên đến khoảng 2000 tấn/ngày. Cho nên tác giả nêu rõ “Người mua buộc phải đưa hàng lên sàn kỳ hạn bán phòng hộ” là điều đang xảy ra.
Đúng như tác giả đã nói đợt lên giá vừa rồi một lượng hàng lớn đã được bán bởi vì giá chỉ quanh quẩn ở mức 40000 vnd. Thực ra đây là chuyên hướng đầu tư cũa các nhà đầu cơ ôm hàng từ đầu mùa với mức cao bây giờ phải đẩy đi và chỉ có họ mới có lượng lớn như vậy
Câu này nên để mấy bác nông dân nhà mình trả lời. Lúc nào cũng bô bô cái miệng là “giá 40k thì bán hết!”, “chúng nó” nắm bắt được điểm yếu là “chúng nó” yểm giá luôn thôi…! Đúng là “ếch chết tại miệng mà”, tại sao mấy người không nói là “được giá 45k hay 50k thì sẽ bán” đi coi thử? “Rảnh quá hóa… rách việc”.
Mới có 5 phản hồi thôi mà suy nghĩ của mỗi người đã tréo ngoe rồi, hèn chi 20 DN thuộc Vicofa và một số DN khác không cùng bắt tay nhau đưa giá hạt cà phê VN ngang bằng với giá của Indonesia và Brazil là đúng rồi. Vì vậy Vicofa là người cha, người mẹ không thể nuôi nấng và dạy dỗ chúng nên người được là lẽ thường tình nhưng để cha, mẹ (Vicofa) tồn tại bằng cách đẩy chúng con ra đường tư bương chải kiếm ăn miễn sao hàng tháng, năm gửi tiền (nộp phí) đều cho cha, mẹ là được.
Diễn đàn đã có câu “chúng ta là người một nhà, hãy dành cho nhau những ngôn từ lịch sự và thân thiện”. Vì vậy Tôi mong các bạn có những ý gì hay và những kinh nghiệm đẹp của bản thân trong quá trình sản xuất, …, bán cà phê sao cho hiệu quả nhất. Không nên cho mình là người tài giỏi hơn thiên hạ vì: Đạo trời là lấy chỗ thừa vá chỗ thiếu; Một bác sĩ giỏi chưa chắt làm được một người Nông dân giỏi; dân gian có câu: Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông: Nhất nông nhì sĩ.
Hiện tại nền kinh tế VN đang vận hành theo cơ chế thị trường vì thế nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào các DN XK cà phê sẽ tạo ra ý tưởng ỷ lại, cơ chế xin cho và làm thất thoát NSNN, Nông dân chẳng được nhờ. Cứ để DN tự xoay xở, nếu không trụ nổi thì dẹp tiệm.