Gia Lai: Nông dân Chư Prông đua nhau đầu tư trồng thêm hồ tiêu

Thời điểm này, đi trên các tuyến đường thuộc địa phận huyện Chư Prông, đâu đâu cũng tận thấy bà con đang khẩn trương đúc trụ, đào lỗ, đổ phân chuồng… chuẩn bị mở rộng diện tích trồng hồ tiêu.

Xem thêm bài: > Giá tiêu tăng cao, nông dân chặt cà phê lấy đất trồng tiêu

Anh Diệu-Chủ doanh nghiệp tư nhân Diệu Thư, ở thôn 1, xã Thăng Hưng vui vẻ: Mới đầu vụ chuẩn bị trồng mới mà nhiều khách quen ở huyện Chư Prông đã đến làm hợp đồng đặt mua hơn 20.000 trụ tiêu.

Trụ tiêu đều đúc bằng bê tông cốt thép và cùng kích thước như nhau (dài 4 mét, đường kính gốc 13,5 cm và đường kính ngọn 11,5 cm) nhưng giá thành được tính theo số lượng, thời gian, địa điểm, thỏa thuận khác. Hiện tại, giá đặt mua số lượng nhiều (trên 500 trụ) có thể thương lượng giảm giá cho hợp lý, nhưng giá trung bình tại cơ sở 1 (thôn 1, xã Thăng Hưng) là 145.000 đồng/trụ, tại cơ sở 2 (làng Bàng, xã Bình Giáo) là 155.000 đồng trụ, tại trung tâm xã Ia Pia (huyện Chư Prông) là 160.000 đồng/trụ…

Đúc trụ trồng tiêu
Trụ tiêu bê tông cốt thép đúc tại cơ sở 2 của Doanh nghiệp tư nhân Diệu Thư.

Giá hạt tiêu khô bán ra luôn ở mức cao (hơn 120.000 đồng/kg tại vườn nhà); đất hẹp, đất dốc đều có thể trồng được cây hồ tiêu và rất nhiều gia đình như ông Chiến, ông Tài (xã Ia Pia), ông Quang, ông Bình (xã Ia Phìn), ông Hiệp, ông Hùng (xã Ia Tôr)… mới thu hoạch đạt hơn 10 tấn hạt tiêu, đang trở thành tỷ phú. Thực tế đó là động lực mạnh mẽ thu hút đông đảo bà con đầu tư nhiều công của vào việc trồng mới hồ tiêu, bất chấp nhiều vườn tiêu đang bị sâu bệnh, thậm chí bị chết hàng loạt.

Ông Nguyễn Xuân Cải, ở thôn Bình Thanh, xã Ia Drăng bộc bạch: “Với giá tiêu cao như hiện nay thì chỉ cần thu hoạch được mùa 2-3 vụ là người đầu tư đã lấy lại đủ vốn. Gia đình tôi đang cố gắng đầu tư công sức và gần 200 triệu đồng để đúc trụ, trồng mới 1.000 trụ tiêu. Ông Nguyễn Minh Sang, ông Nguyễn Minh Châu… ở cùng thôn này cũng đang đầu tư nhiều công của chuẩn bị trồng mới 2.000 trụ/hộ…”.

Năm 2011, toàn huyện Chư Prông có 1.710 ha hồ tiêu thì có khoảng 50 ha bị nhiễm các loại sâu bệnh và đã có hơn 20 ha bị chết hẳn. Rất nhiều hộ, kể cả những hộ cán bộ, công chức, viên chức ở thị trấn Chư Prông và các xã: Ia Tôr, Ia Pia, Ia Piơr, Ia Me… trắng tay vì “ồ ạt” đầu tư trồng cây hồ tiêu. Tuy vậy, năm 2012, huyện Chư Prông vẫn có kế hoạch trồng mới 300 ha, nâng tổng số diện tích hồ tiêu của huyện này lên 2.010 ha. “Kế hoạch là vậy, nhưng thực tế có nhiều khả năng diện tích trồng mới hồ tiêu trong năm nay sẽ lên tới 500 ha, thậm chí còn cao hơn nữa.

Giá hạt tiêu quá cao, trong khi giá các loại nông sản khác xuống thấp, thậm chí không bán được như mì đã và đang là liều thuốc kích thích bà con đua nhau trồng hồ tiêu, bỏ qua những khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn…”- ông Nguyễn Văn Gặp- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông cho biết.

Nhiều năm nay, nhờ vào xuất khẩu hạt tiêu đạt hiệu quả nên cây hồ tiêu có giá trị kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác. Tuy vậy, trong cơ chế thị trường, chưa ai dám chắc chắn giá hạt tiêu sẽ còn cao mãi mãi. Bên cạnh đó, các giống tiêu Lộc Ninh, Vĩnh Linh đang trồng đã già cỗi và thực tế qua nhiều năm nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra biện pháp đặc trị các bệnh dịch thán thư lá, vàng lá thối rễ tơ (chết chậm), tuyến trùng rễ gây hại cây hồ tiêu.

Thêm vào đó, hầu hết nguồn phân chuồng bón cho cây hồ tiêu đều mua bán trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, rất có thể mang nhiều mầm bệnh dịch. Vì những lẽ nêu trên mà việc trồng mới cây hồ tiêu rất khó tránh khỏi những rủi ro. Theo những lời khuyên của nhiều người có kinh nghiệm trên thương trường và đã thành công trong việc sản xuất, kinh doanh hồ tiêu thì bà con nên tập trung công của vào việc thâm canh, nâng cao năng suất vườn tiêu, tránh quảng canh; nên lượng sức đã có để đầu tư trồng tiêu, tránh đi vay nặng lãi, rất dễ lâm vào tình trạng mất vốn, nợ nần…

> Xem thêm tin tức và cập nhật giá tiêu mới nhất tại: http://www.giatieu.com/

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. nhat phong

    Rõ khổ cho nhà nông mình cứ trồng chạy theo giá thị trường hoài. Ở quê em năm vừa rồi giá sắn mì cao, thế là đua nhau trồng mì năm nay rủ nhau mà khóc, rồi năm tới giá mía cao không biết rồi sao nữa. Rõ khô cho nhà nông, có cách nào để khắc phục không?

Tin đã đăng