Vì thua lỗ lớn, chủ sở hữu “Coffee Đức Lập Minh An” và “Coffee Đức Lập Dakmil” dự định đem bán 2 thương hiệu này cho một doanh nghiệp Trung Quốc (từng lấy cắp thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột) với giá 18 tỉ đồng
Trong khi các cơ quan chức năng đang nỗ lực đòi lại nhiều thương hiệu hàng hóa của Việt Nam bị nước ngoài đánh cắp thì mới đây, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Minh An (xã Đức Minh, huyện Đắk Mil – Đắk Nông) gửi văn bản lên Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, cho biết sẽ bán nhãn hiệu cà phê đã được bảo hộ ở Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ nếu không được hỗ trợ cho vay vốn.
> Xem thêm các bài viết về công ty cà phê Đức Lập
Bán thương hiệu để trả nợ
HTX Minh An chuyên mua bán nông sản, chế biến cà phê bột xuất khẩu. Sản phẩm cà phê bột của HTX Minh An xuất khẩu dưới 2 nhãn hiệu hàng hóa là “Coffee Đức Lập Minh An” và “Coffee Đức Lập Dakmil”. Ngoài được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ tại nước ta, hai nhãn hiệu cà phê này cũng đã được đăng ký bảo hộ ở Trung Quốc và Mỹ.
Huyện Đắk Mil ngày trước có tên gọi là Đức Lập – vùng cà phê trọng điểm của tỉnh Đắk Nông. Thương hiệu cà phê Đức Lập cũng đã được nhiều nước trên thế giới biết đến. Vì vậy, tỉnh Đắk Nông đang có kế hoạch xây dựng thương hiệu cà phê của tỉnh có chỉ dẫn địa lý “Đức Lập”.
Thế nhưng, điều khá bất ngờ là HTX này đang đứng trước nguy cơ phá sản, buộc phải tính đến việc bán hai nhãn hiệu cà phê trên cho đối tác nước ngoài để lấy tiền trả nợ. Ngày 7-3, ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ nhiệm HTX Minh An, đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông đề nghị có biện pháp hỗ trợ HTX vay 5 tỉ đồng để bù đắp vốn kinh doanh; đồng thời nói rõ dự định sẽ chuyển nhượng 2 nhãn hiệu cà phê nếu không được hỗ trợ.
Ngày 23-3, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông đã có công văn trả lời, trong đó nêu rõ: Kiến nghị của HTX Minh An không thuộc thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông. Sở cũng thể hiện rõ quan điểm không có trách nhiệm liên quan trong trường hợp HTX Minh An chuyển nhượng nhãn hiệu cà phê cho nước ngoài.
Giá bán ngang tiền nợ
Từ khoảng năm 2006-2009, HTX Minh An làm ăn khá hiệu quả với nhiều giải thưởng uy tín trong nước và ngoài nước. Vậy nhưng, từ đầu năm 2010 đến nay, HTX này làm ăn thua lỗ, nợ chồng chất. Hiện nay, HTX này nợ người dân và 2 đơn vị 18 tỉ đồng, không có khả năng thanh toán và phải ngừng sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, HTX Minh An đang nợ thuế gần 500 triệu đồng.
Lý giải vì sao HTX nợ nần chồng chất dẫn đến ý định bán thương hiệu, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết vì một số lý do rủi ro trong kinh doanh, đã dẫn đến việc HTX nợ quá hạn ngân hàng hơn 3 tháng. “Khi đã tạm ổn định tình hình, HTX đã tới ngân hàng thanh toán để vay lại nhưng ngân hàng không cho vay nữa, dẫn đến không có vốn kinh doanh” – ông Toàn nói.
Thực chất theo tìm hiểu của chúng tôi, trong một thời gian dài, HTX Minh An đã nhận ký gửi cà phê của người dân với giá thấp rồi đem bán. Khi giá lên cao, người dân tới lấy cà phê thì HTX không đủ tiền để trả, dẫn đến lâm nợ. Ông Nguyễn Trọng Đính, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Minh, xác nhận HTX Minh An đang nợ gia đình ông 2,2 tấn cà phê nhân, ngoài ra còn nợ nhiều người khác.
Dựa trên tình hình thực tiễn, việc HTX Minh An bán hai nhãn hiệu cà phê “Coffee Đức Lập Minh An” và “Coffee Đức Lập Dakmil” là khó tránh khỏi. Ông Nguyễn Văn Toàn khẳng định người đại diện của một doanh nghiệp Trung Quốc từng lấy cắp thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột (Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.Ltd, tỉnh Quảng Đông – PV) đã liên hệ với ông hỏi mua lại nhãn hiệu này với giá 18 tỉ đồng – bằng với số tiền mà HTX này đang mang nợ.
Không được bán nhãn hiệu
Mặc dù không thừa nhận trách nhiệm giải quyết thuộc về mình nhưng trong văn bản trả lời HTX Minh An, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông đề nghị HTX Minh An không được chuyển nhượng nhãn hiệu cà phê cho doanh nghiệp nước ngoài; thay vào đó chuyển giao chỉ dẫn “Đức Lập” cho địa phương để xây dựng thương hiệu cà phê chung cho tỉnh Đắk Nông. Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cũng kiến nghị UBND huyện Đắk Mil không thừa nhận việc bán, chuyển nhãn hiệu cà phê cho nước ngoài.
Chuyên đề: DN Trung Quốc chiếm thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột
Thiết nghĩ việc HTX Minh An có ý định bán thương hiệu cà phê Đức Lập cho doanh nghiệp Trung Quốc là một việc làm không thể chấp nhận được. Còn việc vỡ nợ của HTX mong rằng các cơ quan chức năng nên tìm hiểu thật kỹ càng về nguyên nhân, không thể thu thập thông tin từ một phía như vậy. Theo tôi nghĩ nguyên nhân vỡ nợ là do trình độ quản lý của HTX còn yếu
Kinh doanh nhưng biến thành trò chơi rủi ro “cờ bạc” về giá, thì chỉ có nước “bán lúa giống mà ăn”!
Đầu tư mạo hiểm cũng cần phải có “căn cơ”!
Bán cho ai cũng được, nhưng đừng bán cho Trung Quốc.
Không bán cho Trung Quốc thì bán cho ai nữa? Các bác thử đặt mình trong địa vị của họ xem sao, nếu đây là miếng mồi ngon thì đâu đến lượt các DN Trung Quốc nhảy vào, mà chắc gì họ đã mua khi DN này không còn được sự bảo trợ của nhà nước. Cá bé bơi chậm thì chết sớm thôi, điều đơn giản mà.
Đừng nên bán cho Trung Quốc, nó phá hoại kinh tế mình nữa. Mong cơ quan vào cuộc xem xét lại!
Chuyện bán thương hiệu là chuyện bình thường. Trên thế giới đã có hàng tỉ lấn bán, ăn cắp thương hiệu, tranh giành thương hiệu để lấy tiền bù đắp thua lỗ cho công ty mình.
Như bên Trung quốc, tranh giành thương hiệu Apple để quyết lấy tiền bù đắp thua lỗ của họ. Thiết nghĩ đây là thương vụ mua bán trao đổi thương hiệu bình thường. Như thương hiệu phở 24, họ muốn bán, nhượng quyền…khắp nơi thì sao?
Thương hiệu muốn đem bán không phải là chỉ dẫn địa lý. Các cơ quan chính quyền Dăk Nông có nhiệm vụ phải mua, đăng ký chỉ dẫn địa lý Dăk Mil. Như Buôn ma thuột bị đăng ký trước, không phải lỗi của người đăng ký trước mà chính mình xem nhẹ thành phẩm của mình và chủ quan không đăng ký.
Còn, ai bù đắp thua lỗ cho người định bán thương hiệu? Ai sẽ vào tù ngồi dùm cho người bán thương hiệu? Hay chỉ châu miệng chửi thêm mà không có một mảy may xúc động.
Hãy giữ lại chút lương tri và sống tử tế với nhau. Thấy người thua lỗ mà không cứu rồi chứ… còn chửi rủa là không hay. Những người đang trách người đem bán (vì kẹt chuyện) hãy cho thử những người gặp khó này chừng vài chục triệu để cứu thử xem?
Đồng ý với ý kiến của bạn.
Những ý kiến các bạn phê phán việc bán thương hiệu cho nước ngoài là sai trái, vậy các bạn thử đứng ở vị trí người trong cuộc coi, rồi các bạn sẽ có suy nghĩ khác. Nếu như không lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thì người ta có phải bán đi tâm huyết của mình để cứu vãn không.
– “Khi đã tạm ổn định tình hình, HTX đã tới ngân hàng thanh toán để vay lại nhưng ngân hàng không cho vay nữa, dẫn đến không có vốn kinh doanh” – thiết nghĩ lúc này doanh nghiệp vừa vượt qua giai đoạn khó khăn thì nhu cầu vốn là tất yếu, cần đến sự hỗ trợ từ phía nhà nước nhưng ngân hàng không cho vay thì doanh nghiệp lâm vào cảnh nợ nần là đều tất yếu…
Thiết nghĩ bộ máy nhà nước và cơ quan chức năng tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp thì tốt biết mấy.
WTO rồi, thuận mua vừa bán là được, có lợi là làm, cho dù bán cho TQ các bác có thấy khó chịu 1 chút, nhưng đây là người có tài sản thì họ có quyền bán, không vi phạm pháp luật là được. Còn khi TQ mua rồi thì phải chiếu theo luật VN mà hoạt động, lúc này là trách nhiệm giám sát của các ngành chức năng, các bác khỏi phải lo, nếu họ làm tốt họ sẽ mua nguyên liệu giá cao hơn thì vẫn có lợi cho nông dân.
Nhượng quyền thương hiệu là chuyện bình thường trong kinh doanh, sao lại ngăn cấm được.
Đến cả bộ mặt của ngành chế biến cà phê Việt là nhà máy Vinacafe Biên Hòa cũng bán rồi có sao đâu.
Ừ nhỉ! Trước đây chị Dậu phải bán đàn chó và bán cả con để lấy tiền chuộc chồng. Bây giờ ông bố Tổng công ty cà phê chết rách bán luôn cái bầu sữa là nhà máy cà phê Biên Hòa để lấy tiền trả nợ. Ngẫm thấy thảm cho mấy công ty nhà nước.
Quan trọng hóa thương hiệu không cho bán tên miền… đều là những giải pháp tình thế. Việc nên làm là tìm rõ nguyên nhân gây nợ của CT Đức Lập để có sự chấn chỉnh chung cho các công ty doanh nghiệp trong nước để không cho họ thua lỗ tiếp diễn nữa. CT Đức Lập bán cho TQ với lý do không được vay vốn thì hệt kiểu hù dọa bắt buộc chính phủ phải tiếp tục giải ngân cho họ… thua lỗ? Nực cười cho việc biện minh này quá. Trình độ kinh doanh quản lý tài chính của họ học ở đâu mà có lý do kiểu thế này nữa không biết. Buồn thay cho ngành cafe của chúng ta!
Đừng nghĩ tự do mậu dịch là cơ sở để dễ giải quyết vấn đề. Vấn đề ở chỗ ta làm sao để tồn tại một nền kinh tế cafe Việt Nam ở con mắt thế giới, gặp khó khăn cố gắng củng cố, mời gọi liên doanh, hợp tác … Không cần phải nhãn hiệu việt là đúng mà ta chỉ cần made in Việtnam là của con người Việt.