Chưa đồng thuận thu phí xuất khẩu cà phê

Việc thu phí xuất khẩu cà phê để thành lập Quỹ bảo hiểm xuất khẩu ngành hàng cà phê (BHCP) đã được ông Đoàn Xuân Hòa, Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), nêu ra từ tháng 3.2011.

Thu phí xuất khẩu thực chất là khoản gián thu đối với người trồng cà phê

Mục đích là giúp ngành cà phê sản xuất, kinh doanh một cách chủ động, mang tính căn cơ, lâu dài… Đến cuối năm 2011, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) có các quyết định ra đời Quỹ BHCP. Theo đề nghị của Vicofa, từ tháng 10 năm nay sẽ thu 2 USD/tấn cà phê xuất khẩu cho quỹ. Quỹ sẽ chi các hoạt động hỗ trợ: tái canh cà phê, lãi suất vay tạm trữ cà phê, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê bị lỗ; mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại…

Thế nhưng, việc thu 2 USD/tấn cà phê xuất khẩu đang có nhiều ý kiến trái chiều. Một số DN tán thành việc thành lập nguồn quỹ này, nhất là DN trồng cà phê. Ủng hộ quỹ này, ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi (Đăk Lăk), phân tích hiện có đến 40-45% diện tích cà phê của nông hộ và DN đã già cỗi đang cần thay thế. Quỹ BHCP là sự hỗ trợ quan trọng cho việc tái canh, trẻ hóa vườn cây. Nếu không, chỉ khoảng 5 năm nữa sản lượng cà phê sẽ sụt giảm, mất đi thế mạnh trên thị trường xuất khẩu cà phê thế giới.

Trong khi đó, một số DN khác chưa hoàn toàn “thông” với việc thu phí xuất khẩu 2 USD/tấn cà phê. Ông Phan Hùng Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH Anh Minh, DN đứng thứ 5 về xuất khẩu cà phê của cả nước, cho rằng: “DN kinh doanh cà phê đang gặp nhiều khó khăn, việc thu phí xuất khẩu sẽ tạo thêm khó khăn chứ không phải thuận lợi. Và sẽ là bất hợp lý nếu như chỉ có DN trong Vicofa đóng phí, còn DN ở ngoài cũng xuất khẩu một lượng lớn cà phê lại không”.

Ông Phạm Ngọc Bằng, PGĐ Công ty TNHH ĐắkMan – Việt Nam, cho rằng việc lấy Quỹ BHCP để hỗ trợ cho những DN kinh doanh xuất khẩu thua lỗ như quy định trong quy chế quỹ là điều khó có thể chấp nhận, sẽ khiến DN ỷ lại, không công bằng đối với những DN khác. Vì thực chất việc thu phí xuất khẩu là khoản gián thu đối với người trồng cà phê, do DN phải hạ giá mua sản phẩm của nông dân.

Vì thế, tốt nhất là dùng phần lớn quỹ thu được để đầu tư trở lại cho tái canh, hỗ trợ thành lập các tổ chức sản xuất của người trồng cà phê, nhằm bảo vệ vườn cây, đầu tư hoạt động chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê. Ông Bằng cũng cho rằng phương án của Vicofa về thu phí xuất khẩu cà phê cho Quỹ BHCP chưa được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, bàn bạc kỹ lưỡng trong hội viên của tổ chức này nên chưa thực sự được tất cả các DN “tâm phục, khẩu phục”.

>> Thu phí xuất khẩu cà phê: Thu không khó, sử dụng quỹ hợp lý mới khó

Trần Ngọc Quyền

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Mạnh Cường-Dân cafe Dak Mil

    Tôi là người dân trồng cà phê. Xin thông qua Y5Cafe để lên tiếng phản đối việc thu phí xuất khẩu cà phê. Bởi vì thực chất đây là khoán gián thu lên người dân trồng cà phê.

    Việc tái canh cà phê là trách nhiệm của ngành nông nghiệp, thông qua hệ thống quản lý ngành theo địa phương đễ hỗ trợ cho hộ nông dân nào thực sự tái canh.

    Chúng tôi không cần VICOFA xía vào việc tái canh cà phê của chúng tôi. Vì chúng tôi không tin VICOFA làm thực sự là vì nông dân cà phê. Chúng tôi không bao giờ tin và kiên quyết phản đối.

  2. sontinh

    Tôi đồng ý với anh Mạnh Cường. Đây là một hình thức gián tiếp thu thuế người trồng cà phê; mục đích thu làm quỹ không và chưa rõ ràng; nhân danh người yêu nước tôi phản đối kịch liệt và kịch liệt

  3. Cafe con

    Sáng nay, thứ ba 17/4, lúc 10g30′ VTV1 phát lại phóng sự về vỡ nợ cà phê.
    Bà con nào chưa kịp coi hôm trước thì coi lại, nhất là những bà con hay ký gửi cà phê mà không trữ ở nhà.

  4. Nông Cà

    Đưa ra những “điều tốt đẹp” để bảo vệ cho việc thu phí!
    Nhưng thử hỏi trong quá khứ VICOFA đã làm gì cho nông dân?
    Vicofa nên đề nghị bên ngành nông nghiệp hỗ trợ nhiều hơn nữa cho nông dân để ngành cà phê ngày càng phát triển và chính Vicofa cũng được phát triển theo.
    Không nên “rút tỉa” lợi ích từ túi nông dân!
    Đề nghị Chính phủ dùng một phần nguồn thuế thu được từ việc xuất khẩu cà phê để tái đầu tư cho nông dân là hợp lý nhất!

  5. Công bằng

    Như đã biết, nông dân là người đóng phí cuối cùng khoản thu này! (gián thu)
    Ta xem xét đến yếu tố pháp lý!
    Phí là gì?
    Theo Pháp lệnh Số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về PHÍ VÀ LỆ PHÍ:
    “Điều 2:
    Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này.”
    Như vậy khi được cung cấp dịch vụ thì mới nộp phí, tất nhiên theo nguyên tắc: nhận dịch vụ nhiều thì đóng nhiều; nhận ít đóng ít; không nhận dịch vụ, không đóng phí!
    Vậy tổ chức cá nhân nào được Vicofa cung cấp dịch vụ tái canh cà phê, dịch vụ hỗ trợ lãi suất vay tạm trữ cà phê, dịch vụ hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững, dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu bị lỗ; dịch vụ mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại… thì mới đóng phí, và mức đóng tương ứng với mức hưởng dịch vụ.
    Tóm lại: Nông dân nào được hưởng dịch vụ tái canh cà phê của vicofa thì đóng phí. Nông dân nào không hưởng dịch vụ này thì không đóng phí!
    DN nào hưởng các dịch vụ còn lại của vicofa thì đóng theo mức tương ứng của dịch vụ. DN nào không hưởng dịch vụ thì không đóng phí!
    Công Bằng!

Tin đã đăng