Doanh nghiệp nông nghiệp: Nhiều nhưng không mạnh

Mía đườngMỗi năm, bình quân kinh tế nông nghiệp đóng góp trên 20% cho GDP của cả nước. Năm 2011, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 5,2% so với năm 2010…

Khó khăn – căn bệnh nan y

Theo nhận xét của ông Phạm Ngọc Thao – Hiệp hội mía đường VN tại một cuộc hội thảo gần đây về DN nông nghiệp thì nhiều DN nông nghiệp không có khả năng tiếp cận được các nguồn vốn vay của ngân hàng, nhất là các DN nhỏ. Nguyên nhân vẫn là chuyện muôn thuở; trong đó có các nguyên nhân hoàn toàn thuộc về chủ quan của DN như: phương án kinh doanh chưa khả thi, năng lực tài chính yếu chưa đủ điều kiện thế chấp và tín chấp đối với khoản vốn xin vay…

Bên cạnh đó là các nguyên nhân khác như: khả năng tiếp cận thị trường quốc tế của DN nông nghiệp còn yếu do còn thiếu thông tin về thị trường và các quy định của thương mại quốc tế; chất lượng sản phẩm nông sản vẫn còn thấp so với tiêu chuẩn xuất khẩu; khối lượng sản phẩm sản xuất không đáp ứng nổi các đơn hàng lớn… Tính đến nay, danh mục sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế của VN còn rất ít. Đây là nguyên nhân dẫn đên khả năng tiếp cận thị trường của các DN nông nghiệp bị hạn chế – ông Thao cho biết.

Thực tế số lượng DN nông nghiệp hiện nay là khá lớn. Do việc Chính phủ thực hiện chính sách sắp xếp, đổi mới DN nhà nước, cơ cấu DN nông nghiệp giữa khu vực quốc doanh và dân doanh đang có sự thay đổi. Ông Phạm Xuân Hoàn – Phó Trưởng ban đổi mới và quản lý DN nông nghiệp cho rằng, số lượng DN 100% vốn nhà nước ngày càng giảm, số lượng DN dân doanh ngày càng tăng. Trên 98% số DN nông nghiệp là các DN nhỏ và vừa. Số lao động bình quân làm việc trong một DN trên 40 người.

Trên 90% số DN nông nghiệp có vốn dưới 10 tỉ đồng; 6,5% số DN có vốn từ 10 đến 50 tỉ đồng và trên 1% số DN có mức vốn trên 200 tỉ đồng. Vốn sản xuất kinh doanh tính bình quân cho 1 lao động trong các DN nông nghiệp là 200 triệu đồng, bằng gần ¼ số vốn bình quân cho 1 lao động trong các DN của tất cả các ngành kinh tế.

Thông qua mức đầu tư vốn tại các DN nông nghiệp cho thấy, quy mô sản xuất của các DN nông nghiệp còn ở mức nhỏ so với nhu cầu thực tế và so với DN các ngành kinh tế khác. Quy mô vốn nhỏ khiến các DN khó khăn trong việc mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường.

Phần lớn các DN nông nghiệp Việt Nam có trình độ khoa học, công nghệ lạc hậu, tay nghề công nhân thấp do vậy chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ thấp, khả năng cạnh tranh yếu, chi phí giá thành cao, đầu tư đổi mới kỹ thuật và công nghệ còn thấp so với yêu cầu phát triển. Bên cạnh yếu kém về chất lượng sản phẩm hàng hóa, thì việc thiếu hụt về công nghệ thông tin và khả năng ngoại ngữ cũng là nguyên nhân quan trọng thể hiện DN nông nghiệp chưa thật sự có đủ sức mạnh trước yêu cầu cấp bách của hội nhập.

Theo ông Đoàn Trọng Lý – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty Chăn nuôi Chế biến và XNK (APROCIMEX): Chính phủ có nhiều chủ trương ưu tiên cho DN nông nghiệp, nhưng nhiều chính sách không đi vào cuộc sống và không giúp ích nhiều cho DN. Chẳng hạn về tín dụng ngân hàng lớn có vốn tốt nhưng không cho DN vay mà cho các ngân hàng nhỏ vay, rồi các ngân hàng này mới cho DN vay vốn với lãi suất cao.

Vượt khó từ cổ phần hóa

Theo thống kê mới nhất từ năm 2011 đến nay đã có khoảng 50.000 DN phá sản và giải thể. Tuy nhiên vẫn có con đường nếu DN biết nỗ lực vượt khó vươn lên – đó là chia sẻ của ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng viện quản lý kinh tế Trung ương. Tiến sĩ Thành cho rằng, trước những khó khăn đang vây tỏa hoạt động của các DNNN, thì Chính phủ nên có biện pháp hỗ trợ bằng cách giãn nợ, khoanh nợ cho các DN. Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống văn bản luật về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp để tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ giúp kiểm soát tốt hơn hoạt động của các DN nông nghiệp.

Ông Phạm Xuân Hoàn – Phó Trưởng ban Đổi mới và quản lý DN nông nghiệp cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ kiện toàn hệ thống tổ chức trợ giúp phát triển DN vừa và nhỏ nông nghiệp từ TƯ đến địa phương. Đồng thời, tháo gỡ tạo điều kiện cho các chính sách hỗ trợ DN nông nghiệp đi vào cuộc sống như miễn giảm tiền sử dụng đất, đào tạo nhân lực, phát triển thị trường, áp dụng khoa học công nghệ…

Một xu thế thấy rõ là DN nông nghiệp hiện đang mong muốn được cổ phần hóa. Ông Mai Xuân Triệu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngô, Giám đốc Cty tư vấn nghiên cứu phát triển ngô cho biết, Công ty hoạt động theo Luật DN nhưng lại trực thuộc đơn vị sự nghiệp nên sức cạnh tranh kém. Khi lượng giống thừa, phải họp lên họp xuống nên phản ứng chậm trước diễn biến thị trường. Nếu được cổ phần hóa, đơn vị sẽ tìm được cơ chế hoạt động phù hợp hơn, tăng tính cạnh tranh và năng động cho Công ty.

Không chỉ mong muốn được cổ phần hóa, nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho rằng: nếu có thể thì các DN nên liên kết sáp nhập với nhau để tạo nên thế mạnh cho DN nông nghiệp.

Năm 2012 nông nghiệp nông thôn là một trong 4 lĩnh vực được ưu tiên đầu tư hàng đầu. Đây là cơ hội tốt, những DN đã trụ qua được cơn sóng gió cần tận dụng triệt để – ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, ngân hàng nhà nước khuyến cáo.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng