Theo số liệu vừa công bố của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu quý 1/2012 ước đạt 24,5 tỉ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó khu vực xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 15,5 tỷ USD tăng 43,1%.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) quý I năm 2012 ước đạt 24,5 tỉ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2011 (tương đương với tăng 4,7 tỷ USD), trong đó KNXK của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt gần 9 tỷ USD, chiếm 36,7% tổng KNXK của cả nước, bằng cùng kỳ năm ngoái.
Còn KNXK của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 15,5 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng KNXK của cả nước, tăng 43,1%, nếu không kể dầu thô KNXK của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,8 tỷ USD tăng 48,8% so với cùng kỳ năm 2011.
Một điểm đáng lưu ý, trong quý 1/2012 xuất khẩu hàng hoá đã không được lợi về giá, bởi giá bình quân xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản giảm, trừ mặt hàng hạt tiêu và mặt hàng gạo. Nhóm khoáng sản có mặt hàng than đá giá xuất khẩu cũng giảm mạnh so với cùng kỳ.
Riêng về lượng xuất khẩu, mặt hàng cà phê sản lượng giảm do thời tiết không thuận lợi và cây cà phê đã già, tiêu thụ giảm nên lượng cà phê xuất khẩu giảm so với cùng kỳ khoảng 58 ngàn tấn.
Ngoài ra, mặt hàng gạo do giá gạo không tăng, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, tồn kho cao nên lượng xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ, giảm 67,4% tương đương với 818 ngàn tấn. Riêng mặt hàng cao su có lượng xuất khẩu tăng cao, tăng 37,6%, còn lại các mặt hàng nông sản khác lượng tăng nhẹ, tính trong nhóm, lượng xuất khẩu giảm đã làm giảm 196 triệu USD xuất khẩu…
Cùng với đó, trong quý 1/2012, xuất khẩu tăng ở tất cả các châu lục, trong đó tăng cao nhất là thị trường Châu Phi, ước tăng khoảng 77%, với những thị trường tăng gấp 3 và gấp 2 lần là: Ai Cập, Ăngola, Angiêri, Bờ biển Ngà, Nigiêria.
Về nhập khẩu hàng hoá quý I/2012 tăng chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng cần nhập khẩu, là nguyên liệu cho sản xuất, tăng 5,8%. Những mặt hàng tính được về lượng nhập khẩu tăng là lúa mỳ, chất dẻo nguyên liệu, cao su các loại, giấy các loại, thép các loại kim loại thường.
Trong số 14 mặt hàng tính được về lượng và giá nhập khẩu, thì có đến 7 mặt hàng lượng nhập khẩu giảm và do lượng nhập khẩu giảm đã làm giảm 650 triệu USD nhập khẩu.
Một tín hiệu tích cực trong thời gian vừa qua là nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu và hạn chế nhập khẩu, đều giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái tương ứng là giảm 19,5% và 9,7%. Trong đó đáng chú ý là giảm ở những mặt hàng như đá quý và kim loại quý, linh kiện phụ tùng ôtô và xe máy, ôtô và xe máy nguyên chiếc, điện thoại di động.