Tập đoàn Cargill vừa phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT và các đối tác hợp tác công tư đã thành lập Ban Quản lý Dự án Ca cao (PMU).
Ca cao Việt Nam có cơ hội nâng cao giá trị và thương hiệu.
Theo đó, PMU do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý được thiết lập nhằm đẩy mạnh hoạt động của dự án tăng cường phát triển ca cao bền vững tại Việt nam. PMU hỗ trợ cho Chương trình Phát triển Ca cao Bền vững của Cargill nhằm cải thiện đời sống cho nông dân trồng ca cao cũng như gia đình của họ, đảm bảo tính bền vững lâu dài của ngành sản xuất ca cao. Chương trình cũng tập trung vào việc giúp cho nông dân Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu ngày càng tăng đối với hạt ca cao phát triển bền vững và đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng cao.
Ông Greg Page, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Cargill toàn cầu cho hay: “Việt Nam đóng vai trò ngày càng lớn trong thị trường nông nghiệp châu Á và Ban Quản lý Dự án Ca cao là bằng chứng thể hiện sự cam kết của Chính phủ về việc phát triển ngành này. Cargill rất hân hạnh được là đối tác quan trọng trong các kế hoạch của Việt nam nhằm xây dựng ngành ca cao chất lượng cao và phát triển bền vững.”
Được biết, Cargill bắt đầu tiến hành các hoạt động phát triển ca cao tại Việt Nam từ năm 2004, đưa công nghệ xây dựng nhà ươm giống cây ca cao và sản xuất các loại giống chất lượng cao, đồng thời đào tạo kiến thức cho người trồng ca cao. Từ năm 2004 đến nay, đã có hơn 12.000 nông dân đã được hướng dẫn trồng ca cao theo phương pháp tiên tiến như cách kiểm soát sâu bệnh và cách ủ lên men hạt ca cao, giúp họ tăng sản lượng và cải thiện thu nhập. Trong năm 2010-2011 đã có 900 nông dân tiếp tục được đào tạo nâng cao để đạt được tiêu chuẩn chứng nhận UTZ. Mục tiêu trong năm 2011-2012 của Cargill là sẽ đào tạo nâng cao cho thêm 1.000 nông dân nữa.
Hiện, Cargill cũng đã xây dựng 3 trạm thu mua gần khu vực trồng ca cao, giúp người nông dân Việt Nam tiếp cận với thị trường dễ dàng hơn. Năm 2011, Cargill đã đạt được một bước tiến quan trọng với thành quả là hạt ca cao được sản xuất bền vững đạt tiêu chuẩn Chứng nhận UTZ từ ba đơn vị đầu tiên được cấp chứng nhận này. Ca cao được sản xuất bền vững đạt Chứng nhận UTZ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất ca cao Việt Nam nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm. Tính đến cuối năm 2011, có 6 đơn vị được cấp chứng nhận, và mục tiêu cuối năm 2012 là con số này sẽ tăng thêm 4 đơn vị nữa.
Thúy Nga