Thị trường cà phê: những dấu hiệu đáng ngờ

Những cơn mưa vàng đã giúp nông dân còn cà phê khỏi bán lấy tiền trả chi phí tưới. Nhờ thế, sức ép bán ra đã được “hóa giải”. Và quyền quyết định giá mua bán hàng ngày lại được chuyền sang tay các đại lý và người trữ hàng.

Giá xuất khẩu trên cơ sở trừ lùi vẫn còn cao, chặn hàng cấp thấp lại trong nước, trong khi Brazil tranh thủ bán hàng arabica vụ mới để quyết giành lại thị phần hàng arabica đã mất bấy lâu về tay robusta.

Biểu đồ giá cà phê Robusta
Biểu đồ 1: giá đóng cửa robusta NYSE Liffe trong tuần

Mưa vàng…chặn hàng bán ra

Từ mươi ngày nay, những cơn mưa vàng ở nhiều vùng trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đã làm giảm cơn khát. Đáng ra, trong những ngày này, nông dân cà phê đã phải đôn đáo lo tưới vườn cây của họ. Những trận mưa đúng dịp đã làm mát đất, tươi cây, tốt trái…và quan trọng hơn là mưa vàng đã giúp họ chưa phải vội bán cà phê ngay.

Thường thường, đối với thị trường cà phê, có những thời điểm mà quyết định bán ra hay giữ lại hết sức cân não, và có ảnh hưởng nhãn tiền đến thị trường. Trước đây, ở giai đoạn cận Tết, nhiều người nghĩ nông dân có thể cần tiền tiêu tết, phải bán ra.

Đến những tháng giữa mùa khô, có những lúc họ rủ nhau tưới chung hầu như cùng một lượt tại một vùng nào đó, lại phải cần tiền chi phí xăng dầu, công cán, dịch vụ…Nên, thị trường rất dễ “bắt bài” bán ra.

Thực vậy, nhiều người cần bán cùng một lúc, tạo nên sức ép bán ra, làm giá xuống nhanh nên có thể gây thiệt hại không chỉ cho một vài người mà cho cả thị trường ở những thời điểm ấy. Những cơn mưa vàng hiện đang làm chậm sức bán ra, tạo cơ hội cho giá nội địa và xuất khẩu vững thêm trong mấy ngày nay, dù trong tuần, giá niêm yết của thị trường kỳ hạn (TTKH) robusta Liffe NYSE cứ một ngày một vơi đi dưới sức ép giảm mạnh của TTKH arabica Ice New York.

Giá arabica Ice hôm thứ năm 22-5-2012 đã giảm xuống mức sâu nhất tại 178 cts/lb tính từ 17 tháng nay cơ sở giá tháng 7-2012, nay là tháng giao dịch chính của arabica Ice. Như vậy, giá arabica ICE đã mất 2.825 đô la Mỹ/tấn, so với mức đỉnh lập ngày 31-5-2011.

Giá TTKH robusta cuối tuần đóng cửa chốt mức 2.033 đô la/tấn cơ sở tháng 5-2012, tăng 25 đô la trong ngày nhưng giảm 7 đô la so với tuần trước (xin xem biều đồ 1 phía trên). Giá kỳ hạn tăng, đẩy giá nội địa lên cận mức 40.000 đồng/kg trở lại.

Quyền quyết định thị trường đang được chuyền tay

Với thị trường cà phê, trong suốt năm kinh doanh, thỉnh thoảng có những nút quan trọng cho quyền quyết định giá giai đoạn sau đó. Những ngày qua, theo lẽ thường, nông dân phải bán ít nhiều cà phê còn cất giữ để trả tiền tưới tắm cho vườn cà. Nhưng, những cơn mưa vàng đã làm họ đỡ tốn các chi tiêu ấy.

Nên, sức ép bán đã không xảy ra. Giá nội địa trong tuần chủ yếu vẫn quanh quẩn trong khu vực 39.500 đồng/kg. Một khi lực bán ra từ nhiều khu vực nông dân nay không còn, ngay lập tức, quyền quyết định giá của thương trường sẽ được chuyển qua cho khu vực khác.

Đó chính là lực lượng đại lý và những người đầu tư nhỏ lẻ gồm mỗi người chừng 50-100 tấn nằm rải rác trên khắp toàn vùng nguyên liệu. Có thể trong số ấy có một ít nông dân giàu có, tiền nhàn rỗi còn, mua thêm vài mươi tấn cà phê chủ ý kiếm lời sau này nếu giá tăng.

Hiện nay, theo ý kiến của ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, nước ta có chừng 90% nông dân cà phê là chủ vườn cà dưới 1 héc-ta. Nên, nếu có giỏi lắm, mỗi người nay còn từ 3 đến 5 tấn hàng chính do họ sản xuất ra.

Với chừng ấy, cho từng nhà, vui để lại buồn bán đi, thực sự nông dân đã chuyển quyền quyết định thị trường hàng ngày cho lực lượng đại lý và đầu tư nhỏ lẻ nói trên.

Những đợt giá nội địa tăng gặp mức 40.000 đồng trước đây và như ngay cả sáng nay 24-3, đều bị lực lượng này chặn lại do họ bán ra chốt lời và giá niêm yết trên TTKH robusta không thể bung lên mạnh do sức bán mạnh cùng một lúc từ lực lượng này.

Đấy chính là lượng hàng quyết định (working stocks). Còn, nông dân hiện nay, mỗi người một ít để tại góc nhà, đã trở thành lượng tồn kho “âm ỉ” (invisible stocks). Lượng hàng tồn kho “âm ỉ” chỉ thực sự bung mạnh, tạo sức ép bán ra khi giá vượt trần bất ngờ.

Thí dụ như bỗng nhiên có một tin giật gân nào đó, làm giá TTKH robusta tăng đột biến từ mức hiện nay 2.030 đô la/tấn lên thành 2.500 đô la chỉ trong vòng một hai ngày. Và có thể nông dân chê mức 40.000 đồng để tìm ở mức 43.000 đồng/kg chẳng hạn.

Những dấu hiệu đáng ngờ…

Trong thời gian qua, nhiều người vui mừng vì giá arabica Ice New York rớt thê thảm nhưng robusta Liffe NYSE hầu như bình chân như vại. Song, đằng sau hoạt động “vui tươi” ấy, giới chuyên môn cũng đang báo thị trường cần cảnh tỉnh: do Brazil bán ra mạnh vì đồng tiền nội tệ BRL (reais) mất giá so với đồng đô la Mỹ, các nhà xuất khẩu Brazil đánh hơi sản lượng niên vụ 2012-13 bội thu.

Mặt khác, có thể Brazil chủ động bán arabica vụ mới nhiều để kéo ngắn lại giá cách biệt (arbitrage) giữa arabica Ice với robusta Liffe NYSE, từ trên 4.100 đô la Mỹ vào tháng 9-2011 nay chỉ còn dưới 1.900 đô la. Dựa trên yếu tố này, các nước xuất khầu arabica đang cố giành lại thị phần trước đây đã để mất vào tay các nước xuất khẩu robusta do giá TTKH arabica quá cao.

Dưới con mắt chuyên môn, thị trường đang trong đợt làm giá cho niên vụ mới khi hàng arabica của Brazil thực sự bung ra thị trường.

Biểu đồ chênh lệch giá cà phê Arabica, Robusta
Biểu đồ 2: Giá cách biệt giữa arabica NY và robusta LDN co lại nhanh

Đối với giới kinh doanh cà phê hàng thực, giá mua bán xuất khẩu dựa trên mức chênh lệch (hay còn gọi là giá chốt sau, price-to-be-fixed/ptbf) giữa giá niêm yết trên TTKH và giá FOB là rất quan trọng. Vì hầu hết đều dựa trên ấy để tính cung cầu và tránh rủi ro khi mua giá “tươi”, tức giá đơn vị được quyết định ngay khi mua bán (outright).

Giả sử giá hiện nay trên TTKH robusta là 2.033 đô la/tấn và giá ptbf là trừ 30 đô la dưới giá niêm yết, có thể mức này người ta sẽ không mua. Nhưng, ngày mai, bỗng nhiên giá tăng đột biến lên 2.500 đô la và có người chào trừ 100 đô la dưới giá TTKH.

Với mức trừ lùi rẻ ấy, các nhà nhập khẩu sẽ mua ào ào. Còn giá niêm yết trên TTKH có tăng lên 4.000 đô la hay giảm chỉ còn 1.700 đô la/tấn, đối với cách kinh doanh này, vẫn không ảnh hưởng mấy đến hoạt động của họ.

Thế mà, trong những ngày qua, giá ptbf xuất khẩu ở mức trừ 30 hay trừ 40 đô la/tấn cho loại 2, 5% đen vỡ đối với họ là quá cao, không đủ trả phí. Nên, nếu thiếu, họ chỉ mua cầm chừng và chuyển qua mua nhiều loại đặc biệt, loại tốt hơn.

Biểu đồ lượng cà phê tồn kho trên Liffe
Biểu đồ 3: Lượng tồn kho robusta có xác nhận Liffe NYSE tiếp tục giảm

Nên, trong thời gian tới, rất có thể một lượng hàng xấu sẽ vẫn lưu hành chung quanh các kho nội địa. Khách hàng sẽ không mua hay chỉ mua với giá ptbf rẻ cho loại cấp thấp ấy. Biết đâu, giá rẻ này sẽ kéo giá các loại khác tốt hơn đi chung xuồng!

Cho đến nay, khách hàng tiếp tục chê giá loại 2, 5% đen vỡ của ta quá mắc nên đành mua loại 2 Liffe có chất lượng tốt hơn, giá rẻ hơn tại các kho châu Âu. Nên, báo cáo tồn kho có xác nhận chất lượng mới nhất của sàn robusta Liffe NYSE tiếp tục giảm, xuống còn 192.320 tấn, giảm trên 10.000 tấn trong vòng 2 tuần cách biệt thời gian của báo cáo trong khi hàng cấp thấp của ta vẫn bị ế do giá ptbf cao (xin xem biểu đồ 3 phía trên).

Giá cước vận tải biển đã tăng mạnh vào đầu tháng 3 và sẽ tăng tiếp vào đầu tháng 4-2012 cũng đang đe dọa giá ptbf giảm nay mai.

Đấy là những dấu hiệu bất lợi, cần nghiên cứu kỹ, để giúp thị trường sau này tránh những hậu quả đáng tiếc.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. vu

    Bà con hết sức cẩn trọng. Nhà đầu cơ họ muốn mua giá 40.000 chẳng hạn họ chỉ cần đẩy giá xuống 37.000 một thời gian khoảng hơn một tháng sau đó đẩy giá lên lại giá 39.000- 40.000 là bà con ta sẽ bán gần hết ngay, vì lúc đó bà con vừa cần tiền vừa sợ giá xuống lại nên thi nhau bán làm cho giá sẽ xuống sâu hơn.

  2. trần duy trí

    Như vậy nhà nông vẫn là nhà nông thôi, càng chờ càng vô vọng, chỉ có tiền nhàn rỗi mới hết còn khổ. Nhà tôi bán cả đất vì làm cà fê rồi, nay chỉ còn vài tạ đợi lên chắc khó, vậy ai có thể giúp chúng tôi được ko, bán hay tiếp tuc đợi

  3. Văn Thành

    Các chiến thuật mới được tung ra để giằng co giá. Bà con có cà bình tĩnh ! Bra còn lâu mới thu hoạch, lấy đâu ra cà mà chiếm lại thị phần.

  4. Thuận Hòa

    Thông thường khi đã gọi là Đầu Cơ thì bất luận thế nào việc chê giá cả đắt đỏ – chất lượng thua kém là điều sẽ xảy ra. Họ càng chê thì càng chứng tỏ họ rất khan hiếm hàng. Tôi rất tâm đắc khi thấy bài viết của bạn Vu bên trên. Các nhà đầu cơ chỉ cần đè giá kỹ thuật xuống trong vài ngày hay vài tuần rồi đưa lên trả lại mức giá ban đầu thì đã tạo ra tâm lý cafe lên để bà con Vét Kho. Việc Braxin thu hoạch xuất khẩu cũng chưa thể làm cho thị trường đứng vững vì cung luôn luôn đi chung với cầu thì mới cân bằng. Việt Nam ta bán nhỏ giọt thì nguồn cung vẫn còn thiếu trầm trọng.

  5. coffe city

    Đầu tuần lên coi giá cafe đang lên mừng quá trời luôn. Hy vọng giá còn lên nữa để bà con đỡ khổ. Chúc bà con bán được giá cao.

  6. Tâm Nhân

    -…có thể Brazil chủ động bán arabica vụ mới nhiều để kéo ngắn lại giá cách biệt (arbitrage).

    Tại sao người Brazil chủ động kéo ngắn giá cách biệt? Họ làm như vậy bằng cách bán ra một lượng hàng ồ ạt với giá rẻ, để làm gì? Tạ sao họ muốn cho giá hạ xuống, không lý nào?

    Đúng là đáng ngờ thật!

  7. nguyên

    Bài viết của tác giả Nguyễn Quang Bình được đăng tải trên SG times, đọc qua tôi thấy có gì đó chưa ổn về lập luận, dẫn số liệu thiếu chính xác. Xin trích …”Giá arabica Ice hôm thứ năm 22-5-2012 đã giảm xuống mức sâu nhất tại 178 cts/lb tính từ 17 tháng nay cơ sở giá tháng 7-2012, nay là tháng giao dịch chính của arabica Ice. Như vậy, giá arabica ICE đã mất 2.825 đô la Mỹ/tấn, so với mức đỉnh lập ngày 31-5-2011″…
    – Hôm nay mới tháng 3/2012 thôi, mà đưa ra số liệu ngày 22/05/2012 là không đúng ( có thể đánh máy nhầm) Tôi tạm hiểu tác giả muốn nói là ngày 22/03/2012!
    – Giá 178 cent/lb thiết lập ngày 22/03/2012 trên sàn ICE không phải là giá thấp nhất trong 17 tháng qua ( từ 22/03/2012 trở về 22/10/2010)
    – Giá đỉnh trên ICE không được thiết lập vào ngày 31/05/2011!
    Tác giả và BBT giacaphe.com có thể kiểm chứng và cung cấp lại thông tin cho bạn đọc!
    solar670@gmail.com

  8. Tiêu Cay

    Chỉ cánh nhà buôn mới viết bài lắm thông tin như vậy, gãi nhột tai bà con nông dân.

    Cuộc chiến giữa dao rựa (người sản xuất) băm với dao phay (nhà buôn) cuối cùng xem dao nào mẻ ?

    Bà con ta bình tĩnh không hoang mang trước sự hù dọa của nhà buôn. Đến tháng 10 mới thu hoạch vụ mới. Thời gian còn rất dài, bà con ttrồng cà phê, các đại lý, các DN Việt Nam còn trữ cà phê dù nhiều dù ít hãy bán nhỏ giọt để cho thế giới thật thèm hãy bán, giá chắc chắn sẽ cao.

    Sản lượng cà phê vối và hồ tiêu VN nhiều nhất thế giới, hồ tiêu VN cầm chịch, chi phối giá thế giới mấy năm rồi, cà phê VN cũng sẽ làm được.

    Đề nghị Nhà nước hãy xuất ngân sách, tín dụng đầu tư, quỹ Tam nông… cho nông dân vay để tái sản xuất và giữ cà phê, hồ tiêu góp phần làm tăng giá trị xuất khẩu làm giàu cho tổ quốc.

  9. Bùm!

    -Ngày 31/5/2011 giá cà phê Arabica tại ICE là 265,5 cent/lb thì không thể cho là đỉnh được.
    -Ngày 22/5/2012 là ngày nào?
    … là có ý gì, tin vịt chăng?

  10. duchuy

    Trích:…”Giá arabica Ice hôm thứ năm 22-5-2012 đã giảm xuống mức sâu nhất tại 178 cts/lb tính từ 17 tháng nay cơ sở giá tháng 7-2012, nay là tháng giao dịch chính của arabica Ice. Như vậy, giá arabica ICE đã mất 2.825 đô la Mỹ/tấn, so với mức đỉnh lập ngày 31-5-2011″….
    Đề nghị Y5 kiểm chứng lại nguồn dẫn trên vì:
    – Hôm nay vẫn chưa đến ngày 22/5/2012
    – Giá 178 cent/lb không phải là mức sâu nhất trong vòng 17 tháng qua
    – Giá đỉnh chưa bao giờ được lập vào ngày 31/5/2011, và do đó giá Arabica đã mất đi so với mức đỉnh không phải là con số 2.825USD/tấn.

Tin đã đăng