Đắk Lắk: Quá nhiều thách thức trong việc lập lại trật tự kinh doanh lâm sản

Kỳ 1: Từ những “điểm nóng”

Trong một thời gian dài, các cơ sở khai thác, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh phát triển khá “nóng” nhưng lại thiếu sự quản lý của chính quyền cơ sở và cơ quan chuyên môn. Không những thế, phần lớn các cơ sở này không xây dựng được vùng nguyên liệu nên ai dám chắc rằng họ không mua bán gỗ trôi nổi, bất hợp pháp, thậm chí tiếp tay cho lâm tặc…

Thấy gì qua các đợt kiểm tra rà soát?


Tình trạng khai thác gỗ trái phép diễn ra nhức nhối ở Buôn Đôn.

Trong đợt kiểm tra, rà soát cuối năm 2011 của Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đối với 15 xưởng chế biến gỗ tại huyện Buôn Đôn, Đoàn đã phát hiện nhiều sai phạm: hoạt động kinh doanh trái ngành nghề đăng ký, sử dụng đất sai mục đích hoặc vượt quá mức cho phép, xây dựng xưởng chế biến gỗ không phép hoặc vượt quá quy định, không đăng ký cam kết bảo vệ môi trường…

Về đăng ký kinh doanh và chấp hành hoạt động kinh doanh theo ngành nghề đăng ký, trong số 15 đơn vị, có 9 đơn vị đăng ký nghề chế biến, cưa xẻ gỗ, sản xuất mộc dân dụng; 6 đơn vị chỉ đăng ký ngành nghề sản xuất mộc dân dụng. Tuy nhiên, khi kiểm tra, có trường hợp chỉ đăng ký sản xuất hàng mộc dân dụng nhưng lại hoạt động cả ngành nghề gia công cưa xẻ gỗ.

Về mặt bằng sản xuất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có 3 đơn vị thành lập và hoạt động trước khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 9 đơn vị xây dựng không đúng nội dung giấy phép, không có hoặc không cung cấp được giấy phép như: hộ kinh doanh Lừng Nguyễn Trung Nguyên, Nguyễn Đức Hóa, Công ty TNHH Khánh Mỹ, xưởng chế biến gỗ Bản Đôn – Công ty Cổ phần Vinaford Dak Lak… Bên cạnh các đơn vị chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến ngành chế biến gỗ đã đăng ký, vẫn còn không ít đơn vị vi phạm nhưng chưa bị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Tương tự như Buôn Đôn, hoạt động chế biến, kinh doanh lâm sản ở huyện Ea Súp cũng phức tạp không kém. Đó là tình trạng nhiều cơ sở chế biến gỗ xây dựng trái phép, hoạt động không đúng với ngành nghề đăng ký, có đơn vị chỉ đăng ký mua bán gỗ nhưng lại lập xưởng sản xuất chế biến gỗ. Trong số 24 đơn vị được kiểm tra vào cuối năm 2011, có đến 20 đơn vị không có hoặc không cung cấp được giấy phép xây dựng xưởng; 17/24 đơn vị không có phương án hoặc cam kết bảo vệ môi trường; 15/24 đơn vị không xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy…

Thêm nữa, hầu hết các xưởng chế biến gỗ nói trên đều xây dựng không phù hợp với quy hoạch cụm công nghiệp (CCN), điểm quy hoạch (ĐQH) phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện, ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương.

Những bất ổn từ hoạt động chế biến gỗ


Rừng Ea Súp vẫn luôn đối mặt với những thách thức bởi nạn
khai thác, buôn bán, tàng trữ lâm sản trái phép.

Trước thực trạng quá nhiều bất ổn của hoạt động chế biến lâm sản, từ năm 2007, UBND tỉnh đã chỉ đạo ráo riết việc lập lại trật tự mạng lưới chế biến gỗ trên địa bàn, đóng cửa các xưởng chế biến gỗ trái phép trong hoặc gần rừng.

Đến giữa năm 2009, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành liên quan kiên quyết đình chỉ tất cả các xưởng cưa không có giấy phép cũng như các xưởng cưa bố trí không hợp lý; đồng thời tiến hành di dời một số xưởng cưa về các khu, CCN. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn tình trạng các cơ sở chế biến lâm sản vi phạm các điều kiện về bảo bảo đảm kinh doanh ngành nghề chế biến gỗ.

Số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy: trong số trên 500 đơn vị hoạt động liên quan đến chế biến gỗ, chỉ có hơn 80 doanh nghiệp, còn lại chủ yếu là cơ sở, mộc dân dụng sản xuất theo hình thức hộ gia đình, nhỏ lẻ, yếu kém và manh mún, quy trình công nghệ lạc hậu, sản phẩm tinh chế còn thấp. Toàn tỉnh chỉ có khoảng 20 đơn vị đầu tư thiết bị có khả năng sản xuất đồ mộc tinh chế, ván nhân tạo đã được tập trung tại CCN Tân An TP. Buôn Ma Thuột, Trường Thành (Ea H’Leo) và Krông Buk.

Ngoài ra, do phần lớn các cơ sở chưa xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định (chỉ có khoảng 30 cơ sở làm được điều này), số còn lại chỉ sản xuất theo mùa vụ vì nguồn nguyên liệu bấp bênh. Chưa kể còn có không ít cơ sở chưa thực hiện biện pháp phòng cháy chữa cháy hoặc cam kết bảo vệ môi trường; tình trạng trốn thuế, thậm chí mua gỗ trôi nổi, bất hợp pháp, tiếp tay cho lâm tặc vẫn còn diễn ra, khiến cho các hoạt động khai thác gỗ, phá rừng trái phép tại một số địa phương trong tỉnh ngày một thêm nóng bỏng…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng