Khác với những năm trước, năm nay một mùa điều ảm đạm, mất mùa, giá xuống thấp đã làm không ít hộ nông dân rơi vào cảnh khốn khó. Ở xã Đồng Nai (Bù Đăng-Bình Phước) nhiều vườn điều đang bị khô cành, rụng lá, dẫn đến cây chết rải rác và nguy cơ trắng tay vì cây điều là điều khó tránh khỏi.
Sâu bệnh mất mùa
Thôn 7, xã Đồng Nai hiện có hơn 100 ha điều đang trong tình trạng khô cành, rụng lá, dẫn đến chết cây. Người dân phải chặt bỏ những cành, nhánh bị chết khô và phun xịt thuốc để cứu sống những cây còn lại. Hàng chục hộ trồng điều ở thôn 7 đang lâm vào cảnh khốn khó, bởi gánh nặng của một mùa điều thất bát.
Nhà chị Sen nghèo, không có khả năng vay vốn đầu tư nên 6 ha điều của gia đình ở thôn 7 còi cọc do không được bón phân, cũng không phun xịt thuốc khi có sâu bệnh gây hại. Nhờ lấy công làm lãi nên năm trước chị Sen thu về 200 triệu đồng. Năm nay, khi cây có hiện tượng lạ, ban đầu chỉ là chết nhánh nhỏ, sợ lan ra các cây khác, chị cùng chồng tỉa bớt nhánh để tạo độ thoáng. Thế nhưng cây điều vẫn bị chết nhánh và lan rộng sang những cây khác. Chị Sen ngao ngán: “Đã gần nửa mùa thu hoạch nhưng chỉ thu được hơn 30kg. Điều bị mất mùa mà giá chỉ có 19.500 đồng/kg, cái đói đã hiện trước mắt rồi”. Còn anh Điểu Bôn than thở: “Vườn điều nhà tôi cũng bị chết nhánh và 5 cây đã chết hẳn. Nghe nói cây bị bệnh, tôi mua thuốc theo chỉ dẫn của đại lý về phun xịt nhưng không hết”.
Anh Điểu Leng ở thôn 6 tiếc ngẩn ngơ vì phải đốn bỏ những cây điều bị chết. Nhà Điểu Leng có 2 ha điều, bình quân mỗi năm thu về hơn 3.000kg hạt điều. Những năm được giá thì kinh tế gia đình cũng tạm ổn. Năm nay, điều ra hoa, đậu trái bình thường nhưng sau đó xuất hiện những cơn mưa trái mùa và sương muối, khiến cây cháy lá, khô cành, lan trên diện rộng và cây bị chết rải rác. Để cứu vườn điều, anh Điểu Leng đã đến các đại lý, cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật mua thuốc điều trị nhưng cây điều vẫn bị chết nhánh. Điểu Leng nói: Vụ này, cả vườn điều thu chưa đầy 100kg, từ giờ đến cuối năm biết lấy gì mà ăn. Trước mắt, hai vợ chồng sẽ đi tìm việc làm thuê ở các vườn, rẫy khác, đắp đổi qua ngày.
Thua lỗ vì điều
Không chỉ có các hộ trên mà còn rất nhiều hộ ở xã Đồng Nai cùng chung cảnh ngộ và nguy cơ mất mùa điều nặng nhất vẫn là thôn 7. Những năm trước, vườn điều của người dân thôn 7 là điển hình của xã, bởi năng suất cao.
Không chỉ buồn vì vườn điều rộng 6 ha mới chỉ thu được gần 100kg, vợ chồng chị Nguyễn Thị Dũ ở thôn 7 lại nơm nớp lo ngại khoản tiền ứng trước cho hàng chục hộ dân trong thôn để thu mua hạt điều. Cũng như mọi năm, trước vụ thu hoạch điều 2012, chị Dũ đã ứng 150 triệu đồng cho người dân để đến vụ thu hoạch sẽ mua điều và trừ vào tiền ứng trước của từng hộ. Thế nhưng, năm nay nhà nào cũng thất thu nên lượng điều thu gom về rất ít, nguy cơ chết vốn là rất cao. Chị Dũ than thở: Vườn điều của gia đình mất mùa, còn buôn bán hạt điều thì thua lỗ, vợ chồng tôi chẳng biết xoay xở thế nào nữa.
Ông Điểu Khen, Phó trưởng ban điều hành thôn 7, xã Đồng Nai, cho biết: Thôn có hơn 100 ha điều, đây cũng là nguồn thu duy nhất của người dân. Điều đáng nói là ở thôn 7 có trên 90% hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Với nguy cơ mất mùa điều nặng nhất so với các thôn khác trong xã, tới đây cuộc sống của các hộ dân sẽ rất khó khăn, nguy cơ tái nghèo, đói giáp hạt có thể sẽ xảy ra.
Hải Châu