Lấy lý do đang thời kỳ sản xuất cao điểm, nhà máy đường An Khê vẫn tiếp tục tống ra sông Ba nước thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng cả một đoạn sông, đoạn qua thị xã An Khê, huyện Kon Chro. Dù đã xác định “thủ phạm”, nhưng chính quyền địa phương cũng không thể đóng cửa nhà máy.
Người dân bị khốn đốn
Vừa hồi sinh được vài tháng, sông Ba, đoạn chảy qua thị xã An Khê, Kon Chro (tỉnh Gia Lai) lại bị “bức tử” nghiêm trọng. Dòng sông đoạn chảy qua thị xã An Khê như một vũng bùn, rác khổng lồ, mùi hôi thối nồng nặc trùm lên cả đô thị miền cao này. Từ sau tết Nhâm Thìn đến nay, con sông bị khô cạn, trơ ra những bãi đá cùng rác rưởi. Ông Cao Văn Tuấn (ngụ phường An Bình, thị xã An Khê) nói: “Bây giờ hầu như ai cũng ngại lại gần dòng sông, càng không dám bước xuống đó, bởi vì nó hôi thối và khô cạn”.
Theo người dân ở phường Tây Sơn, thị xã An Khê, từ khi dòng sông bị kiệt, phần lớn các giếng nước ở địa phương cũng bị thiếu nước, thậm chí, giếng nước cũng không thể sử dụng được do nước đen ngòm và có mùi hôi. Bà Phạm Thị Bạc, ngụ tổ 8, phường An Bình than: “Suốt ngày nhà phải đóng cửa nên không còn làm ăn gì được, mà có mở ra buôn bán cũng không ai dám đến mua”.
Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ tịch UBND thị xã An Khê cho biết: “Trước tết, chúng tôi yêu cầu ban quản lý dự án thuỷ điện 7 tăng lưu lượng xả nước từ hồ thuỷ điện An Khê – Ka Nak ra sông Ba để cuốn trôi nước thải ô nhiễm. Tuy nhiên, chỉ tăng lưu lượng được vài ngày, thuỷ điện An Khê – Ka Nak lại giảm lưu lượng xả nước, nên hiện nay sông Ba bị khô cạn, ô nhiễm. Trong khi đó, dù biết nước thải của nhà máy đường An Khê là tác nhân gây ô nhiễm, nhưng do nhà máy đang thời kỳ sản xuất cao điểm, nên không thể buộc nhà máy này đóng cửa”.
Nhà máy càng hoạt động, sông Ba càng ô nhiễm
Kết quả kiểm nghiệm của chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Gia Lai đối với các mẫu nước thải từ nhà máy đường An Khê xả ra sông Ba cho thấy, có ba thành phần vượt tiêu chuẩn cho phép hơn mười lần. Do đó, chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vừa ra quyết định xử phạt nhà máy đường An Khê 180 triệu đồng do có nhiều vi phạm về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện nay nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động và xả nước thải ô nhiễm ra sông Ba.
Ông Nguyễn Văn Hoà, phó giám đốc nhà máy đường An Khê, thừa nhận: “Nhà máy của chúng tôi là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm sông Ba. Hiện nay, chúng tôi đang nâng công suất của nhà máy từ 4.500 tấn mía/ngày lên 10.000 tấn mía/ngày nhưng do thời gian đầu tư gấp, nên hệ thống xử lý nước thải chưa hoàn chỉnh. Hiện nay nhà máy đang đầu tư 40 tỉ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải khép kín, có lẽ khoảng một tháng nữa sẽ cơ bản hoàn chỉnh”.
Trong khi chờ xây dựng hệ thống xử lý trên, hiện nay hàng ngày nhà máy đường An Khê vẫn tiếp tục tống ra sông Ba lượng nước thải chưa qua xử lý khiến dòng sông bị “bức tử”. Ông Võ Luỹ, trưởng ban quản lý dự án thuỷ điện 7, chủ đầu tư công trình thuỷ điện An Khê – Ka Nak, nói: “Hiện nay đang vào mùa khô, lượng nước ở đầu nguồn về hồ quá ít, nên chúng tôi không thể tăng lưu lượng xả hơn nữa”.
Xin lỗi nhé, người tên Hòa này vô trách nhiệm quá, làm liên lụy đến những người cùng tên.
Theo ông Hòa PGĐ, nguyên nhân ô nhiễm môi trường nước trên sông lúc này là chỉ do 1 phần công ty ổng thôi. Còn lại chắc là tại nước mưa chứa nhiều mùi hôi thối gây ô nhiềm sông. Chính quyền thấy gì khi cứ để ổng làm vậy?
Tiền họ thu còn chất thải người dân chịu. Không hiểu chính quyền địa phương làm gì mà để mặc cho nhà máy đường gây ô nhiễm như vậy.
Xin phân tích xu hướng về gía cả cà phê trong nội địa trong tháng 3/2012 theo quan điểm của anh.
Ô nhiễm môi trường như vậy làm sao người dân có thể sinh sống và làm ăn được, đề nghị chính quyền địa phương xem xét để đưa ra cách giải quyết hợp lý nhất, để môi trường xanh sạch đẹp hơn.
Có sống ở An Khê mới thấy được cái nước sạch nơi này. Cá mà sống ko nổi vì ô nhiễm, vì hôi thối mà nhà máy nước An Khê lại bơm cho người dân sử dụng. Cho bò uống nó còn ko thèm. “Nhục thế” hàng tháng phải bỏ tiền để mua cái gọi là nước sạch. Sống ở đây hơn 2 năm phải nể phục người dân ở đây giỏi cam chịu. Bao nhiêu nghìn dân mà lại không bằng nhà máy đường. Cán bộ, đảng viên ở An Khê sống cũng giỏi thiệt.